Câu chuyện học Tiếng Anh trong thời kỳ hội nhập toàn cầu luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm của đông đảo mọi người, đặc biệt là các vị phụ huynh - những người luôn muốn chuẩn bị hành trang tốt nhất cho con cái mình khi bước vào đời.
Tuy nhiên, sau khi xuất hiện một số trường hợp trẻ nhỏ bị rối loạn ngôn ngữ, không nói được Tiếng Việt, chỉ sử dụng Tiếng Anh bồi và học vẹt do bố mẹ để con tiếp xúc với ngôn ngữ nước ngoài từ quá sớm mà không có phương pháp giáo dục sát sao và đúng đắn, đã khiến cho vấn đề học Tiếng Anh từ độ tuổi nào được đưa ra tranh luận gay gắt.
Cách đây không lâu đã xuất hiện một bài viết nhận được nhiều sự chú ý, cho rằng việc cho trẻ nhỏ học Tiếng Anh từ quá sớm là không cần thiết, đặc biệt nhấn mạnh trẻ cần sử dụng thành thạo và nắm được kiến thức lõi của Tiếng Việt thì mới liên hệ sang để học tốt được Tiếng Anh. Bài viết còn đưa ra dẫn chứng về việc có rất nhiều người giỏi Tiếng Anh vẫn thất nghiệp, hoặc người không cần biết Tiếng Anh vẫn thành công để chỉ trích những người làm quá về sự quan trọng và cần thiết của ngôn ngữ này.
Nhằm phản biện lại bài viết trên, chị Ngô Phương Thảo, CEO của Pretty.tips - một dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo và ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực làm đẹp, hiện đang sinh sống tại Thung lũng Silicon (Mỹ), đã có một bài viết chia sẻ quan điểm của bản thân về vấn đề này. Với kinh nghiệm tự học tiếng Anh, tiếng Nhật và từng học chuyên văn nên bản thân chị Thảo rất quan tâm đến ngôn ngữ và viết lách. Trong quãng thời gian làm việc tại nước ngoài, chị có cơ hội được đi nhiều nơi, đọc rất nhiều tài liệu sách báo, tham gia những cuộc hội thảo chuyên đề nên càng cảm nhận được rõ hơn tầm quan trọng và tính cần thiết của ngôn ngữ nói chung và Tiếng Anh nói riêng trong trong thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế.
Chị Ngô Phương Thảo, người có bài viết phản biện lại ý kiến không nên cho trẻ em học Tiếng Anh sớm (Ảnh: NVCC)
Chị Thảo đã dùng những gì học hỏi và quan sát được tại nước ngoài để bác phản bác lại ý kiến cho rằng không nên cho trẻ em học Tiếng Anh sớm, hoặc chỉ được học Tiếng Anh khi đã rất giỏi Tiếng Việt qua bài viết dưới đây:
1. Tuổi "ị bô" học tiếng Anh là tốt nhất, đặc biệt là phần phát âm, vì lúc đó lưỡi trẻ con còn mềm, lại thích bắt chước nên dễ tiếp thu và uốn nắn. Ngược lại, càng lớn càng khó luyện hơn, đặc biệt là phát âm đã sai rồi mà luyện lại là vô cùng mỏi mệt. Đành rằng người nước ngoài thì không thể phát âm chuẩn như người bản địa nhưng học ngoại ngữ là phải phát âm cho đúng nhất có thể, không thì nó thành từ khác, người ta nghe không hiểu.
2. Ngôn ngữ chính là văn hoá, biết thêm 1 ngoại ngữ là hiểu thêm một nền văn hoá khác, một vùng đất khác và nhiều rất người khác. Nếu được thì dạy trẻ con chào bằng 10 thứ tiếng luôn cũng được. Học cách cúi người 15/30/45 độ để học tính khiêm nhường của người Nhật. Học chào "How are you?" để hiểu tính thân thiện của người Mỹ. Học cách thơm má một hoặc hai bên để biết tính nồng nhiệt của người Pháp. Học cách khoanh tay trước ngực, cúi đầu chào người lớn để học đức tính kính trên nhường dưới của người Việt Nam. Không bao giờ phải chờ phát triển văn hoá xong mới học ngôn ngữ vì ngôn ngữ chính là văn hoá.
3. Nhiều người cho rằng trẻ cần học tốt Tiếng Việt thì mới có đủ tư duy và hiểu biết để học giỏi Tiếng Anh. Tuy nhiên, học tiếng Anh không nên chăm chăm liên hệ sang ngôn ngữ tiếng Việt vì:
a. Khối lượng từ vựng của tiếng Anh nhiều hơn, chính xác hơn, tính tuyệt đối cao hơn.
b. Tiếng Việt ít từ, đa nghĩa hơn, giàu hình ảnh hơn, tính tương đối cao hơn.
c. Tiếng Việt có rất nhiều từ là Hán Việt, gốc từ tiếng Trung còn gốc của tiếng Anh bắt nguồn nhiều từ tiếng Latin, Hy Lạp...
Từ đó cho thấy để học tiếng Anh tốt thì nên học theo nguồn gốc chuẩn của ngôn ngữ để nhớ từ, chứ không nên chuyển tư duy từ gốc của phương Tây sang gốc của phương Đông theo kiểu râu ông Tây cắm cằm bà Đông. Vì vậy Tiếng Việt chỉ là yếu tố giúp ích trong quá trình học chứ không quyết định việc có học giỏi Tiếng Anh hay không.
4. Tiếng Việt là một ngôn ngữ KHÓ kể cả với người lớn bởi số lượng tiếng Hán Việt chiếm khoảng 60 -70% số lượng từ tiếng Việt.
Mình rất yêu tiếng Việt, đặc biệt là sự đa nghĩa và giàu âm điệu của chúng. Một từ mình rất thích gần đây là từ "bánh bèo" nhưng không biết làm sao để dịch. Mình quyết định tìm cách dạy người bạn ngoài quốc của mình về từ này bằng cách mời bạn ấy đi ăn bánh bèo và giải thích rằng "bánh bèo" còn để mô tả những cô gái yểu điệu, điệu chảy nhớt ra như cái bánh này này . Mấy tuần sau hỏi lại thì bạn ấy lại hiểu "bánh bèo" dùng để mô tả gái mềm mềm, thơm thơm, ăn rất ngon và hỏi "ê khi nào đi ăn bánh bèo tiếp vậy?".
Tiếng Việt nhiều khi giống như tinh hoa món Huế hay Hà Nội, ngon nhưng khó làm nên bị thất truyền. Có phải muốn giỏi mà dễ đâu. Vậy nên nếu yêu cầu trẻ con phải học tốt Tiếng Việt rồi mới được chuyển sang Tiếng Anh là quá khó khăn và muộn màng!
5. Tiếng Anh là ngôn ngữ của giao tiếp và khoa học, của sự rành mạch và logic. Trẻ con được hưởng lợi rất nhiều nếu tư duy có sự ảnh hưởng của loại ngôn ngữ này. Tiếng Việt, tính "nôm na, đa nghĩa" lại hơi quá cao khiến sách chuyên ngành dịch không chính xác, khả năng phát triển tìm tòi kiến thức khoa học qua ngôn ngữ bị hạn chế.
Ví dụ, NERV có gốc từ "neuron" (Greek) các từ quanh gốc này liên quan đến "thần kinh". Trong tiếng Việt chữ " thần kinh" có một nghĩa rất thông dụng là "điên" với dụng ý mạt sát : bị thần kinh à ? ". Trong tiếng Anh "điên" có rất nhiều chữ khác chính xác hơn, VD : "crazy" là kiểu tưng tưng vui vui còn "mental disorder" là rối loạn . Trong khoa học có rất nhiều người có vấn đề về thần kinh nhưng chưa chắc người ta đã "bị điên", stress chẳng hạn. Nên khi cho trẻ con học chữ " thần kinh" tốt nhất cho học tiếng Anh trước rồi hãy phân tích nghĩa "thần kinh" trong tiếng Việt sau. Không cứ đi mặc định bị thần kinh là bị điên thì về sau chữa kiến thức khoa học thường thức khó lắm.
6. Học một ngôn ngữ thứ 2 ngoài tiếng mẹ đẻ đòi hỏi nhiều sự nỗ lực, mình đánh giá cao các ông bố bà mẹ Việt Nam đầu tư cho con cái thêm một ngôn ngữ trước cánh cửa hội nhập.
Có ý kiến cho rằng rằng khối người không giỏi tiếng Anh nhưng vẫn rất thành công, ví dụ điển hình là ông Phạm Nhật Vượng - CEO của tập đoàn Vingroup. Thực tế, ông Vượng không biết tiếng Anh nhưng lại biết tiếng Nga và đã từng dành rất nhiều thời gian chinh chiến ở nước ngoài trước khi trở về nước đạt được thành công như ngày hôm nay. Con bạn không thể quay về thời kỳ của ông Vượng để học bài học của ông ấy. Tư duy kiểu gì là tự nó chọn nhưng ít nhất học thêm được một ngôn ngữ mới là đã mở ra được một kho tàng kiến thức mới rồi, chẳng tội gì mà không học.