Diễn viên Thương Tín (phải) bị thương nặng - Ảnh: Facebook Tô Hiếu
Diễn viên Thương Tín bị viêm khớp gối nặng, phải đi xe lăn
Nhạc sĩ Tô Hiếu thông tin với Tuổi Trẻ Online rằng diễn viên Thương Tín nhập viện tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP.HCM ngày 6-12.
Bác sĩ khuyên diễn viên Thương Tín hạn chế đi lại - Ảnh: Facebook Tô Hiếu
Anh cho biết: "Hiện bánh chè khớp gối chân phải của diễn viên Thương Tín bị bể đôi, bác sĩ nói không thể hồi phục được nữa.
Còn đầu gối chân trái của nam diễn viên bị viêm khớp gối nặng, phải uống thuốc điều trị lâu dài".
Theo nhạc sĩ Tô Hiếu, sức khoẻ của diễn viên Thương Tín hiện rất yếu, bác sĩ bảo khi nào sức khoẻ tốt mới mổ.
Hiện tại ông hạn chế đi lại, phải dùng xe lăn di chuyển.
Gần đây, diễn viên Thương Tín góp mặt trong bộ phim Cu li không bao giờ khóc của đạo diễn Phạm Ngọc Lân.
Đạo diễn nhận định: "Tôi cảm giác đây có lẽ là bộ phim cuối cùng của chú, vì gần như chú không còn đủ sức khỏe để thể hiện được những yếu tố cần có của một diễn viên".
Negav mệt mỏi vì sống ẩn
Tối 6-12, rapper Negav lần đầu xuất hiện sau hai tháng tạm dừng hoạt động tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội).
Dù tham gia tổng duyệt cho concert Anh trai say hi diễn ra vào 7-12, Negav vẫn bỏ ngỏ về khả năng biểu diễn: "Hôm nay gặp nhau ở đây là vui rồi".
Negav chia sẻ bản thân mệt mỏi vì sống ẩn - Ảnh: Anh trai say hi
Trước đó, sáng cùng ngày, anh có mặt trong buổi giao lưu của ê-kíp chương trình tại trụ sở Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở Hà Nội.
Negav từng gây tranh cãi vì những phát ngôn không đứng đắn trên mạng xã hội. Anh công khai xin lỗi vì những sai lầm, đồng thời thừa nhận đây là bài học đắt giá. Sau sự việc, nam rapper tạm rời sân khấu, vắng mặt tại đêm diễn Anh trai say hi ngày thứ hai ở TP.HCM.
Sự trở lại của Negav nhận về nhiều tranh cãi. Trong khi một số khán giả vui mừng chào đón anh, nhiều người vẫn chưa thể tha thứ những lỗi lầm anh từng mắc phải trong quá khứ.
Khi điện thoại đổ chuông phải tạm dừng
Gây sốt cộng đồng mạng những ngày qua, phim Khi điện thoại đổ chuông thông báo hoãn phát sóng khiến người hâm mộ tiếc nuối.
Đài MBC cho biết phải hoãn lịch chiếu vì bộ phim trùng giờ với bản tin đặc biệt. Được biết, đây đang là thời điểm căng thẳng của chính trị Hàn Quốc, đặc biệt khi cuộc bỏ phiếu quyết định luận tội tổng thống Yoon Suk Yeol diễn ra.
Khi điện thoại đổ chuông tạm dừng vì tình hình chính trị Hàn - Ảnh: NSX
Nhiều người hâm mộ bày tỏ sự tiếc nuối vì tình tiết phim đang ở giai đoạn cao trào, cũng như tò mò liệu người vợ Hong Hee Joo (do Chae Soo Bin thủ vai) sẽ như thế nào sau cuộc trò chuyện điện thoại trên sân thượng.
"Thật tiếc vì tôi đã chờ một tuần cho khoảnh khắc này, nhưng chịu thôi, tình hình chính trị căng thẳng mà" - một khán giả bình luận.
Dự kiến, tập 5, 6 của Khi điện thoại đổ chuông sẽ phát sóng lần lượt vào ngày 12 và 13-12.
Ra mắt nhóm nhạc B.O.F từ Anh trai vượt ngàn chông gai
Nhà sản xuất Anh trai vượt ngàn chông gai thông tin nhóm nhạc B.O.F ra mắt từ các thành viên của chương trình, gồm 5 tài toàn năng: Jun Phạm, S.T Sơn Thạch, BB Trần, Kay Trần và Bùi Công Nam.
Tên nhóm nhạc B.O.F được lấy cảm hứng từ hành trình nhiệt huyết, cháy hết mình trên sân khấu, đồng thời lan tỏa năng lượng tích cực đến người hâm mộ.
Năm thành viên của nhóm nhạc B.O.F - Ảnh: NVCC
Năm mảnh ghép này có sự đồng điệu về năng lượng, suy nghĩ và cả tư duy thông qua tương tác từ sân khấu đến đời thực.
Jun Phạm đảm nhận vai trò trưởng nhóm. Anh còn có ưu thế về giọng hát, khả năng vũ đạo và kinh nghiệm trong thời gian hoạt động trong nhóm nhạc 365 trước đây.
Các thành viên của nhóm nhạc B.O.F đang chuẩn bị cho đêm concert Anh trai vượt ngàn chông gai diễn ra tại Hưng Yên vào ngày 14-12 tới.
Liệu đài KBS có đúng khi cấm ca khúc Home sweet home của G-Dragon?
Quyết định đài KBS cấm sóng ca khúc Home sweet home của G-Dragon Big Bang dấy lên lo ngại về liệu quy tắc phát sóng trên các kênh truyền hình không còn hợp lý.
Theo trang Korea Times, KBS cho rằng ca khúc mới của G-Dragon vi phạm Điều 46 thuộc Quy tắc Thảo luận Phát sóng, về việc cấm nội dung được cho là quảng cáo.
KBS cấm nhạc mới của G-Dragon - Ảnh: Chụp màn hình
Quyết định này có thể thay đổi nếu G-Dragon thay đổi hoặc bỏ các phần bị đánh giá cấm, rồi gửi để đài xem xét lại.
Tuy nhiên, nhiều khán giả cho rằng đài truyền hình KBS đang quá khắt khe. Thậm chí, một bộ phận người hâm mộ còn nghi ngờ KBS cố tình chèn ép các nghệ sĩ thuộc YG Entertainment vì hiềm kích trước.
"Không bất ngờ khi G-Dragon bị cấm, trước giờ đài KBS vẫn làm vậy mà"; "Lại nữa sao, họ đã cấm Mantra của Jennie và Clik clak của Babymonster. Tại vì những nghệ sĩ này đến từ YG Entertainment sao?"... - khán giả bày tỏ sự thất vọng.
Hiện tại, KBS vẫn chưa phản hồi về vụ việc. Được biết, trong một tuyên bố gần đây, đài KBS cho biết quy tắc vẫn hợp lý, vì nó tôn trọng sự đa dạng văn hóa và tự do sáng tạo mà vẫn duy trì các giá trị đạo đức xã hội.
Người hâm mộ K-pop tham gia biểu tình
Khoảng 200.000 người dân Hàn Quốc, bao gồm đông đảo người hâm mộ K-pop, dự kiến tham gia các cuộc bảo tình tại nhiều địa điểm khắp Seoul vào 7-12.
Sự kiện này nhằm yêu cầu Quốc hội Hàn Quốc luận tội Tổng thống Yoon Seok Yeol với cáo buộc vi phạm hiến pháp khi ban bố thiết quân luật vào 3-12 mà không đáp ứng các điều kiện tiên quyết.
Các cuộc biểu tình có tổ chức sẽ diễn ra tại tòa nhà Quốc hội ở Yeouido, Gwanghwamun và Tòa thị chính Seoul, theo thông tin từ cảnh sát.
Người hâm mộ K-pop tham gia biểu tình - Ảnh: Allkpop
Người hâm mộ K-Pop tuyên bố thể hiện dân chủ của mình bằng cách sử dụng light stick – biểu tượng nổi bật nhất của cộng đồng này – thay vì nến truyền thống.
Chiến dịch Light sticks for national solidarity (tạm dịch: light stick vì tinh thần đoàn kết quốc gia) kêu gọi người hâm mộ tập trung trước tòa nhà Quốc hội vào 3 giờ chiều với khẩu hiệu "Let us cry only for ticketing" (tạm dịch: Chúng ta hãy chỉ khóc vì không mua được vé).
Đây là cách họ gửi đi thông điệp mạnh mẽ, phản ánh tinh thần đoàn kết giữa cộng đồng K-pop và người dân trong việc bảo vệ dân chủ.