Chuyên mục  


Một năm trước, đạo diễn Lê Quý Dương đã thực hiện một ý tưởng táo bạo cho hướng đi của sân khấu, đó là diễn kịch ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với một hình thức sân khấu thu nhỏ. Mục đích ban đầu là phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, với người từng được ví là "phù thủy sân khấu", là Chủ tịch Uỷ ban Festival và Hợp tác Quốc tế của Hiệp hội sân khấu thế giới - IFCPC/ITI thì tham vọng không thể chỉ dừng ở đó.

Trong không gian không phải dành cho sân khấu (nơi đây vốn là một phòng hội trường), đạo diễn Lê Quý Dương đã mang đến những cảm nhận khác biệt. Với mặt sàn cỡ 200m2, chưa bao giờ diễn viên và khán giả lại gần nhau đến thế, nhiều lúc chỉ cách nhau độ nửa mét, sự cảm nhận nhờ thế cũng chân thực như đang chứng kiến câu chuyện cách đây hơn nửa thế kỷ. 

huyen-thoai-tuoi-thanh-xuan-4-17298430799231543449485.jpg

Sân khấu và khán giả gần như không có khoảng cách.

 Bối cảnh sân khấu tuy nhìn đơn giản nhưng là sự dụng công của ê kíp. Đất, những quả bồ kết làm đạo cụ được đạo diễn Lê Quý Dương tiết lộ lấy từ chính Ngã ba Đồng Lộc. Vỏ quả bom do nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến từng mang về từ Đồng Lộc, khi biết đạo diễn dàn dựng vở kịch đã tặng lại để vở diễn thêm sinh động và chân thực. Sự chân thực còn được cộng hưởng từ diễn xuất. Họ đa phần là sinh viên, không phải là diễn viên sân khấu. Đây là chủ ý của đạo diễn để các gương mặt mới nhập vai với sự tinh khiết nhất. Khi diễn, các diễn viên cũng không được cho thấy dấu hiệu của makeup, học nói giọng miền Trung. Đạo diễn còn kỹ tới mức tổ chức một chuyến đi cho 10 diễn viên về nơi các cô đã hi sinh, ra mộ thắp hương để cảm nhận như nhân vật nhập vào mình...

Duy có bộ quân phục của 10 nữ TNXP có vẻ mới quá, sạch sẽ quá trong khi công việc hàng ngày của các cô là san lấp hố bom, sửa chữa đường cho xe bộ đội đi qua. Có diễn viên còn để nguyên bộ tóc vàng, xem ra hơi lạc quẻ giữa dàn diễn viên vào vai nữ TNXP thời chiến.

huyen-thoai-tuoi-thanh-xuan-1-17298430798431202639806.jpg

Bối cảnh sân khấu thể hiện sự dụng công của ê kíp.

 Để có thể truyền tải những ý tưởng sáng tạo, khác biệt cho một câu chuyện đã quá quen, đạo diễn đã tìm ra một cái cớ: "Đây không phải là 10 nữ TNXP bằng da bằng thịt, đây chỉ là ảo ảnh hiện ra trước mắt các bạn…". Cũng giống như vở Mơ rồng trước đây của đạo diễn, thông qua giấc mơ của người khắc chú Tễu, một chân trời mơ ước, khát vọng, thậm chí cả siêu thực đã được thỏa sức vẫy vùng mà không ai có thể bắt bẻ được.

 Bằng sự "rào" trước này, đạo diễn đã dựng nên một câu chuyện vừa hiện thực vừa lãng mạn. Có khoảnh khắc mang tính biểu tượng anh hùng ca quen thuộc trong các vở diễn về chiến tranh như: Tiếng hát át tiếng bom, Thép đã tôi thế đấy: "Đời người chỉ sống có một lần, hãy sống sao cho khỏi sót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…"; Và những giây phút hồn nhiên, mộng mơ của các cô gái ở tuổi mới lớn, đang yêu và khao khát được yêu; Những giây phút xúc động về nỗi nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ người yêu; hay thương hơn là những người thậm chí không có gì để nhớ. Vì mồ côi cha mẹ. Vì "tuổi 20 chưa từng hò hẹn" nên chỉ một lần trò chuyện với người lính đi qua mà thành nỗi nhớ mênh mang... (Tình yêu từ tọa độ chết).

dsc01554-17298430797981358287079.jpg

Cảnh các cô "kê khai tài sản cá nhân" và bày tỏ ước vọng vừa xúc động vừa mang tính liên tưởng sâu sắc đến hôm nay.

Nhưng "Huyền thoại tuổi thanh xuân" không chỉ dừng lại ở việc gây xúc động. Đạo diễn Lê Quý Dương từng chia sẻ khi bắt đầu vở kịch: "Làm kịch lịch sử, điều khó nhất là phải có tính đương đại. Nếu làm kịch lịch sử giống như lịch sử nguyên bản hiện lên thì làm làm gì? Tuy nhiên, cũng không được xuyên tạc hay bịa đặt, bóp méo lịch sử. Khó là ở chỗ đó. Phải tìm ra được những bài học hiện đại sâu sắc và có giá trị đương thời từ câu chuyện lịch sử đó.

Điều này thể hiện khá rõ ở cảnh các cô "kê khai tài sản cá nhân" và bày tỏ ước vọng để lại nếu chẳng may không có ngày trở về. 10 cô gái đứng lên đọc kê khai cũng là lúc nước mắt khán giả trôi theo 10 câu chuyện để lại. "Tài sản" của các cô là chiếc lồng gà, chiếc lược, cuốn sổ, vạt tóc cho người yêu, hay chỉ là những mầm cây bồ kết với ước vọng để lại là mong có người tiếp tục chăm bón… Nó có lẽ khó được coi là tài sản nhưng lại vô giá về giá trị, đó là lý tưởng sống, là sự soi chiếu, thức tỉnh đến thái độ sống hôm nay.

huyen-thoai-tuoi-thanh-xuan-5-1729843079950259267593.jpg

Vở diễn khiến khán giả tự hào và xúc động về tinh thần chiến đấu quả cảm của 10 nữ TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc.

Sau một năm ra mắt (tháng 10/2023), "Huyền thoại tuổi thanh xuân" đã thu hút hơn 3.000 khán giả trong nước, quốc tế khi đến với sân khấu Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Có đêm diễn phục cựu chiến binh, cựu TNXP năm xưa, có đêm diễn dành cho các đại biểu quốc hội, học sinh, sinh viên... Vở diễn vẫn đang được công diễn vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Qua mỗi đêm diễn, "Huyền thoại tuổi thanh xuân" như một chuyến tàu đưa khán giả tìm về lịch sử đầy sống động, ý nghĩa và nhân văn.

"Huyền thoại tuổi thanh xuân" thêm lần nữa chứng minh sức sống và sức hút của những câu chuyện lịch sử, chỉ cần tìm được cách thức để khai thác và đưa đến với công chúng hôm nay.

Sau thành công từ vở diễn gây tiếng vang "Huyền thoại tuổi thanh xuân", đạo diễn Lê Quý Dương vừa tiếp tục ra mắt cuốn sách cùng tên nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10). Sách được thực hiện song ngữ Việt-Anh, do Nhà xuất bản Sân khấu ấn hành theo đặt hàng của Nhà nước. Cuốn sách dày hơn 140 trang, tập trung giới thiệu về chương trình trải nghiệm nghệ thuật đặc biệt gắn với kịch bản vở diễn "Huyền thoại tuổi thanh xuân" cùng những bài viết và chia sẻ, cảm nhận của khán giả trong, ngoài nước về vở diễn.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020