"Vậy thủ tục hiến đất làm đường để tách thửa như thế nào?", Bạn đọc DUY TẤN(quận Hải Châu, Đà Nẵng) hỏi.
Luật sư NGUYỄN CÔNG TÍN
Luật sư NGUYỄN CÔNG TÍN (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) trả lời:
- Hiện nay có nhiều trường hợp để bảo đảm điều kiện tách thửa thì phải đảm bảo có lối đi. Trường hợp này chủ đất sẽ hiến một phần diện tích đất để làm lối đi chung. Đây là trường hợp người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất.
Khi trường hợp này xảy ra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành thủ tục thu hồi đất, theo Luật Đất đai năm 2013. Thủ tục này được tiến hành như sau: Căn cứ văn bản hiến đất làm đường/văn bản trả lại đất của người sử dụng đất, cơ quan quản lý đất đai sẽ tiến hành thẩm định, thực hiện thủ tục thu hồi đất (do tự nguyện trả lại đất).
Đồng thời cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính, chỉnh lý biến động giấy chứng nhận cho người sử dụng đất. Sau đó bàn giao diện tích đất thu hồi cho tổ chức phát triển quỹ đất hoặc ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.
Dù các thủ tục nêu khá rõ ràng nhưng vẫn có những trường hợp việc hiến đất mở đường (nhằm mục đích tách thửa) không được cơ quan quản lý đất đai thực hiện chặt chẽ, đúng pháp luật nên tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến phát sinh tranh chấp về lối đi chung giữa chủ cũ và chủ mới, thậm chí là cả chính quyền địa phương.
Để tránh xảy ra kiện tụng, nhiều chính quyền địa phương thực hiện thủ tục cụ thể với các nội dung như văn bản trả lại đất, tự nguyện hiến đất làm đường, các thủ tục thu hồi đất (đối với diện tích đất chủ cũ hiến đất làm đường) theo đúng quy định của pháp luật.
Người có đơn hiến đất làm đường để tách thửa cần nhận thức rằng khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Nhà nước làm lối đi chung thì sau đó không có quyền đòi lại phần đất đường đi hoặc không cho người khác sử dụng lối đi này.
Khi đường được hình thành từ việc hiến đất, do Nhà nước quản lý thì khi thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng hay các thủ tục đất đai khác, cơ quan nhà nước đều xác định đó là đường đi mà ai cũng có quyền được tiếp cận.