Chuyên mục  


Ông Nguyễn Kim Sơn nói điều này tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục Hà Nội, sáng 12/11.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho biết quy mô giáo dục của thủ đô lớn nhất cả nước với gần 2,3 triệu học sinh, 130.000 giáo viên, gần 3.000 trường học. Về chất lượng, từ năm 2008 (sau khi sáp nhập với Hà Tây) đến nay, học sinh Hà Nội đạt gần 2.200 giải quốc gia, 200 huy chương quốc tế, cũng dẫn đầu toàn quốc.

Bên cạnh đó, thủ đô cũng đối mặt với những thách thức như đông học sinh, lượng học sinh phân bổ không đều và nhiều biến động, dẫn đến khó phân tuyến, thiếu trường cục bộ.

"Giáo dục thủ đô đứng trước đòi hỏi, yêu cầu cao, ở tính mẫu mực, tiên phong, ở chất lượng hàng đầu", Bộ trưởng nói. "Hà Nội cần hướng tới mục tiêu cao hơn yêu cầu chung cả nước, là nền giáo dục thanh lịch".

Theo ông Sơn, trường học thanh lịch là nơi người học được đảm bảo an toàn, không có bạo lực học đường, không nói tục chửi bậy, không có ép buộc học thêm. Ở đó, tệ nạn bị tránh xa và quan trọng nhất là con người ứng xử với nhau bằng tình yêu thương và trách nhiệm.

Muốn có hệ thống giáo dục thanh lịch, Hà Nội cần triển khai tốt văn hóa giáo dục và giáo dục văn hóa. Theo ông Sơn, sự thanh lịch trong giáo dục hoàn toàn có thể xây dựng trên nền thành quả tốt đẹp hiện nay. Ngoài ra, Hà Nội cần tập trung giảm chênh lệch về chất lượng giữa các khu vực, giữa các trường; giảm khoảng cách giữa giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà để học sinh ở đâu cũng được tiếp cận môi trường và chất lượng giáo dục tốt nhất.

Ông Sơn cũng gợi ý ngành giáo dục giải quyết tốt hơn các mối quan hệ nhà trường và xã hội, nhà trường và địa phương, thầy cô và phụ huynh, ... để tạo lập một môi trường giáo dục có lề lối ngay ngắn. Ở đó, chất lượng giáo dục được đảm bảo, sự tôn nghiêm của nghề giáo được xem trọng.

"Chỉ có bằng một nền giáo dục thanh lịch hướng tới chuẩn quốc tế, chúng ta mới có thể tạo dựng được những con người Thủ đô văn minh, thanh lịch trong thời đại mới", ông nói.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại Lễ kỷ niệm 70 thành lập ngành Giáo dục Hà Nội, sáng 12/11. Ảnh: Thanh Hằng

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết cách đây 70 năm, vào tháng 10/1954, khoảng 90% người dân thủ đô chưa biết chữ. Cả Hà Nội lúc đó chỉ có 96 trường tiểu học, 4 trường trung học, đáp ứng 20% số trẻ đến trường.

Trải qua hàng chục năm chiến tranh, khi hòa bình lặp lại, Hà Nội là địa phương đầu tiên cả nước hoàn thành phổ cập tiểu học vào năm 1990, trung học cơ sở năm 1999.

"Niềm tự hào lớn nhất là ngành giáo dục thủ đô hoàn thành trọng trách phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao của nền kinh tế tri thức", ông Cương nói.

Ông cho hay thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục đổi mới, nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp, khuyến khích các trường liên kết và hợp tác quốc tế, nhân rộng mô hình trường chất lượng cao...

Bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Thành ủy Hà Nội, thay mặt Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng nhất cho ngành giáo dục Hà Nội, sáng 12/11. Ảnh: Thanh Hằng

Thanh Hằng

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020