Ngày 27/8, Công an quận Cầu Giấy tống đạt quyết định khởi tố bà Nguyễn Bích Quy - người đưa đón học sinh trường Gateway - về tội vô ý làm chết người. Quyết định khởi tố bị can được VKS Nhân dân quận Cầu Giấy phê chuẩn ngày 26/8.
Bà Quy được tại ngoại, bị VKSND quận Cầu Giấy cáo buộc đã "vô ý, cẩu thả, không kiểm tra hết trong xe mà đã đóng cửa bỏ đi" dẫn tới việc bé L.H.L. (lớp 1 trường Gateway) bị bỏ quên trên chiếc Ford Transit biển số 29B-069.56 suốt 9 tiếng trong ngày 6/8. Theo kết quả giám định, bé L. chết vì bị "sốc nhiệt, suy hô hấp", không có nguyên nhân bệnh lý.
VKS cho rằng trong cái chết của bé L. có trách nhiệm của tài xế Doãn Quý Phiến (53 tuổi, nhân viên hợp đồng Công ty TNHH vận tải Ngân Hà) khi không trực tiếp kiểm tra xe trước khi đóng cửa mà phó mặc cho người đưa đón là bà Quy. Cơ quan chức năng sẽ mở rộng vụ án để xem xét trách nhiệm của những người khác và nhà trường.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho biết, việc bà Quy bị khởi tố về tội "Vô ý làm chết người" theo khoản 1, Điều 128, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, là có căn cứ. Người này có thể đối mặt với mức hình phạt từ 1 đến 5 năm tù giam.
Trong trường hợp bà Quy được ký hợp đồng lao động, tội danh khởi tố có thể sẽ không phải "Vô ý làm chết người" mà thành "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc hành chính" (Điều 129, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017).
Dư luận cũng đang xôn xao, đặt nhiều câu hỏi rằng tại sao tài xế Doãn Quý Phiến chưa bị khởi tố. Căn cứ theo khoản 1, Điều 179, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, khởi tố bị can là việc quyết định bằng văn bản của Cơ quan điều tra đối với một người khi có đủ căn cứ xác định người đó đã thực hiện hành vi phạm tội.
"Qua quá trình đấu tranh, thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục khởi tố những bị can khác trong vụ án này, không có chuyện chỉ khởi tố một bị can mà bỏ lọt những tội phạm khác.
Từ khi vụ án xảy ra, trên một số trang thông tin, mạng xã hội đã có những tin đồn thổi cho rằng ông Phiến đã chết là không có căn cứ, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác điều tra của cơ quan công an", luật sư Tiền nói.
Trao đổi thêm, Luật sư Tiền cho rằng cần xét đến trách nhiệm của nhà trường. Về mặt dân sự, gia đình đã giao cháu L. cho trường Gateway, do đó nhà trường phải có trách nhiệm bồi thường về mặt dân sự đối với bố mẹ của học sinh này. Việc bồi thường như thế nào, mức độ bồi thường bao nhiêu thì trước hết pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên.
Trong trường hợp một trong hai bên không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc bồi thường.
"Còn về mặt trách nhiệm hình sự, theo thông tin báo chí cung cấp đến thời điểm hiện tại, cô giáo chủ nhiệm đã nhập thông tin cháu không có ở lớp nhưng trường không liên lạc với phụ huynh. Cùng với đó, nhà trường chưa ký hợp đồng lao động, chưa đào tạo bài bản về nghiệp vụ cho cô giáo đưa đón học sinh, dẫn đến hậu quả đáng tiếc, cho nên trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường và cô giáo chủ nhiệm là không thể tránh khỏi.
Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể khởi tố về tội 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng' theo Điều 360, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017", luật sư phân tích.
Luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng dư luận cần bình tĩnh, tin tưởng vào kết quả điều tra, truy tố xét xử. Bởi đối với những vụ việc có tính chất nghiêm trọng, nhiều uẩn khúc, được xã hội quan tâm thì cơ quan điều tra hết sức thận trọng và tôn trọng sự thật khách quan, để bản án khách quan, công tâm và đúng pháp luật.
Theo Tổ Quốc