Chuyên mục  


Sinh viên dựng lán, hứng sóng Internet để học trực tuyến. (Ảnh: Học viện Hành chính quốc gia)

Trong bối cảnh  COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, việc dạy và học trực tuyến được ngành giáo dục các tỉnh, thành xác định là giải pháp sẵn sàng thay thế học trực tiếp khi dịch bùng phát trên địa bàn. Tuy nhiên, đây thực sự là một bài toán khó với các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện kinh tế khó khăn, học sinh thiếu trang thiết bị, địa phương thiếu cơ sở hạ tầng.

Trèo lên đỉnh núi để 'hứng' internet

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai cho hay địa phương này có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 46%, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn.

Do đó, trong bối cảnh tác động rất lớn từ dịch COVID-19, việc tổ chức học trực tuyến để đảm bảo chương trình và chất lượng giáo dục là một điều rất khó.

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để học trực tuyến, học sinh phải có điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nối internet. Tuy nhiên với học sinh miền núi, nơi nhiều gia đình còn phải lo từ bữa ăn, thì việc sắm các trang thiết bị phục vụ học trực tuyến là khá xa vời.

Đây không phải khó khăn của riêng Gia Lai mà của nhiều địa phương khác, đặc biệt là các tỉnh khu vực miền núi.

Theo ông Nguyễn Văn Đoạt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, trong năm học 2020-2021, Sở đã thực hiện rà soát điều kiện dạy và học trực tuyến của học sinh, kết quả cho thấy có tỷ lệ khá lớn học sinh không đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu của việc dạy và học trực tuyến.

“Học trực tuyến với học sinh Điện Biên là bài toán khó vì các vùng núi điều kiện không được như vùng đồng bằng và thành phố. Hạ tầng công nghệ thông tin chỉ đảm bảo ở một số vùng thuận lợi, khu vực vùng cao rất hạn chế. Vì thế, chỉ có số học sinh ở vùng có hạ tầng tốt có thể dạy và học trực tuyến. Ở vùng khó, học sinh không có điều kiện mua thiết bị, dù chỉ là điện thoại thông minh, chưa nói đến máy tính và máy tính bảng. Thậm chí có nơi, nếu học sinh có điện thoại thì cũng không có sóng internet vì ở vào vùng lõm. Vì thế, không thể dạy và học trực tuyến,” ông Đoạt chia sẻ.

Trường học miền núi với điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, khó đáp ứng yêu cầu học trực tuyến. (Ảnh: TTXVN)

Vì không có sóng Internet, trong thời gian qua, đã nhiều học sinh ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Trị… phải trèo lên tận đỉnh núi, dựng lều ở tạm, 'hứng sóng' học bài.

Tận dụng thời gian vàng, linh hoạt nhiều giải pháp

Theo ông Nguyễn Văn Đoạt, do những khó khăn trong dạy và học trực tuyến nên ngành giáo dục Điện Biên đã phải chủ động xây dựng nhiều phương án, kết hợp nhiều giải pháp để có thể đảm bảo kế hoạch năm học.

Trước hết là việc phối hợp cùng nhân dân, chính quyền địa phương quyết liệt phòng chống dịch COVID-19 nhằm hạn chế thấp nhất khả năng bùng dịch tại địa phương, để học sinh có thể học trực tiếp nhiều nhất.

“Giải pháp đầu tiên là chúng tôi yêu cầu nhà trường phối hợp với các đơn vị cơ quan y tế dạy cho học sinh cách phòng chống dịch bệnh chứ không phải chỉ tuyên truyền như trước. Thậm chí, học sinh phải được dạy về tuyên truyền phòng chống dịch bệnh để mỗi em là một tuyên truyền viên cho gia đình, hàng xóm, bạn bè,” ông Đoạt cho hay.

Cùng với việc nâng cao tinh thần phòng chống dịch, Điện Biên cũng đang tích cực thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tận dụng “thời gian vàng” để dạy học trực tiếp.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên hướng dẫn các nhà trường tăng thời lượng dạy học. “Mỗi trường, tùy vào điều kiện thực tế được chủ động trong kế hoạch năm học. Nếu trước học một buổi một ngày, giờ có thể học hai buổi trên ngày, trước đây nghỉ thứ Bảy và Chủ Nhật thì nay có thể dạy cả thứ Bảy, chỉ nghỉ Chủ Nhật. Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo các trường tinh giản chương trình theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dạy trước nội dung cốt lõi,” ông Đoạt chia sẻ.

Trước thực tế khó khăn trong dạy trực tuyến ở địa phương, ông Đoạt cho hay Điện Biên đã yêu cầu các nhà trường linh hoạt trong kế hoạch năm học với ba phương thức dạy và học phù hợp với các tình huống dịch bệnh. Cụ thể, dạy trực tiếp trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt; dạy trực tuyến trong trường hợp có dịch, học sinh bị cách ly; nơi không thể dạy trực tiếp thì giáo viên giao nhiệm vụ học tập cho học sinh. Các hình thức dạy học có thể được tổ chức cùng lúc ở một trường, tùy vào từng đối tượng học sinh cũng như tình hình dịch bệnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, dù có nhiều giải pháp nhưng dạy học trực tuyến vẫn là giải pháp đảm bảo chất lượng nhất. Vì thế, công tác phòng chống dịch phải đặt lên hàng đầu.

Đây cũng là ý kiến của bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai. Theo đó, bà Lịch kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế để có thể triển khai vaccine sớm nhất cho học sinh, giúp các em có thể trở lại trường.

Trước thực trạng này, Bộ cũng đã có văn bản chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan chức năng, đoàn thể, huy động nguồn lực hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh học trực tuyến. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương có thể xây dựng các bài giảng, phát trên sóng truyền hình địa phương để học sinh học qua tivi nếu không thể học trực tuyến./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020