Tham gia buổi tọa đàm có PGS.TS Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, và TS. Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia trao đổi về các phương án dạy học trong bối cảnh ứng phó với dịch bệnh Covid-19; từ đó đưa ra cách thức, kỹ năng giúp giáo viên thiết kế bài giảng và tổ chức hoạt động phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh tiểu học.
Theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành và TS. Tôn Quang Cường, sau một tuần triển khai dạy học trực tuyến trên cả nước, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra, nhất là với học sinh lớp 1. Đó là sự bỡ ngỡ của tất cả thầy, trò và phụ huynh khi đồng thời áp dụng một phương thức dạy học mới; sự căng thẳng của tất cả khi sử dụng tích hợp công nghệ; hay sự thiếu hụt mang tính hệ thống của việc đảm bảo hạ tầng, thiết bị và các tài nguyên số cần thiết…
Do đó, thầy cô và nhà trường phải có sự chuẩn bị kỹ càng để triển khai dạy học trực tuyến đồng bộ và hiệu quả.
Linh hoạt trong thiết kế bài giảng
PGS.TS Nguyễn Chí Thành cho biết, để đảm bảo chất lượng cho việc dạy học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, trước hết, nhà trường cần có sự chuẩn bị, đầu tư về cơ sở vật chất. Song song với nâng cấp tốc độ đường truyền, nên có sự đầu tư về các thiết bị như máy tính, bảng thông minh hay các phần mềm… trong trường hợp nhà trường muốn ghi hình hay thực hiện các video giảng dạy.
Thêm vào đó, mỗi nhà trường cần chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến.
"Đặc biệt, cần nhấn mạnh đến kỹ năng thiết kế các hoạt động kiểm tra - đánh giá khi mà trong giờ dạy trực tuyến, giáo viên không có cơ hội kiểm soát trực tiếp tiến trình học tập của học sinh" - PGS.TS Nguyễn Chí Thành chia sẻ.
Ngoài ra, cần có kế hoạch chi tiết tới từng môn học và giờ học.
Bởi lẽ, với dạy học trực tiếp, giáo viên rất thuận lợi trong việc hỗ trợ học sinh, có sự tương tác qua từng ánh mặt, cử chỉ để hiểu và giúp đỡ học trò. Nhưng với hình thức trực tuyến, việc thực hiện những điều đó đều rất khó khăn.
Do đó, những bài học theo hình thức trực tuyến cần phải được cấu trúc hợp lý; không để học sinh quá tải về kiến thức, thời gian, gây những tác động tiêu cực tới sức khỏe học trò.
Theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành, nhà trường và thầy cô cần lựa chọn các nội dung để thực hiện dạy theo hình thức trực tuyến. Với một số nội dung phát triển kỹ năng thực hành, trải nghiệm góp phần hình thành nhân cách, phẩm chất của học sinh... thì nên chọn thời điểm để triển khai trực tiếp thay vì dạy học online.
TS. Tôn Quang Cường cũng đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng, khi xây dựng giáo án, cần lưu ý tới tổng thời gian học online đối với học sinh tiểu học không nên quá 2 tiếng/ngày; cần được chia thành nhiều phiên, mỗi phiên không quá 20 phút; giữa các phiên cần có giải lao 5 phút; ở phiên thứ 3 nghỉ 10 phút. Không nên giải lao lâu vì cả thầy và trò sẽ mất thời gian để khởi động lại.
"Theo tôi, một nội dung có thể chia làm 3 phần: phần học online trực tiếp, phần lồng ghép vào bài tập thực hành/trò chơi và phần giao bài tập về nhà. Khi chia nội dung, giáo viên cần hướng theo tiếp cận hoạt động có thứ tự gắn kết đảm bảo tính hệ thống. Để thuận tiện hơn, giáo viên có thể thiết kế nội dung từng bài và gửi trước cho cha mẹ học sinh để nhận được sự phối hợp".
Đặt sự hứng thú và tương tác của trẻ làm gốc
Theo TS. Tôn Quang Cường, một trong những nguyên nhân khiến việc dạy học trực tuyến chưa thực sự hiệu quả chính là vẫn còn hạn chế trong các hoạt động tương tác giữa giáo viên và học sinh.
"Cần phải hiểu sự tương tác ở đây bao gồm: tương tác trực tiếp nhưng không tiếp xúc giữa giáo viên và học sinh trong giờ học online; tương tác gián tiếp giữa thầy trò trước và sau giờ học online; tương tác với cha mẹ học sinh để đảm bảo kết nối và trợ giúp từ phía họ.
Tuy nhiên, phần lớn giáo viên hiện nay mới chỉ tập trung nỗ lực tương tác trong quá trình giờ học online được diễn ra, mà quên mất các khả năng hỗ trợ học sinh trước và sau giờ học, đi kèm với đó là sự tham gia trợ giúp của cha mẹ học sinh".
Do đó, theo chuyên gia, thầy cô cần chú trọng việc xây dựng và tổ chức quá trình tương tác trước, trong và sau giờ học với học sinh, phụ huynh. Cụ thể:
Trước khi bắt đầu buổi học, giáo viên cần kiểm tra các thiết bị kết nối và các học liệu cần thiết; thêm vào đó là những thiết bị, đồ dùng trực quan hỗ trợ như: bảng viết, thẻ chữ cái/con số; thẻ quy ước các hoạt động; video tự tạo; hình ảnh tự tạo hoặc sưu tầm…
Trong quá trình học, nhằm gia tăng sự tương tác, giáo viên nên sử dụng một số ứng dụng trò chơi online đơn giản; các thẻ nội dung trực quan (chữ cái, con số, kí hiệu quy ước hoạt động…) để giơ lên trước màn hình yêu cầu học chú ý; hay thực hiện luôn một số hoạt động tương tác cụ thể như: yêu cầu học sinh giơ tay, yêu cầu trả lời… tiến tới yêu cầu các em thể hiện tương tác bằng cách sử dụng các chức năng trong ứng dụng. Ví dụ: "Nếu con thấy vui, hiểu cô nói thì con bấm nút số 1 hay chữ cái A trên bàn phím, hay biểu tượng cảm xúc ở thanh công cụ".
Sau giờ học, để duy trì sự tương tác, giáo viên có thể gọi điện trao đổi với chính học sinh nếu có những điều cần lưu ý, dặn dò. Ngoài ra, thầy cô nên gọi điện, nhắn tin trao đổi, cập nhật liên tục với phụ huynh để nhận được sự phối hợp, trợ giúp.
Trong bối cảnh dịch bệnh, giáo viên không có cơ hội kết giao trực tiếp với học sinh nhưng lại có thể kết nối với các em bằng công nghệ. Hãy nghĩ đến các em để sử dụng công nghệ một cách sáng tạo theo cách riêng.
"Dạy học tiểu học, nhất là cho học sinh lớp 1,2 cần phải lấy sự hứng thú và tham gia của học sinh làm cái gốc. Trong quá trình học trực tuyến, trẻ luôn có xu hướng sợ bị cô đơn khi bị mất giao tiếp, lo lắng khi không hiểu lời cô giảng, nội dung bài giảng, lúng túng khi bắt chước các thao tác hoặc bất an khi thấy làm không đúng theo yêu cầu, bỡ ngỡ khi sử dụng công nghệ… Do đó, giáo viên cần phải thực sự là bạn cùng chơi, bạn cùng học trong mọi hoạt động của trẻ" - TS. Tôn Quang Cường nhấn mạnh.
Kiều Phương