Nghĩ đến cậu con trai ngày xưa học giỏi nhưng giờ không còn ham học, rụt rè trong mọi chuyện, tôi lại thấy đau xót đến thắt ruột thắt gan!
Khi còn nhỏ, con trai tôi chưa bao giờ để tôi phải lo lắng. Sau khi vào lớp một, nhờ học tốt các môn tiếng Việt, toán, thể dục nên con trai được bầu làm lớp trưởng. Mỗi ngày khi đi học về, thằng bé không bao giờ xem TV hay chơi iPad mà luôn làm bài tập về nhà trước rồi mới làm những việc khác.
Khi tôi ra ngoài gặp bạn bè, con trai không hề gây ồn ào suốt thời gian đó. Thằng bé tập trung học bài trên điện thoại di động. Năm lớp 3 tiểu học, thằng bé đứng thứ 10 toàn trường. Bạn bè, hàng xóm đều nói tôi may mắn, có một cậu con trai vô cùng tự giác và ngoan ngoãn.
Tôi nghe những lời khen ngợi này về con trai mình nhiều đến mức tôi thực sự cảm thấy vô cùng hãnh diện, thậm chí có lúc còn có chút kiêu ngạo.
Khi người khác phàn nàn về khả năng học tập kém và thiếu chú ý của con họ, tôi vô thức nói: "Con trai tôi không cần ai nhắc nhở, nó tự học".
Người khác than phiền con cái họ không giỏi một môn năng khiếu nào, tôi tự hào khen ngợi: "Con trai tôi học gì cũng được, nó rất đa năng".
Lúc đó, tôi không nhìn thấy vẻ gượng gạo trên khuôn mặt của người khác hay những cử động nhỏ có chút bối rối của con trai, tôi chỉ đắm chìm trong sự tự mãn "con trai tôi thật giỏi".
Mọi chuyện sau đó thật bất ngờ, kể từ năm lớp 5, điểm số của con trai tôi sa sút, tình hình ngày càng trầm trọng hơn. Khi tôi hỏi có chuyện gì, thằng bé chỉ im lặng và chỉ muốn trốn trong phòng. Thằng bé cũng bắt đầu nghiện chơi game, đi vệ sinh cũng phải mang điện thoại theo, mỗi khi tôi không cho chơi, thằng bé sẽ gắt gỏng với tôi. Kết quả bài kiểm tra mới được công bố gần đây, môn toán chỉ được 5 điểm và môn tiếng Anh bị trượt! Tôi giận đến mức không ngừng mắng con trai: "Con nói xem giờ mẹ phải gặp các cô chú kia như nào?"
Con trai tôi nghe vậy liền đứng dậy và nổi giận với tôi: "Việc học của con thì có gì liên quan tới họ, mẹ cứ luôn lấy chuyện thành tích của con ra để nói, con thật sự cảm thấy rất khó chịu!"
"Mẹ chỉ yêu đứa con trai được điểm cao của mẹ thôi, giờ thành tích của con không ra sao, con không là gì đối với mẹ cả."
"Con không muốn học nữa, mẹ nói với cô giáo cho con nghỉ học đi!"
Ba câu nói liên tiếp khiến tôi bối rối.
Con cái học giỏi, tôi tự hào, nhưng hiện tại, khi điểm số của con xuống dốc, tôi thấy xấu hổ, như vậy có gì sai ư? Nhưng sau này, khi bình tĩnh lại và suy nghĩ lại, tôi cuối cùng cũng nhận ra: Bản thân thực sự sai lầm ở chỗ không nên lúc nào cũng khen ngợi thằng bé như vậy!
Điền Hồng Kiệt, phó giáo sư tại Cơ sở Nghiên cứu Phát triển và Giáo dục Thanh niên Bắc Kinh, Trung Quốc, đã chia sẻ một câu chuyện như sau:
Một bà mẹ kể rằng khi nhìn thấy bức tranh mà con mình vẽ, cô đã khen ngợi: "Wow, phối màu rất tuyệt, con giỏi quá".
Sau nhiều lần khen ngợi, đứa trẻ trở nên kém hứng thú hơn trước, còn chần chừ khi bắt đầu vẽ và không dám vẽ.
Đặc biệt khi có người muốn xem tranh của mình, cậu bé lại càng không muốn vẽ, chỉ muốn trốn đi.
Bạn có thể thắc mắc, chẳng phải trẻ em cần được "khen ngợi" nhiều hơn để trở nên giỏi giang hơn sao? Tại sao hiệu quả thực tế lại ngược lại?
Một blogger chuyên tìm hiểu về nuôi dạy con cái cũng đã thử nghiệm, để hai đứa con của mình trở nên tự tin và nổi bật hơn, cô thường khen ngợi con mình bằng nhiều cách khác nhau.
Sau nhiều lần liên tiếp, những lời khen ngợi đó dường như không đem lại tác dụng tích cực nào.
Phó giáo sư Điền Hồng Kiệt tóm tắt ra một quan điểm rằng: "Chúng ta cần xem xét mục đích của việc khen ngợi con mình là gì. Mục đích càng thực dụng càng dễ tạo ra những ràng buộc đối với trẻ." Là thực sự cảm thấy con mình rất tuyệt, không kìm được niềm vui nên thốt ra những lời khen ngợi? Hay luôn cảm thấy con mình là nhất vũ trụ và không thể không khoe khoang?
Mặc dù những từ "Con thật tuyệt vời", "Con là người giỏi nhất" và "Con thật thông minh" thực sự rất dễ nghe, nhưng việc nói chúng quá nhiều thực sự có thể tạo ra gánh nặng cho trẻ.
Carol Dweck, giáo sư tâm lý học hành vi tại Đại học Stanford, đã dành 20 năm nghiên cứu và nhận thấy rằng: Những đứa trẻ quen mang trong mình hào quang "thông minh" sẽ khó đối mặt và chấp nhận thất bại hơn, bởi một khi gặp phải một thất bại nhỏ, chúng sẽ không thể phục hồi và cho rằng điều này là do sự ngu ngốc của mình.
Nói cách khác, những đứa trẻ luôn được khen là "tuyệt vời", "rất mạnh mẽ" và "rất thông minh" sẽ vô thức mang trong mình hào quang thần tượng.
Khi dần quan tâm đến thành tích của mình hơn những việc phải làm, chúng sẽ dễ trở nên rụt rè và không thể có cái nhìn thoáng cũng như tích cực hơn.
Theo thời gian, mọi nhiệt huyết và động lực sẽ cạn kiệt.
Khi khen con, ngoài việc không "quá khen", chúng ta cũng phải chú ý đến việc việc "khen" xuất phát từ sĩ diện của cha mẹ.
Chẳng hạn, mỗi khi tôi nói về việc con trai tôi giỏi như thế nào, ẩn ý là: Hãy nhìn xem, con trai tôi thật tuyệt vời, và tôi, với tư cách là một người mẹ, là người dạy nó rất nhiều điều.
Con trai tôi giống như một bằng chứng và một cái mác cho tôi. Nó thông minh và xuất sắc, đó là công lao của tôi.
Và để bảo vệ thể diện, tôi không để con thoái lui, chán học. Không ngờ, tôi lại khiến con tổn thương sâu sắc tới nỗi lòng bên trong con.
Trong cuốn sách có tên Những Lời Thú Tội Thầm Lặng, đoạn độc thoại của cô học sinh đứng đầu Lydia nói lên tiếng nói của vô số con trẻ:
"Bố mẹ càng quan tâm đến bạn, họ càng kỳ vọng vào bạn nhiều hơn. Sự quan tâm của họ giống như bông tuyết, không ngừng rơi vào bạn và cuối cùng nghiền nát bạn."
Từ khi cô còn nhỏ, bố mẹ chỉ coi Lydia là người tiếp nối ước mơ của họ và vô cùng tập trung vào việc học của cô.
Khi cô biểu hiện tốt, mẹ sẽ không chút do dự khen ngợi sự thông minh của cô: "Bố sẽ rất tự hào về con".
Trong mắt mẹ, cô là người ngoan ngoãn và vâng lời nhất trong ba người con trong nhà, mẹ khen ngợi cô ngay cả trước mặt người lạ.
Nhưng một đứa trẻ tưởng như hoàn hảo như vậy lại bí mật học hút thuốc, cuối cùng lại chọn cách tự tử bằng cách nhảy xuống hồ mà không nói với một ai.
Hóa ra mỗi đứa trẻ luôn được cha mẹ khen ngợi một cách mù quáng đều phải chịu áp lực vô cùng lớn trong lòng.
Có thể người khác không nghĩ nhiều, nhưng họ sẽ nghĩ: "Tôi bị cả thế giới săm soi và không có chút quyền riêng tư nào cả". "Tôi không thể thất bại. Nếu tôi thất bại, mọi người sẽ cười nhạo tôi và cho rằng tôi không giỏi". "Tôi học chỉ vì bố mẹ thôi. Một khi thi không tốt, tôi sẽ chẳng là gì và không xứng đáng làm con của bố mẹ".
Nếu một đứa trẻ trong quá trình lớn lên luôn bị ám ảnh bởi sự bất lực của câu "Tôi không kiểm soát được mình là ai", đứa trẻ sẽ không thể dành đủ sự quan tâm cho việc học, sinh hoạt và làm những điều mình thích.
Càng sợ thất bại, bạn càng dễ rơi vào những cảm xúc tiêu cực như lo lắng và tự trách móc bản thân.
Nếu không có kênh để trút giận, họ sau cùng sẽ bị mắc kẹt trong cảm giác kiềm chế vô hình này, khiến bản thân khó có thể thoát ra và trốn thoát.
Những đứa trẻ xuất sắc đương nhiên là điều mà cha mẹ nào cũng muốn.
Nhưng điều quan trọng nhất là bạn phải nhận thức được động cơ giáo dục con cái của chính mình, bỏ qua thói phù phiếm "yêu cầu con làm bản thân nở mày nở mặt", khen ngợi con một cách thích hợp.
Khen ngợi không có nghĩa là chỉ nói bất cứ điều gì bản thân nghĩ, mà nó đòi hỏi phải có kỹ năng.
Nếu bạn muốn con mình thực sự tự tin, hạnh phúc và vui vẻ, hãy nhìn con từ góc độ "đang trưởng thành" và khen ngợi con:
1. Đừng quá đề cao tài năng mà hãy ghi nhận sự chăm chỉ và cống hiến của con
Một bà mẹ có con trai đỗ vào một ngôi trường đại học hàng đầu đã chia sẻ tin vui về con trai mình, đồng thời đăng tải những chồng bài kiểm tra mà con trai bà đã làm để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học.
Cô nói rằng con trai cô đã vào được một trường tốt vì sự chăm chỉ của nó, đó là điều đáng được tôn trọng.
Tôi để lại những tờ giấy này với mong muốn mọi người có thể thấy được con trai tôi đã phải trải qua 3 năm cấp 3 khó khăn như thế nào.
Dù trong lời nói không hề nhắc đến từ "thông minh" hay "tuyệt vời" nhưng tôi có thể cảm nhận được sự ghi nhận và tự hào của người mẹ dành cho con mình.
Những lời nói đi vào trái tim của một đứa trẻ không bao giờ là những lời khen ngợi những phẩm chất bẩm sinh của trẻ mà là sự ghi nhận những chăm chỉ, nghiêm túc, tập trung và chu đáo của trẻ, những phẩm chất trẻ phát triển sau này trong cuộc sống.
Điều này có thể giúp trẻ nhận ra rằng làm việc chăm chỉ sẽ được đền đáp và chỉ cần tôi nỗ lực, cuối cùng tôi sẽ đạt được thành công cho riêng mình.
2. Đừng bình luận về kết quả của trẻ mà hãy mô tả khả năng và điểm mạnh của trẻ
Có một người mẹ rất quan tâm đến việc giáo dục con cái.
Tuy nhiên, cô sẽ không nói con làm như thế nào mà khẳng định thái độ, hành vi của con khi làm một việc gì đó.
Chẳng hạn, nếu con vẽ một bức tranh đẹp, trước tiên cô khen con đã chủ động vẽ, đồng thời nhẹ nhàng nhắc nhở: Nếu con làm theo hướng dẫn của giáo viên cẩn thận hơn, con sẽ có thể vẽ tốt hơn.
Đứa trẻ làm theo lời mẹ và vẽ ra một bức tranh thậm chí còn đẹp hơn.
Lúc này, cô vẫn khen ngợi thái độ nghiêm túc hoàn thành bức tranh của con, đồng thời khen ngợi một số chi tiết trong quá trình con vẽ tranh.
Trên thực tế, kết quả của việc trẻ làm một việc gì đó kém quan trọng hơn nhiều so với quá trình hoàn thành nó.
Hãy chú ý hơn, mô tả và khẳng định những điều tốt ở trẻ và những điều cần cải thiện thêm để trẻ có thể tiếp tục phát triển theo hướng tốt hơn.
3. Chấp nhận những trở ngại và thất bại của trẻ với tinh thần cởi mở
Bạn có để ý rằng nhiều trẻ rất sợ thất bại và không muốn để bản thân phải thua cuộc? Chúng thường lo lắng rằng bố mẹ sẽ cho rằng chúng không ngoan và sợ làm cha mẹ xấu hổ.
Nhưng trên thực tế, trẻ sẽ luôn phải đối mặt với vô số thất bại khi lớn lên.
Thái độ của cha mẹ đối với sự thất bại của con cái ảnh hưởng trực tiếp đến sự đánh giá của con cái về bản thân.
Khi con thi không tốt hoặc làm điều gì đó kém, cha mẹ cho rằng đó chẳng là gì và hướng dẫn con nghiêm túc suy ngẫm về nguyên nhân thất bại, rút kinh nghiệm và tìm cách cải thiện, như:
"Chuyện này là sao?"
"Trách nhiệm là gì?"
"Làm thế nào để giải quyết vấn đề?"
Bằng cách chấp nhận những vấn đề trẻ gặp phải và trân trọng mọi cơ hội được giáo dục, hướng dẫn, trẻ có thể đối mặt với những khó khăn chưa biết một cách tích cực hơn và có thêm động lực, tự tin để khám phá và trưởng thành.
04
Giáo dục không chỉ kiểm tra sự kiên nhẫn mà còn cả tầm nhìn của những bậc phụ huynh chúng ta.
Tuy nhiên, chính vì có con nên chúng ta cần phải học hỏi nhiều hơn, và trong quá trình đó, không chỉ con cái mà cả chính chúng ta cũng trưởng thành.
Tôi hy vọng bài viết hôm nay có thể truyền cảm hứng cho các bậc cha mẹ có cùng trải nghiệm.
Hãy dành cho con bạn những lời khen ngợi đúng đắn và những chất dinh dưỡng cần thiết để con phát triển, để con có thể bước sang giai đoạn tiếp theo của cuộc đời với tình yêu trong tim, ánh mắt sáng ngời và năng lượng tràn đầy.