Phát hiện thêm 44 cháu nhỏ bị nhiễm sán lợn
GS-TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho biết, ngày 15/3, bệnh viện đã tiếp nhận 230 cháu ở xã Thanh Khương (Bắc Ninh) tới xét nghiệm sán lợn. Để thuận tiện cho việc khám bệnh, phía bệnh viện đã dùng hội trường để phân loại, sau đó đưa các cháu nhỏ đi khám, lấy mẫu xét nghiệm tại các khoa khác nhau.
Dù số lượng bệnh nhân đến một lúc rất đông, đa phần là cháu nhỏ từ 1-10 tuổi, nhưng nhờ sự phối hợp của gia đình bệnh nhân, nên việc thăm khám, xét nghiệm diễn ra thuận lợi.
Bệnh viện đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho các cháu nhỏ. Đến chiều 15.3 đã có kết quả của 173 mẫu xét nghiệm. Trong đó, phát hiện 44 trường hợp dương tính với sán lợn. Trước đó, ngày 12/3, Bệnh viện cũng đã xét nghiệm và phát hiện 3 cháu nhỏ đến cùng xã Thanh Khương bị nhiễm sán lợn.
Sau khi trả kết quả xét nghiệm, các bác sĩ đã tư vấn cho phụ huynh, đề nghị phụ huynh bình tĩnh, phối hợp với bác sĩ để có hướng điều trị cho các cháu nhỏ.
“Hiện nay chúng tôi có rất nhiều phác đồ điều trị, có thể diệt sán trưởng thành chỉ mất một ngày, còn diệt cả ấu trùng thì mất khoảng nửa tháng.
Phụ huynh chỉ cần lấy thuốc về để cho con uống, chứ không nhất thiết phải nhập viện. Các bậc cha mẹ vẫn nên cho con đi học bình thường, tránh ảnh hưởng đến việc học tập của con. Vì bệnh nhiễm sán lợn hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm” - GS Nguyễn Văn Kính thông tin.
Hiện bệnh viện đang tiếp tục làm xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của những trẻ đến khám buổi chiều ngày 15/3. Theo PG - TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, hầu hết các cháu tỉnh táo một vài cháu đau bụng mẩn ngứa hoặc có rối loạn tiêu hoá. Bệnh viện sẽ tiếp tục làm các xét nghiệm và trả kết quả cho các phụ huynh.
Có thể do ăn phải thịt lợn nhiễm sán
Nói về nguyên nhân gây bệnh sán lợn cho hàng loạt trẻ nhỏ ở xã Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), GS-TS Nguyễn Văn Kính cho biết, ký sinh trùng sán lợn có nằm trong đất, trong nước, thực phẩm.
Bệnh sán dây, ấu trùng sán dây lợn hay còn gọi là bệnh sán dải phân bố ở nhiều nơi trên thế giới, việc mắc bệnh liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín, các loại thực phẩm nhiễm ký sinh trùng chưa được nấu chín, không vệ sinh.
Người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn, sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt… Nếu nhiễm sán trong thời gian dài sẽ dẫn đến chậm phát triển thể lực.
Nếu người nhiễm giun sán có sức đề kháng không tốt thì ký sinh trùng có thể xâm nhập vào máu đến các cơ, mắt hay não của người. Ấu trùng đi lạc chỗ, có thể chui vào khí quản, phổi, hoặc não gây động kinh. Tuy nhiên nếu phát hiện bệnh sớm, tuân thủ theo phác đồ điều trị thì có thể diệt hoàn toàn sán trong 15 ngày.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc các phụ huynh của xã Thanh Khương đang nghi ngờ con em mình ăn phải thịt lợn nhiễm sán gạo tại trường học, liệu có căn cứ nào để khẳng định nguyên nhân gây bệnh từ đây không? GS Nguyễn Văn Kính cho biết có thể do bệnh nhân ăn phải lợn nhiễm bệnh và thịt lợn nấu chưa chín, nhưng có thể do ăn phải những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh khác. Nguyên nhân cụ thể sẽ phải do các đơn vị chức năng xuống địa phương kiểm tra.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết sẽ thông báo cho Cục Y tế dự phòng và Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương xuống địa phương điều tra về dịch tễ học để tìm nguyên nhân gây bệnh.
Video phụ huynh Trường mầm non Thanh Khương bức xúc, cho rằng con mình ăn phải thực phẩm bẩn tại trường.
Theo Lao Động