Chuyên mục  


sinh-vien-173218053870868546194.jpg

Sinh viên tham dự một sự kiện tại TP.HCM - Ảnh: MINH QUÂN

Chiều 1-12, phòng công tác sinh viên và phòng thanh tra - pháp chế, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) kết hợp tổ chức workshop về những vấn đề "nóng" mà sinh viên cần nhận biết.

Tại đây, ThS Hà Minh Ninh, trưởng phòng thanh tra - pháp chế, báo cáo viên, đưa ra rất nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý mà đôi khi sinh viên vô tình vi phạm. 

Không ít câu chuyện đến từ chính thực tiễn của các bạn sinh viên.

Chẳng hạn, một sinh viên A đã đăng tải nhiều bài viết, kèm hình ảnh với nội dung "bóc phốt", nói xấu B - là người vay nợ gia đình mình rất lâu nhưng chưa trả - trên trang cá nhân và trong một số hội nhóm.

Thầy Ninh cho biết đây là trường hợp có thật mà phòng từng tư vấn. 

Khi được giải thích, bạn sinh viên mới biết hành vi của mình có thể đang bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, có thể bị xử lý hành chính đến hình sự.

Lúc đó, sinh viên được khuyên nên hướng dẫn gia đình tìm đến sự trợ giúp của các cơ quan pháp luật như công an, tòa án thay vì tự đăng tải các bài viết "đòi nợ" trên mạng xã hội.

Trong phạm vi trường học, theo thầy Ninh, nhiều sinh viên hiện chưa nắm kỹ hoặc thậm chí không biết đến các quy định về khen thưởng, kỷ luật cũng như những điều sinh viên được làm, không được làm, nhất là trong học tập, thi cử. Đáng nói, những nội dung này thường được đăng tải công khai và dễ tiếp cận trên các trang web của nhà trường.

Điển hình, nhiều sinh viên xem nhẹ việc học hộ. Một số bạn có thể chỉ vì muốn giúp đỡ nhưng đã học hộ, thậm chí thi hộ cho bạn bè, người yêu. Tuy nhiên, hành vi này có thể bị kỷ luật với mức từ khiển trách cho đến buộc thôi học.

Thầy Ninh giải thích thêm buộc thôi học thường rơi vào trường hợp học hộ, thi hộ, làm đồ án hộ có tổ chức. 

Đặc biệt khi có liên quan đến yếu tố tiền bạc, khả năng bị xử lý nặng là rất cao. Trước đây đã từng có trường hợp sinh viên bị kỷ luật mức cao nhất này liên quan đến học hộ, thi hộ.

hoi-thao-sinh-vien-1733048536292498430856.jpg

Buổi workshop tại Trường đại học Khoa học tự nhiên chiều 1-12 - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Một trường hợp khác, những sinh viên giỏi công nghệ thông tin có thể tìm cách lấy được file điểm của lớp, của khoa, hay của trường.

Dù chỉ là chia sẻ trong một nhóm nhỏ hay công khai, đây cũng là hành vi vi phạm mà sinh viên đôi khi chưa ý thức được. Tùy vào sự việc, sinh viên có thể bị kỷ luật với những mức độ khác nhau.

"Tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật và của nhà trường là điều sinh viên nên làm. Khi cần sự trợ giúp hoặc tư vấn, sinh viên có thể tìm đến phòng công tác sinh viên, phòng thanh tra - pháp chế, văn phòng khoa hoặc các cơ quan công an xã, phường", thầy Ninh nói.

Càng công nghệ, sinh viên càng nên "face-to-face"

Cũng trong workshop, ThS Hà Minh Ninh chia sẻ nhiều trường hợp có thật sinh viên bị 'sập bẫy' lừa đảo qua mạng như mất tiền chuyển vào tài khoản Facebook bị hack, đầu tư, đa cấp...

Đặc biệt, với những công nghệ mới, nhiều kẻ lừa đảo giả các cuộc gọi video từ những cơ quan chức năng yêu cầu các bạn cung cấp thông tin tài khoản để chiếm đoạt tài sản.

Trong workshop, một sinh viên đã kể câu chuyện mình bị lừa mất 5 triệu đồng bởi chiêu thức "công an giả".

Thầy Ninh dành lời khuyên cho sinh viên, khi công nghệ càng phát triển mạnh thì càng nên "face-to-face" (mặt đối mặt), đặc biệt trong những tình huống quan trọng.

Đơn cử khi Facebook của bạn, người thân nhắn tin mượn tiền gấp, có thể yêu cầu bạn gặp trực tiếp. Khi tìm hiểu xin việc công ty mới, nên đến trực tiếp…

"Cách kiểm tra trực tiếp sẽ giúp các bạn tránh được rất nhiều rủi ro có thể xảy ra", thầy Ninh nói.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020