Các bạn nhỏ trang trí heo đất để tiết kiệm tham gia kế hoạch nhỏ - Ảnh: K.ANH
Không biết ở trường cô giáo của cháu có nói gì về heo đất, về ngày tết, về việc lì xì mừng tuổi đầu năm hay không, chứ ở nhà tôi chưa nói với cháu những điều này.
Ngày giáp Tết, tôi và con trai đi vào nhà sách để tìm mua heo đất và hỏi con có mua thêm một con nữa cho em trai không. Nhưng cháu nói chỉ cần một con và hai anh em có thể dùng chung. Cháu còn nói có tiền lì xì sẽ bỏ vào đó đến "mấy chục năm mới đập".
Rồi ngày tết cũng đến. Sáng mùng một, gia đình tôi ăn sáng xong thì cùng nhau chuẩn bị phong bì để đi chúc tết, mừng tuổi cho bà con, họ hàng hai bên nội ngoài và người thân. Hai con trai được bà xã tôi mừng tuổi đầu tiên. Và rồi cháu nhỏ đưa phong bì cho cháu lớn để cùng bỏ vào heo đất.
Đến trưa mùng 1, khi bà con đến thăm nhà ngày một đông và cháu cũng có nhiều phong bì lì xì thì cháu lại muốn đập heo đất để tham gia lô tô. Tôi nói với cháu về việc giữ heo đất thật lâu để khi cần thiết có thể sử dụng vào việc hữu ích hơn.
Cháu nghe lời tôi, không nói gì về việc đập heo đất nữa. Sau mỗi lần nhận được phong bì lì xì mới, cháu đều nói "Con đã có thức ăn cho heo rồi" và cầm tiền lì xì nhét vào heo đất.
Mỗi lần cháu nói vậy, ai cũng cười và mọi việc liên quan lì xì ngày tết diễn ra rất nhẹ nhàng trong gia đình tôi.
Những ngày sau đó, khi nhận được nhiều phong bì lì xì hơn, cháu còn nói thêm là "con đã cho heo ăn đến ngày mai luôn rồi" và "heo của con đã no quá rồi". Chúng tôi bật cười trước sự ngây thơ của con, và vui vì thấy cháu chỉ quan tâm đến "thức ăn cho heo".
Tối mùng 6 tết, tôi hỏi cháu xem muốn dùng tiền lì xì để làm gì. Tôi cũng đưa ra vài gợi ý cho cháu, nào là có thể lấy tiền ấy để đăng ký học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài, hoặc mua máy tính để cả gia đình cùng nhau học tiếng Anh.
Hiện cháu chưa có quyết định gì, tuy nhiên cháu rất muốn được dùng số tiền ấy để "đầu tư" vào việc học.
Từng chứng kiến và nghe nhiều câu chuyện về việc con trẻ xé ngay phong bì, lấy tiền lì xì, rồi nói ít nhiều trước mặt khách khiến cả người cho và người nhận đều đỏ mặt, bực tức nên tôi luôn nhẹ nhàng nhắc nhở con việc cảm ơn và đem cất phong bì sau khi đã nhận được.
Năm nay, gia đình chúng tôi đã có một cái tết đầm ấm và mọi việc diễn ra suôn sẻ, nhẹ nhàng. Nhưng vui hơn cả là các con của chúng tôi đã lớn, đã hiểu biết thêm và không xem trọng tiền mừng tuổi ít hay nhiều mà chỉ nghĩ đơn giản là "đã có thức ăn cho heo".
TTO - 'Về quê có một ngày tôi giật mình, phải năn nỉ họ hàng hãy lì xì con tôi tượng trưng thôi, đừng đưa cho bé những tờ 500.000, 1 triệu khiến bé nghĩ rằng tiền dễ kiếm' - một bà mẹ tâm sự ngày mùng 2 tết.