Chuyên mục  


Trần Thiện Minh, 28 tuổi, giáo viên dạy IELTS tại một trung tâm tiếng Anh ở TP HCM, đạt 9.0 IELTS, trong bài thi tuần trước. Trong đó, điểm Đọc và Nghe cùng được 9, Nói và Viết đều 8.5. Đây là lần thứ ba anh thi IELTS, lần thứ hai đạt điểm tuyệt đối.

Anh Minh cho biết mục đích thi để kiểm tra khả năng của bản thân, cập nhật xu hướng ra đề. Anh đánh giá đề thi vừa sức và làm bài tốt. Tuy nhiên, lúc đầu anh chỉ được 8.5, trong đó kỹ năng Viết được 8.

"Tôi biết khả năng của mình đến đâu và tin bài Viết có thể được cao hơn nên quyết định phúc khảo", anh nói. Điểm kỹ năng này sau đó được tăng 0.5, giúp anh Minh được nâng lên mức tối đa.

"Tôi nhẹ nhõm. Điểm số cho thấy khả năng không bị mai một theo thời gian, đồng thời giúp tôi tự tin với đồng nghiệp và học sinh", anh nói.

Anh Trần Thiện Minh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bài thi Viết gồm hai phần Task 1 và Task 2. Phần một có dạng biểu đồ hình cột về chủ đề xuất khẩu trái cây, yêu cầu thí sinh phân tích số liệu. Anh Minh cho hay với dạng bài này, nhiệm vụ chính của người viết là phải so sánh, thay vì liệt kê thông tin, thiếu chiều sâu. Anh gom nhóm những thông tin tương đồng, sau đó xem xét và tìm ra điểm riêng biệt.

Task 2 hỏi ý kiến thí sinh về quan điểm: làm việc nhóm luôn dạy ta bài học tốt hơn làm việc cá nhân. Anh Minh không đồng ý vì cho rằng mỗi hình thức làm việc đều có lợi ích riêng.

Ví dụ làm việc nhóm giúp ta tạo cơ hội giao tiếp với người khác, học hỏi cách diễn giải và trình bày luận điểm của mình. Ngoài ra, hình thức này cũng giúp mỗi người có thể tiếp cận một vấn đề ở các góc nhìn khác, từ đó đưa ra giải pháp có tính toàn diện hơn.

Tuy nhiên, làm việc cá nhân cũng có những lợi ích như có thể tự đặt ra mục tiêu rõ ràng cho bản thân. Vì hiểu rõ điểm mạnh và yếu của mình nên mỗi người sẽ biết cần phải làm gì, lên kế hoạch ra sao nhằm đạt mục tiêu đó. Đây là kỹ năng khó đạt được khi làm việc nhóm.

"Tôi hơi tiếc vì bài khẳng định nhiều và ví dụ thực tế hơi yếu. Nếu có cơ hội viết lại, tôi sẽ đưa ví dụ cụ thể hơn", anh Minh chia sẻ.

Ở kỹ năng Nói, chủ đề xoay quanh việc đọc và máy móc. Trong đó, một câu hỏi khiến anh Minh hào hứng: "Máy móc có thể ảnh hưởng đến những công việc lao động tay chân ra sao?". Anh Minh giải thích việc này giúp giảm nhân công vì lượng công việc máy móc làm được nhiều hơn con người.

Ví dụ với những ngành đòi hỏi nhiều năng lượng như thợ hồ. Trước đây, muốn chuyển một bao xi măng lên lầu, họ phải di chuyển lên-xuống để vác lên nhưng giờ chỉ cần một chiếc ròng rọc. Trong ngắn hạn, máy móc làm công việc dễ dàng hơn. Song dài hạn, nó có thể gây ra tình trạng thất nghiệp.

Theo anh, đây là hai kỹ năng khó nhất, vì đòi hỏi phải nghĩ ý tưởng và tìm cách thể hiện.

Với bài Đọc, anh gặp phải có một số chủ đề như AI (trí tuệ nhân tạo) và sự phát triển cảm xúc ở trẻ em. Thay vì lướt để tìm từ khóa, anh đọc để nắm được thông điệp của đoạn văn. Nội dung bài đọc nói về lịch sử, tương lai, các loại AI hiện tại và khả năng của người trẻ trong việc nhận định cảm xúc, góc nhìn của người khác...

Theo anh Minh, với dạng này, nhiều thí sinh không xác định được ý chính và không hiểu ý nghĩa của đoạn văn. Lý do là việc lạm dụng từ khóa. Thói quen đọc lướt khiến thí sinh chỉ đọng lại trong đầu những từ nhìn quen mắt. Ngoài ra, đôi khi đáp án đúng sẽ không chứa từ khóa mà người đọc nhìn thấy, nên nếu không nắm được bản chất thì dễ bị sai.

Ở phần thi Nghe thường có "bẫy", người nói nhắc tới từ khóa song sau đó phủ nhận thông tin. Người nghe bắt được từ này, nghĩ rằng đó là câu trả lời và chọn. Khi nghe được từ khóa, anh Minh không chọn luôn mà nghe hết cuộc hội thoại, cố gắng nắm bắt hết ý để hiểu mục đích của người nói.

Để làm tốt các phần, anh Minh nói áp dụng tư duy "specify" (cụ thể hóa vấn đề) trong phương pháp Linearthinking. Phương pháp này đi vào bản chất của nội dung thông tin, thay vì học mẹo hoặc dựa vào từ khóa. Ví dụ với kỹ năng Viết, khi đưa ra thông tin càng cụ thể thì luận điểm càng sắc bén và thuyết phục người nghe.

Anh Minh từng du học Mỹ, gắn bó với công việc dạy tiếng Anh khoảng 8 năm qua. Để có môi trường sử dụng ngôn ngữ này, mỗi sáng anh giữ thói quen đọc báo The New York Times, The Economic Times và báo chuyên về ngoại giao để có kiến thức nền, thông thạo cách hành văn. Anh cũng xem các video trên YouTube và nghe podcast.

"Xem và nghe gì cũng được miễn là mình tiếp xúc với ngôn ngữ, coi đó là thói quen hàng ngày. Tôi thích công nghệ nên hay theo dõi các video nhận xét về mảng này", anh nói.

Với bài thi IELTS, anh Minh cho rằng cần tăng cường khả năng ngôn ngữ để đạt điểm số bằng năng lực thực sự, thay vì dùng mẹo. Lý do là dùng mẹo có thể giúp thí sinh đạt điểm mong muốn, nhưng họ vẫn khó sử dụng tiếng Anh khi du học, giao tiếp.

Bình Minh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020