Chuyên mục  


Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu tháng 4 công bố kết luận thanh tra 6 trường đại học, gồm Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Công nghiệp Hà Nội, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Hoa Sen (TP HCM), Quốc tế Hồng Bàng (TP HCM) và Thủ Dầu Một (Bình Dương). Trong đó, Thanh tra Bộ chỉ ra ba trường phải dừng tuyển sinh cả chục ngành.

Đại học Hoa Sen không tổ chức tuyển sinh hoặc không tuyển được 6 ngành từ năm học 2021-2022, gồm Quản lý tài nguyên môi trường, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Công nghệ thực phẩm, Quản trị văn phòng, Hoa Kỳ học, Bảo hiểm. Sau đó, trường còn ngừng tuyển 4 ngành nữa gồm Nhật Bản học, Luật Quốc tế, Bất động sản, Hệ thống thông tin quản lý, Phim.

Còn Đại học Quốc tế Hồng Bàng phải ngừng tuyển 7 ngành từ năm học trước, gồm Giáo dục thể chất, Thiết kế thời trang, Quản lý công nghiệp, Kỹ thuật xây dựng, Trung Quốc học, Hàn Quốc học, Nhật Bản học.

Đại học Thủ Dầu Một dừng tuyển 11 ngành từ năm 2022 gồm Lịch sử, Văn học, Văn hóa học, Toán kinh tế, Chính trị học, Địa lý học, Quốc tế học, Sinh học ứng dụng, Vật lý học, Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Quản lý đô thị. Năm ngoái, danh sách này thêm hai ngành là Quản lý văn hóa và Quản lý công.

Dù mới dừng tuyển sinh 1-2 năm, nhưng nhiều ngành ở trên đã không có sinh viên nào từ 4 năm trước.

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo không công bố lý do quyết định đóng ngành. Cơ quan này chỉ nhận định một số ngành khi mở đã không được khảo sát đầy đủ về nhu cầu xã hội. Do đó, trường không tuyển sinh được hoặc tuyển được rất ít, ngay cả khi mới mở.

Một ví dụ là ngành Quản lý công của trường Đại học Thủ Dầu Một. Trong hồ sơ mở ngành, trường cho biết đã khảo sát, nhận thấy 47 đơn vị ở Bình Dương cần tuyển 250 nhân sự mà ở tỉnh chưa có trường đào tạo ngành này. Trường cũng nhận định nhu cầu nhân lực ngành Quản lý công ở các khu công nghiệp, đơn vị hành chính, tổ chức phi chính phủ tăng.

Tuy nhiên, trường vừa mở ngành năm 2022 thì đã phải dừng tuyển sinh ngay năm sau.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết nhiều trường chưa đảm bảo điều kiện mở ngành, chủ yếu liên quan đến giảng viên.

Đại học Hoa Sen có 12 ngành mà giảng viên chủ trì, giảng dạy nhưng không có bằng cấp phù hợp. Chẳng hạn, giảng viên chủ trì ngành Nhật Bản học là tiến sĩ Ngữ văn, chuyên ngành Ngôn ngữ học.

Ở trường Đại học Thủ Dầu Một và Quốc tế Hồng Bàng, mỗi trường có 7 ngành gặp vấn đề tương tự.

Một số trường khác cũng vi phạm về mở ngành là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM hay Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Trong đó, Học viện Nông nghiệp mở ngành Luật khi chưa có đủ ba tiến sĩ theo quy định. Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM mở 3 ngành trình độ đại học, hai ngành bậc thạc sĩ và một ngành bậc tiến sĩ khi chưa đủ điều kiện tự chủ.

Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường được tự chủ mở ngành, miễn đáp ứng các quy định của Bộ. Còn trước đó, trường muốn mở phải xây dựng chương trình, lập hồ sơ để hội đồng khoa học thông qua, Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra điều kiện thực tế, sau đó có một hội đồng chuyên môn thẩm định rồi chuyển lên Bộ chờ xem xét, phê duyệt.

Sự thay đổi này tạo điều kiện để ngày càng nhiều ngành được mở mới. Thống kê của Bộ từ năm 2019 đến tháng 8/2023, các trường mở mới gần 1.200 ngành.

Việc mở nhiều ngành mới được cho là tất yếu, theo xu thế đào tạo đa ngành, cũng như thu hút sinh viên vì học phí là nguồn thu chính, song gây lo lắng về chất lượng.

Trao đổi bên lề hội nghị tuyển sinh hồi tháng 3, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, lưu ý khi mở ngành mới, các trường phải xác định được đó có phải là những ngành phù hợp với xu hướng, nhu cầu của xã hội ở hiện tại và tương lai không; có đủ năng lực để đảm bảo chất lượng không.

Hiện nay, Bộ quản lý việc tuyển sinh, mở ngành của các trường thông qua dữ liệu, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Dương Tâm

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020