Quy cách sơ chế, đóng gói rau củ quả của một công ty trước khi giao cho Trường mầm non 14 - Ảnh: M.G.
Như Tuổi Trẻ thông tin qua bài viết Trường mua thực phẩm với giá 'trên trời', cho học sinh ăn nhiều đường và muối, kết quả giám sát của phụ huynh tại Trường mầm non 14 (quận Tân Bình, TP.HCM) cho thấy tất cả các loại thực phẩm nhà trường mua đều cao hơn giá siêu thị 3-4 lần.
Điều đáng nói là lượng đường và muối mà Trường mầm non 14 cho học sinh ăn hằng ngày cao hơn rất nhiều so với hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM.
Bài viết đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của bạn đọc liên quan giá và an toàn thực phẩm, chất lượng bữa ăn bán trú.
"Áp lực cho hiệu trưởng quá"
Một bạn đọc bày tỏ "thấy thương cô hiệu trưởng" khi thấy nghề giáo bây giờ vừa phải chăm lo sự nghiệp giáo dục, vừa phải là nhà kinh tế giỏi.
"Tôi là người nội trợ nên nhìn bảng giá so sánh thấy không đúng cho lắm. Ví dụ đường Biên Hòa, tôi hay mua trong siêu thị là trên dưới 40.000 đồng. Nếu có khuyến mãi thì tầm 35.000 đồng, còn giá 30.000 đồng thì tôi chưa mua được trong siêu thị.
Dầu ăn cũng vậy, giá 58.000 đồng là giá siêu thị đang khuyến mãi.
Chúng ta nên có cái nhìn công tâm hơn để thầy cô còn tâm trí và thời gian lo cho sự nghiệp giáo dục. So với những gì thầy cô lo cho con mình thì bao nhiêu đó không là gì đâu" - bạn đọc này viết.
Bạn đọc Huy cho biết thực đơn trường rất phong phú. Lượng đường 8kg là vừa nấu ăn bữa trưa, bữa xế, vừa chế biến nước hoa quả để tăng cường sức đề kháng cho các con.
Còn các thực phẩm khác là những đồ làm sạch, cá đã lóc xương, lươn... cũng vậy.
Thực phẩm được giao từ 5h sáng để chuẩn bị nấu, trả tiền cuối tháng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các con.
Công ty chịu trách nhiệm khi nhà trường xảy ra sự số. Không thể mua ở từng chỗ hay từng siêu thị vì khi xảy ra ngộ độc thì công ty nào sẽ chịu trách nhiệm.
Bạn đọc này kết luận "áp lực cho hiệu trưởng quá"!
Độc giả tên Khoa còn cho biết cá lóc và cá điêu hồng theo giá ở trường là cá đã phi lê, không phải nguyên con. Ra chợ mua cá nguyên con 60.000 đồng/kg, một con tầm 1,8kg, làm sạch, phi lê xong còn 800g.
Và nhiều bạn đọc đã tranh luận lại.
Theo bạn đọc Dung Ngoc, giá của dầu ăn trong siêu thị đều quanh quẩn mức 30.000 - 40.000 đồng/lít. Còn đường trắng không hề có giá cao 40.000 đồng/kg.
Bạn đọc tên Đạt cho rằng giá thực phẩm sẽ có sự biến động nhưng giá mua lẻ luôn cao hơn nếu mua sỉ, hay mua theo hợp đồng cung cấp dài hạn kiểu trường học, công ty... Hầu như những đơn hàng có sự duy trì theo hợp đồng năm, tháng đều có giá tốt hơn rất nhiều so với giá mua lẻ.
Bạn đọc tên Dung đặt câu hỏi: thanh long đâu cần phải sơ chế trước mà giá gấp 4 lần so với siêu thị?
Còn theo bạn đọc tên Cường, "giá thịt cá cao coi như để đảm bảo an toàn thực phẩm. Chứ đường, muối, dầu ăn, nước mắm... ra siêu thị mua cũng được, cớ sao phải công ty cung cấp giá cao?".
"Giá siêu thị đã cao, giá trường này mua còn cao gấp mấy lần".
Sao không đấu giá chọn công ty cung cấp thực phẩm?
Liên quan đến chất lượng bữa ăn bán trú, bạn đọc Cauvongxanh lo lắng "dinh dưỡng cho trẻ đâu chưa thấy nhưng lượng đường chế biến hằng ngày cứ như nấu chè.
Còn lượng muối và nước mắm thì không khác gì ướp cá làm khô hay làm mắm không bằng. Tuổi các con mầm non mà sao sử dụng lượng đường, muối hằng ngày quá nhiều như vậy".
"Muốn thế hệ trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để sau này cải thiện chiều cao như các nước trong vùng nhưng bữa ăn kiểu này làm sao đáp ứng được?" - tài khoản truo****@gmail.com có ý kiến.
Để các em có bữa ăn chất lượng, an toàn, bạn đọc Hạnh Nguyên cho rằng nếu tất cả các trường tổ chức đấu giá việc cung cấp thức ăn cho trẻ thì không có việc gì xảy ra.
Bạn đọc Xuân Lâm đề xuất mỗi phòng giáo dục cần có chương trình đấu giá chọn lựa công ty cung cấp thực phẩm cho tất cả các trường học trong quận, từ cấp mầm non, tiểu học, THCS...
Như vậy là công bằng nhất, để tránh mỗi trường một giá, một chất lượng trong khi tất cả học sinh đóng tiền ăn như nhau.
Bạn đọc Trịnh Ngọc Kim đề xuất nên cử ba người trong số phụ huynh có con ăn tại trường thay nhau phục vụ bữa ăn bán trú cho các con. Ký hợp đồng trực tiếp với hệ thống siêu thị cung cấp các loại thực phẩm.