Thông điệp nêu trên được Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đưa ra tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), diễn ra vào sáng 8/3.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí rất quan trọng của giáo dục và đào tạo, là quốc sách hàng đầu; đồng thời, yêu cầu triển khai mạnh hơn nữa chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giai đoạn 2021-2025.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc (Ảnh: Trọng Toàn).
"Hà Nội xác định rõ vai trò, vị trí của Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Đảng bộ, chính quyền thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt, thường xuyên đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo; coi phát triển giáo dục, đào tạo, đưa học sinh trở lại trường học là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị" - ông Dũng nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, trước tác động của dịch Covid-19, Hà Nội càng dành sự quan tâm nhiều hơn, vừa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho học sinh, giáo viên, vừa bảo đảm chất lượng dạy và học. Nhờ đó, Hà Nội dẫn đầu về quy mô, mạng lưới trường lớp, về giáo dục mũi nhọn và duy trì chất lượng cao giáo dục đại trà ở các cấp học.
Để giáo dục, đào tạo Thủ đô phát triển xứng tầm, Hà Nội đã xác định giáo dục, đào tạo là một trong ba lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 (bên cạnh y tế và văn hóa). "Chúng tôi yêu cầu phải đưa tư duy phát triển ngành, lĩnh vực vào trong tư duy phát triển chung của thành phố. Các huyện đang phấn đấu lên quận như Đông Anh, Gia Lâm khi xây dựng hạ tầng giáo dục phải đạt chuẩn quốc gia luôn, tránh để sau này đô thị hóa không còn quỹ đất như thực trạng xảy ra ở các quận nội đô hiện nay" - ông Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Trọng Toàn).
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết thêm, tới đây, thành phố sẽ báo cáo với Bộ Chính trị về chủ trương quy hoạch xây dựng thành phố trong thành phố, thành phố giáo dục, khoa học - công nghệ sẽ lấy "hạt nhân" là khu trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc và khu vực Xuân Mai.
Đồng thời, Hà Nội cũng sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế để khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh cải cách hành chính để tháo gỡ thủ tục, thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng giáo dục, đào tạo... Để bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng phương án để khi được phân bổ vaccine là tiêm được cho trẻ 5-11 tuổi, bảo đảm an toàn cho học sinh khi trở lại trường học.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá, quy mô giáo dục trên địa bàn Thủ đô lớn, áp lực lớn, đòi hỏi cao, kỳ vọng nhiều, do vậy thách thức đặt ra rất lớn. Tuy nhiên, vượt qua những áp lực đó, trong những năm qua, Hà Nội vẫn được đánh giá là khu vực có chất lượng giáo dục hàng đầu và có tầm quan trọng đặc biệt.
"Mong Hà Nội với tất cả nguồn lực, trách nhiệm của mình xem xét đến hệ thống mô hình các trường năng khiếu bên cạnh trường chuyên để phục vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, ươm mầm các tài năng từ sớm nhất. Ngoài ra, trong sự phát triển đô thị theo hướng thông minh cần tính đến không gian cho việc học tập suốt đời để nâng cao chất lượng đô thị của Thủ đô" - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.