Học sinh tham gia ngày hội Em là công dân số của quận 8, TP.HCM - Ảnh: MỸ DUNG
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về sơ kết kết quả xây dựng mạng lưới thành phố học tập toàn cầu, ông Lê Hoài Nam, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết TP.HCM đã làm nhiều việc khi tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu.
Trong sáu tháng đầu năm 2024, công tác này được đẩy mạnh. Sở GD-ĐT TP.HCM ban hành tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng thành phố học tập của các đơn vị trực thuộc.
Sở đã chỉ đạo tăng cường các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các nội dung và mục tiêu theo kế hoạch, trong đó lồng ghép các tiêu chí của thành phố học tập UNESCO với bộ tiêu chí xây dựng "Trường học hạnh phúc", tiêu chí đánh giá "Công dân học tập", "Đơn vị học tập", công tác khuyến học khuyến tài, công tác xây dựng hoạt động thư viện và tổ chức Ngày Sách Việt Nam...
* Thưa ông, ông có thể chia sẻ những khó khăn của TP.HCM trong xây dựng, thực hiện kế hoạch khi tham gia mạng lưới học tập toàn cầu?
- Việc thực hiện các nội dung, tiêu chí, duy trì chỉ số của thành phố học tập toàn cầu UNESCO, các sở ngành thực hiện rất tốt. Riêng Sở GD-ĐT có 3 nội dung, 11 tiêu chuẩn, 24 tiêu chí và 25 chỉ số để thực hiện.
Trong sáu tháng qua, ngành GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt các chỉ số, duy trì các chỉ số trong các tiêu chí đã đề ra. Các đơn vị giáo dục đã thực hiện rất tốt nội dung này.
Nhưng bên cạnh đó việc thực hiện vẫn còn những khó khăn. TP.HCM với quy mô quận, huyện rất lớn nên việc triển khai cũng yêu cầu tính đồng bộ cao; những tiêu chuẩn về đội ngũ, cơ sở vật chất giảng dạy, triển khai các chủ trương phải đồng bộ nhưng mỗi quận huyện có đặc điểm khác nhau tùy từng địa phương. Đây là một khó khăn lớn cần sự đồng thuận và thống nhất cao để chúng ta thực hiện trong thời gian tới.
* Việc TP.HCM gia nhập vào mạng lưới thành phố học tập toàn cầu mang lại những lợi ích nào cho người dân, thưa ông?
- Tôi cho rằng lợi ích mang lại cho người dân là thiết thực, hữu ích. Mỗi công dân sẽ có thêm cơ hội phát triển, định vị bản thân cũng như thêm nhiều kỹ năng của thời đại toàn cầu.
Để đăng ký và được UNESCO xét duyệt vào mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của tổ chức này, TP.HCM đã miệt mài thực hiện những công việc như đưa việc học tập đến với mỗi cá nhân và mỗi gia đình thông qua công dân học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập, gia đình học tập...
TP.HCM tiếp tục giữ vững và phát triển hơn nữa các hoạt động đó. Cộng thêm TP.HCM đang xây dựng nhiều trung tâm học tập cộng đồng điểm, quản lý công nghệ thông tin, kêu gọi nhiều người tham gia vào xã hội học tập hướng đến mỗi người dân là một công dân số...
Nội dung tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số đặt ra yêu cầu rất lớn đối với GD-ĐT nói riêng và thành phố nói chung. Để thực hiện những chỉ số này, TP.HCM phải triển khai đồng bộ các giải pháp và từ đó chất lượng GD-ĐT cũng được nâng lên.
Khi đó, người dân được tiếp cận với giáo dục thông qua trung tâm học tập cộng đồng và xây dựng xã hội học tập. Người dân được tiếp cận, tham gia, đóng góp thì chất lượng giáo dục thành phố được nâng lên.
Nằm trong việc thực hiện các bộ tiêu chí về thành phố học tập toàn cầu, TP.HCM đang thực hiện chuyển đổi số đến mọi phường, xã và người dân. Việc chuyển đổi số để tạo điều kiện người dân dễ dàng tiếp cận các chương trình học, các tài liệu học tập, có thể học mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm.
Chuyển đổi số đem kiến thức đến mọi nhà, mọi người, tạo điều kiện cho người dân tham gia học tập.
* Kế hoạch của TP.HCM trong năm nay và năm sau về xây dựng thành phố học tập toàn cầu ra sao?
- Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về học tập suốt đời, xây dựng thành phố học tập trong nền kinh tế số, xã hội số.
Đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả công tác xây dựng thành phố học tập toàn cầu với các đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030", Phong trào thi đua "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030" và Chương trình "Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030".
Đặc biệt, chúng tôi tiếp tục rà soát, tham mưu đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị trong công tác xây dựng thành phố học tập; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng thành phố học tập; triển khai xây dựng hệ thống, phần mềm quản lý và báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ số trong bộ tiêu chí thành phố học tập của UNESCO.
Cần cụ thể mô hình trung tâm học tập cộng đồng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Vĩnh Thanh, trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp (TP.HCM), cho biết việc TP.HCM tham gia vào mạng lưới thành phố học tập toàn cầu mang đến nhiều lợi ích cho người dân. Nhưng khi thực hiện còn hạn chế nhất là ở việc thành lập trung tâm học tập cộng đồng.
Theo ông Thanh, TP.HCM cần có một hội nghị để tìm ra mô hình xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng phù hợp cho thành phố trong bối cảnh "đất chật người đông" và các phường xã không dễ có đất công để xây dựng trung tâm học tập cộng đồng cấp phường xã.
"Bên cạnh cơ sở vật chất là vấn đề kinh phí và con người cho các trung tâm học tập cộng đồng này. Vì thế cần có mô hình cụ thể để các đơn vị thực hiện tốt hơn, nhanh hơn", ông Thanh nêu ý kiến.