Chuyên mục  


Bình, học sinh lớp 12 một trường tư thục ở Hà Nội, thuộc lứa đầu tiên học chương trình phổ thông mới (chương trình 2018) ở bậc THPT.

Theo quy định, các em phải học 4 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ, đồng thời chọn thêm 4 trong 9 môn còn lại. Về lý thuyết, học sinh có 126 cách chọn, song thực tế mỗi trường THPT thường chỉ có khoảng 5-8 tổ hợp, tùy số giáo viên và cơ sở vật chất. Việc chọn môn diễn ra ngay khi học sinh nhập học lớp 10.

Năm 2022, Bình tốt nghiệp THCS theo chương trình cũ (2006). Chưa có nhiều hình dung về chương trình mới, nam sinh "chọn bừa" tổ hợp Địa, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Sinh học, Tin học để học.

"Em thấy những môn này dễ nên em chọn", Bình kể.

Cuối học kỳ I năm đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn chuyển tổ hợp. Học sinh muốn chuyển cần làm đơn để hiệu trưởng xem xét. Bình được thông báo, nhưng không đổi vì thấy vẫn ổn. Chương trình học "nhẹ" như Bình mong muốn.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2024 tại điểm thi trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP HCM, ngày 26/6. Ảnh: Quỳnh Trần

Cuối tháng 11/2023, Bộ chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với bốn môn, gồm Toán, Văn và hai trong số môn mà học sinh đã học ở bậc THPT.

Gần đây, khi trường khảo sát về tổ hợp môn thi, nam sinh mới nhận lựa chọn của mình từ năm lớp 10 chưa hợp lý. Với những môn đang học, Bình có hai lựa chọn: thi Tiếng Anh và Lịch sử để tạo thành hai khối D01 (Toán, Văn, Anh) và C03 (Toán, Văn, Sử); hoặc thi Lịch sử và Địa lý để có khối C00 (Văn, Sử, Địa), C04 (Văn, Toán, Địa).

Thực tế chỉ D01 và C00 là khối xét tuyển đại học truyền thống, được nhiều trường đại học sử dụng, còn C03 và C04 không phổ biến. Điều này có nghĩa dù chọn phương án nào, Bình gần như chỉ xây dựng được một tổ hợp để xét đại học.

"Một lựa chọn bao giờ cũng rủi ro hơn", Bình lo lắng. "Bây giờ em muốn đổi tổ hợp cũng không được nữa".

Nhật Long, học sinh lớp 12 ở TP HCM, cũng trong cảnh dở dang với tổ hợp Sinh, Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học. Cũng như Bình, ngày vào lớp 10, Long chọn bừa những môn này vì muốn học ban xã hội "cho nhẹ".

Tuy nhiên trong quá trình tìm hiểu ngành nghề, Long hứng thú với ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử. Các trường đại học thường tuyển ngành này bằng khối A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh) và D07 (Toán, Hóa, Anh). Trong khi đó, Long không thể chọn Lý và Hóa để thi tốt nghiệp, vì không học hai môn này.

Lựa chọn hợp lý nhất với Long lúc này là thi Tiếng Anh để cùng Toán và Văn tạo thành khối D01.

"Em nghĩ đây là cách tốt nhất có thể làm nếu muốn dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học", Long nói.

Chuyện chọn nhầm, chọn không đúng tổ hợp môn học từ lớp 10 là điều khó tránh với lứa học sinh đầu tiên của chương trình mới (sinh năm 2007), theo thầy Đinh Đức Hiền, phó hiệu trưởng trường Phổ thông liên cấp FPT Bắc Giang.

Lý do là các em học chương trình cũ ở THCS, "nhảy thẳng" vào chương trình mới khi lên lớp 10. Thời điểm đó, các công đoạn từ tư vấn, hướng nghiệp, phương án thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học chưa được đồng bộ.

Thầy Hiền thấy rằng việc chọn hai môn thi tốt nghiệp giúp giảm áp lực cho kỳ thi này. Tuy nhiên, ít ai băn khoăn về chuyện trượt tốt nghiệp, mà chủ yếu lo có vào được đại học hay không. Do đó, nếu không đưa ra lựa chọn phù hợp ngay từ lớp 10, học sinh có thể bị giới hạn lựa chọn xét tuyển đại học.

Theo hướng dẫn của Bộ, nếu học sinh có nhu cầu, trường vẫn cho đổi tổ hợp nhưng phải vào cuối năm học. Tuy nhiên, trả lời VnExpress hồi tháng 7, thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, nhìn nhận ngay cả khi đổi được, học sinh cũng gặp rủi ro. Thứ nhất là việc thiếu hụt kiến thức so với những bạn đã học môn đó từ năm lớp 10. Hai là nếu trường đại học đặt điều kiện về điểm học bạ 3-6 học kỳ của các môn trong tổ hợp thì các em sẽ không đủ đầu điểm.

Ngoài ra, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam, việc học sinh chọn sai tổ hợp, rồi phải "nhắm mắt đưa chân" chọn môn tốt nghiệp có thể khiến các trường đại học không tuyển được sinh viên phù hợp.

Xem 36 tổ hợp thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Thời điểm này, học sinh lớp 12 không thể đổi tổ hợp môn được nữa. Vì vậy, nếu gặp hạn chế, thầy Đoàn Minh Châu, hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội, khuyên các em chọn Tiếng Anh trong hai môn lựa chọn. Khi đó, ít nhất các em đã có khối D01 để xét đại học. Đây là khối thi phổ biến, không chỉ khối xã hội mà nhiều trường có ngành Tự nhiên sử dụng.

Thầy Đinh Đức Hiền gợi ý học sinh đăng ký thêm các phương thức xét tuyển khác ngoài điểm thi tốt nghiệp, như thi đánh giá năng lực, xét tuyển kết hợp với chứng chỉ quốc tế, học bạ.

Về phía các trường đại học, thầy Hiền nghĩ nên có sự linh động trong xét tuyển đầu điểm học bạ, chỉ nên lấy cả năm lớp 12 để các em đã đổi tổ hợp đủ điều kiện xét tuyển.

Về lâu dài, các nhà giáo cho rằng hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cần được thực hiện đồng bộ, giữa các trường THPT và THCS.

Cô Đỗ Thị Việt Phương, Phó hiệu trưởng trường THPT Võ Trường Toản, TP HCM, nói những năm gần đây thường đến tư vấn trực tiếp cho học sinh THCS. Đến khi các em vào lớp 10, giáo viên tiếp tục trò chuyện 1:1 nếu học sinh có nhu cầu. Dựa trên năng lực học tập, sở thích, thầy cô đưa ra các hướng dẫn để học sinh quyết định chọn môn cho phù hợp.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết trang tuyển sinh lớp 10 của thành phố cung cấp đầy đủ tổ hợp môn lựa chọn của tất cả trường THPT, để học sinh nắm bắt trước khi chọn trường, không bị động khi đỗ lớp 10 rồi mới biết trường có tổ hợp gì.

Thông tin của trường THPT Võ Trường Toản (gồm chỉ tiêu, số lớp, môn học tự chọn) trên cổng thông tin thành phố. Ảnh chụp màn hình

Với các trường, theo cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng THPT Kim Liên, Hà Nội, cần sắp xếp đa dạng tổ hợp nhất có thể. Ở trường Kim Liên có bốn tổ hợp chính với nòng cốt là hai môn Vật lý và Hóa học. Việc này đảm bảo khi thi tốt nghiệp, ngoài ngoại ngữ, học sinh có thể chọn thêm Lý hoặc Hóa để tạo thành ít nhất hai tổ hợp phổ biến trong xét tuyển đại học như A01, D01, D07.

Ngoài ra, trường linh hoạt cho học sinh chuyển môn. Chẳng hạn, trường có tổ hợp gồm Lý, Hóa, Sinh và Công nghệ, nhưng có em lại muốn học Tin thay vì Công nghệ. Khi đó, trường sẽ xếp thời khóa biểu để em này được học môn Tin tại một lớp khác. Khi đó, học sinh không phải chuyển tổ hợp mà vẫn có đủ đầu điểm.

"Làm như này thì khâu xếp thời khóa biểu sẽ khó khăn, nhưng bù lại học sinh được đảm bảo quyền lợi tối đa", cô Hiền nói.

Song song đó, cô Hiền thấy rằng học sinh và phụ huynh cần chủ động theo sát các thông báo, hướng dẫn của giáo viên và trường, kịp thời nắm bắt các thay đổi để đưa ra quyết định.

Biết mình không thay đổi tổ hợp môn được nữa, Thanh Bình quyết định chọn Lịch sử và Địa lý để thi tốt nghiệp, tạo thành khối C00. Nam sinh thừa nhận lựa chọn này nhiều rủi ro vì những năm vừa rồi, điểm thi khối C00 ở các trường top đầu đều quanh mức 27.

"Em sẽ cố hết sức cho kỳ thi tốt nghiệp và dùng thêm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học. Em nghĩ đây là cách tốt nhất có thể làm", Bình nói.

Thanh Hằng - Lệ Nguyễn

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020