Chương trình cao học cấp bằng thạc sĩ về lĩnh vực y tế bền vững do Đại học Quốc gia Singapore (NUS Medicine) và Trung tâm Y học bền vững Trường Yong Loo Lin phối hợp đào tạo. Hiện trường mở đăng ký cho khóa đầu tiên, dự kiến khai giảng tháng 8 năm sau.
Chương trình học được thiết kế cho các chuyên gia, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành liên quan y tế hoặc bền vững. Các học phần cốt lõi gồm những kỹ năng thực tế như thực hiện đánh giá vòng đời, chiến lược quản lý chuyển đổi carbon thấp trong y tế và áp dụng ISO 14040 - tiêu chuẩn về quản lý môi trường và đánh giá vòng đời.
Tham gia giảng dạy là các giảng viên hàng đầu tại Trung tâm Y học Bền vững (CoSM) cùng các chuyên gia, đối tác từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Médecins Sans Frontières và The Lancet. Tất cả cùng tham gia chương trình trao đổi kiến thức giữa Singapore, Anh (đại diện bởi Dịch vụ Y tế Quốc gia - NHS) và Mỹ, hình thành mạng lưới học giả, chia sẻ các kiến thức thực tiễn từ khắp nơi trên thế giới.
Khóa đào tạo thạc sĩ y tế bền vững đầu tiên tại NUS Medicine dự kiến khai giảng tháng 8 năm sau. Ảnh: NUS
Song hành cùng khóa học là chương trình học bổng điều hành. Mục tiêu hướng đến đào tạo nhân lực chất lượng cao, tập trung chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu. Chương trình học chứng chỉ bán thời gian linh hoạt kéo dài một năm được thiết kế riêng cho các nhà lãnh đạo y tế, nhà hoạch định chính sách quốc gia và chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế và bền vững.
Theo NUS Medicine, biến đổi khí hậu tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe của nhiều bệnh nhân và sự tồn tại của hệ thống y tế thế giới. Nhiệt độ cao kỷ lục là một trong những nguyên nhân làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của lũ lụt và bão trên thế giới.
Trong tương lai, các chuyên gia dự báo Đông Nam Á sẽ chứng kiến sự gia tăng tỷ lệ tử vong do nhiệt độ cực cao, dẫn đến các vấn đề như suy tim sung huyết, thận bệnh tật, mất nước. Những vấn đề phức tạp về hệ thống y tế, khí hậu cũng ảnh hưởng đến mức độ lan truyền bệnh sốt xuất huyết, gây ra mức tăng hơn 28% trong 50 năm qua. Chính những lý do trên thôi thúc đảo quốc sư tử ra mắt chương trình thạc sĩ khoa học đầu tiên về y tế bền vững.
Thông tin về chương trình lần đầu được công bố tại Gian hàng Singapore, thuộc khuôn khổ Hội nghị các bên lần thứ 29 (COP29) của Công ước Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) tại Baku (Azerbaijan), ngày 11-22/11.
Sinh viên dược đào tạo song song lý thuyết, thực hành bán thời gian trong một năm. Ảnh: NUS
NUS Medicine nhấn mạnh, các chương trình sau đại học mới ra mắt dự kiến lấp đầy khoảng trống trong lĩnh vực y tế. Điều này được xác định trong một nghiên cứu gần đây của CoSM. Khoảng 82% bác sĩ tham gia khảo sát cho biết họ ủng hộ các chương trình, hành động ứng phó biến đổi khí hậu trong hệ thống y tế Singapore. Trong khi có đến 90% thể hiện mong muốn đảo quốc sẽ là quốc gia đi đầu trong lĩnh này, hiện thực hóa mục tiêu đạt mức phát thải bằng không.
Hiện có 85 trên tổng số 120 công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ sinh học, y tế và dược phẩm đã cam kết hoặc có chiến lược về khí hậu; kéo theo nhu cầu về các công việc bền vững trong ngành y tế dự báo gia tăng trong tương lai.
Nhận định về tình hình này, Giáo sư Nick Watts, Giám đốc CoSM tại NUS Medicine cho biết tương lai của y tế và y học phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng. Đầu tiên là bảo vệ bệnh nhân khỏi các tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, các hệ thống y tế cần được chuyển đổi để cung cấp dịch vụ chăm sóc theo hướng bền vững hơn như dao phẫu thuật có thể tái sử dụng và phòng khám trực tuyến...
Theo ông, lĩnh vực y tế hiện chiếm hơn 10% kinh tế toàn cầu. Những thay đổi nhỏ trong mỗi quốc gia có thể lan tỏa và tạo ra tác động toàn cầu. Các chương trình giáo dục cũ lẫn mới của NUS Medicine được kỳ vọng góp phần đào tạo nên thế hệ lãnh đạo bền vững trong lĩnh vực y tế.
Khóa học được kỳ vọng góp phần đào tạo nguồn nhân lực, lãnh đạo chất lượng cao cho lĩnh vực y tế bền vững. Ảnh: NUS
"Họ sẽ là những người được trang bị và sẵn sàng tiên phong cho quá trình chuyển đổi, hướng tới tương lai ít phát thải carbon", vị giáo sư nhấn mạnh.
Bác sĩ Amanda Zain, Phó giám đốc CoSM tại NUS Medicine cũng thừa nhận, để thực sự thúc đẩy y tế bền vững, các chuyên gia cần có khả năng thiết kế các quy trình mới trong phạm vi ảnh hưởng của họ đi kèm các chiến lược dựa trên dữ liệu.
"Tầm nhìn của chúng tôi là thông qua các chương trình này, tạo bước đệm vững chắc cho sự nghiệp, giúp họ chuẩn bị và định vị như những người khuyến khích thay đổi trong y tế bền vững", bác sĩ Zain chia sẻ.
Á Hiên