Chuyên mục  


Sau mỗi trải nghiệm là một bài học. Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro khi học tập và sinh hoạt tại một quốc gia hoàn toàn khác, việc chủ động tìm hiểu văn hóa, trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết sẽ giúp các bạn trẻ tránh cú sốc không đáng có.

Đây cũng là bài học từ trải nghiệm thực tiễn của Helena Nguyễn - kiểm toán FSO tại Ernst & Young Vietnam, cựu sinh viên Đại học Queensland và Jenna Nguyễn - trợ lý văn phòng Phó hiệu trưởng, Đại học Western Sydney, cựu sinh viên Viện ISB, chia sẻ trong tập ba tọa đàm "Shine with Australia - Tỏa sáng cùng Australia".

Helena Nguyễn dùng từ "sốc" khi được hỏi về quãng thời gian mới đến Australia. Cuộc sống, văn hóa tại đây rất khác so với những gì cô tưởng tượng. Không có người thân, bạn bè, trong hai ngày đầu tiên, nữ sinh sinh năm 1999 chỉ nằm khóc vì nhớ nhà. Song tình trạng này sẽ dần thay đổi sau một vài tháng.

"Khi mình ở trong môi trường mới, kết bạn mới, đi nhiều hơn, có những trải nghiệm mới, lúc đấy mình sẽ quen dần. Đừng lo lắng quá", Helena khuyên các bạn trẻ.

Helena Nguyễn (ngoài cùng bên trái) cùng nhóm nhảy của mình tại Australia. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mỗi người sẽ có cách và thời gian thích nghi khác nhau. Tuy nhiên, cô cũng như phần lớn du học sinh thành công khác lựa chọn cách chủ động kết nối bạn bè, tham gia các câu lạc bộ trong và ngoài trường. Với suy nghĩ sẽ bị bỏ lỡ những điều hay ho bên ngoài, Helena quyết định bước ra khỏi vùng an toàn và bắt đầu bằng việc tham gia câu lạc bộ Street Group. Tại đây, cô quen biết thêm ba người bạn nước ngoài. Đến từ những quốc gia, nền văn hóa khác nhau, nhóm bạn đồng cảm, thấu hiểu và đồng hành với nhau trên con đường du học.

"Các bạn đừng ngần ngại kết bạn mới, tham gia các sự kiện tạo dựng mạng lưới quan hệ hay câu lạc bộ tùy theo sở thích vì đấy là nơi các bạn sẽ tìm được những người bạn rất tốt", cô nói thêm.

Có sự chuẩn bị tốt hơn Helena, Jenna Nguyễn (sinh năm 1995) áp dụng giải pháp này ngay từ những ngày đầu tới Australia. Cô hội nhập khá tốt, có nhiều bạn bản xứ và quốc tế từ sớm. Tuy nhiên, tâm lý buộc bản thân phải hòa nhập, làm theo những điều người khác làm cũng là một trong những "bẫy vô hình" cho nhiều du học sinh.

Jenna từng không biết cách từ chối lời mời từ bạn bè do ngại bị phán xét, xa lánh hay bản thân bỏ lỡ điều thú vị bên ngoài. Điều này dẫn tới tình huống khá "hoảng" đối với cô gái trẻ, chân ướt chân ráo tới Australia.

Nữ sinh theo nhóm bạn "nhậu" ngoài công viên mà không biết quy định cấm kỵ sử dụng đồ uống có cồn tại nơi công cộng của nước sở tại. Khi không biết điều này, du học sinh có thể dính "bẫy" và bị phạt,ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình học tập. Khi được một số bạn nhắc nhở cô khá ngỡ ngàng và cũng nhanh chóng dừng cuộc vui.

Jenna Nguyễn (thứ hai từ trái sang) cùng bạn bè tại Đại học Western Sydney. Ảnh Nhân vật cung cấp

Bên cạnh đó, việc cố gắng hòa nhập một cách gượng ép, không xuất phát từ mong muốn của bản thân cũng khiến Jenna mất cân bằng giữa cuộc sống và học tập, công việc. Từ những trải nghiệm ban đầu này, cô rút ra bài học phải tìm hiểu quy định, luật pháp cũng như phải biết cách từ chối, đưa quyết định dựa trên mong muốn nội tại.

"Lời khuyên của mình cho các bạn học sinh, sinh viên là khi qua Australia là nên tìm hiểu, nắm chắc các quy định để có thể tự bảo vệ bản thân của mình khi ở một đất nước xa lạ", nữ diễn giả nhấn mạnh.

"Cú sốc" thứ hai sinh viên quốc tế nói chung, du học sinh Australia nói riêng cần lưu tâm là ngôn ngữ. Ví dụ, người Australia dùng khá nhiều từ nói tắt hoặc từ lóng (slangs) như McDonald's là Macca's, từ "afternoon" thành "arvo", "barbeque" đọc là "barbie"...

Từng học tiếng Anh từ nhỏ, xuất thân từ lớp chuyên Anh tại TP HCM, Jenna rất tự tin kỹ năng nghe, nói ngoại ngữ của mình. Tuy nhiên, cô khá sốc khi nghe giọng (accent) và hệ thống từ lóng xa lạ tại Australia.

"Ban đầu mình còn rất sợ phải nghe điện thoại vì nói chuyện qua đó còn khó nghe hơn cả ở ngoài", cựu du học sinh bộc bạch.

Jenna Nguyễn chia sẻ, đây là một trong những cú sốc văn hóa điển hình đối với du học sinh. Dù trình độ tiếng Anh tại Việt Nam rất tốt, nhiều bạn vẫn khó thích nghi, dẫn tới dần khép kín, mặc cảm vì khả năng ngoại ngữ của mình và chỉ chơi với nhóm sinh viên cùng nước.

Lê Nguyễn Trà My - Phó Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam - người dẫn dắt tọa đàm "Shine with Australia - Tỏa sáng cùng Australia" tập ba. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lê Nguyễn Trà My - Phó Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam gặp tình trạng tương tự. Cô đã khá thành thạo tiếng Anh nhưng khi tới Australia, cô cũng bị "vấp" trước loạt từ lóng của nước này. Việc sử dụng "slangs" hay những từ rút gọn là một điểm rất mới mà chỉ khi tham gia các nhóm cộng đồng sinh viên, giao tiếp nhiều hơn, nữ sinh sinh năm 2001 mới biết.

Cách Jenna áp dụng để tránh bị tách biệt với cộng đồng và vượt qua cú sốc ngôn ngữ là chủ động tham gia các sự kiện. Cựu du học sinh sinh năm 1995 tham gia Western Fair - sự kiện tổ chức vào mỗi học kỳ của trường. Tại đây, cô biết đến chương trình English Conversation Group ECG (Nhóm Đối thoại tiếng Anh). Khi tham gia, mỗi người sẽ được xếp vào một nhóm bao gồm sinh viên bản xứ và quốc tế để giao tiếp thân mật với nhau khoảng một tiếng mỗi tuần, áp dụng trong vòng 5 tuần đầu của học kỳ.

Ngoài ra, Jenna còn tham gia Mates - chương trình cố vấn cho sinh viên khi mới bắt đầu học tại trường. Cô được một sinh viên bản xứ giúp đỡ và chỉ dẫn cách sử dụng những dịch vụ trong trường, mượn sách ở thư viện hay đăng ký môn học. Qua đó, cô có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh, hiểu rõ hơn về văn hóa bản xứ và quốc tế, đồng thời, tạo dựng mối quan hệ bạn bè thân thiết, mạng lưới xã hội toàn cầu.

Như vậy, để "phòng bị" học sinh Việt Nam hoàn toàn có thể chuẩn bị trước bằng cách tìm cụm "Australia slangs" trước khi tới xứ sở chuột túi hoặc tham gia câu lạc bộ. Theo Jenna, nhiều sinh viên hay bỏ qua những dịch vụ hỗ trợ của trường. Trong khi, đó lại là những công cụ giúp các bạn hòa nhập tốt với môi trường đại học.

"Mình đã tận dụng gần như tối đa những dịch vụ này để có trải nghiệm du học tốt nhất. Những điều học được ở ECG, Mates hay các hội sinh viên đã giúp mình hiểu hơn về văn hóa và là hành trang tốt để xin việc, gia nhập thị trường lao động tại đây", nữ diễn giả nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, về vấn đề giao tiếp, du học sinh nên chú ý dùng các từ như "Please" (làm ơn) hoặc "Would you mind" (bạn có phiền). Bởi lẽ, người Australia rất coi trọng tính lịch sự và coi trọng người khác. Theo các diễn giả, người Australia rất tốt bụng và nhiệt tình. Do đó, chỉ cần không đánh mất thiện cảm vì những điều không đáng có như vậy, sinh viên quốc tế có thể thoải mái kết bạn với người bản xứ và trải nghiệm cuộc sống du học thuận lợi, vui vẻ hơn.

Thực tế, mỗi người có thể có một trải nghiệm rất khác nhau. Có du học sinh "sốc" khi bị gặp tình huống "phớt tỉnh Ăng-lê", tức bị người bản xứ quen phớt lờ. Tuy nhiên, đây chỉ là những trải nghiệm nhỏ và các bạn trẻ có rất nhiều cơ hội khác để làm quen với nhiều người hơn.

Nhật Lệ

"Shine with Australia - Tỏa sáng cùng Australia" là chuỗi tọa đàm trang bị hành trang du học cho du học sinh trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình với nền giáo dục đại học chất lượng quốc tế của Australia. Chương trình do Viện ISB - Đại học Kinh tế TP HCM (UEH), Cơ quan Thương mại và Đầu tư chính phủ Australia (Austrade) và báo điện tử VnExpress tổ chức, tiếp nối mùa 7 - "Shine with Australia" của Austrade trên IFO Show, VTV7. Sự kiện quy tụ hơn 20 diễn giả là các chuyên gia giáo dục hàng đầu, đại diện bang và vùng lãnh thổ của Australia cũng như nhiều du học sinh Việt du học thành công. Chuỗi tọa đàm cũng giới thiệu Global Pathways, mô hình du học chuyển tiếp và nhận bằng từ các đại học Top 1% thế giới của Australia như Đại học Macquarie, Monash, Western Sydney, Wollongong, Griffith, South Australia,... cùng nhiều học bổng giá trị. Độc giả đăng ký tham gia tại đây.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020