Keri Russell (trái, vai Kate Wyler) và Rufus Sewell (vai Hal Wyler) trong phim The Diplomat. Mối quan hệ của vợ chồng nhà Wyler phơi bày những góc khuất trong hôn nhân. Nhưng điểm nhấn của phim vẫn là những cuộc đấu trí chính trị cuốn hút - Ảnh: IMDb
Phim The Diplomat (tạm dịch: Nhà ngoại giao) khởi đầu bằng một cuộc khủng hoảng chính trị: Con tàu sân bay HMS Courageous của hải quân Hoàng gia Anh bị đánh bom ngay ngoài khơi Iran.
Hai đồng minh Mỹ, Anh đổ mọi nghi ngờ lên quốc gia Trung Đông và chuẩn bị các phương án trả đũa. Được tổng thống Mỹ cử làm đại sứ mới ở Vương quốc Anh để điều tra vụ việc, Kate Wyler đã bước chân vào chiến địa ngoại giao, bị các âm mưu xô đẩy và những tay chơi chính trị cấu xé.
Thế nhưng, trở ngại lớn nhất của Kate lại chính là chồng của cô - Hal Wyler, kẻ được mệnh danh là bộ óc ngoại giao thông minh nhất thời đại này, một con "cá mập" luôn lởn vởn săn mồi, có thể đổi dời vị thế cuộc chơi bằng những nguồn tin mật.
The Diplomat Trailer
Hôn nhân: quả bom hay món quà đính kèm
Nếu một cuộc hôn nhân có thể cứu vãn sự nghiệp của chúng ta khi đang đứng trước những dông bão, thì ngược lại, nó cũng sẵn sàng đóng chiếc đinh câu rút kết liễu ta lúc nào không hay. Tám tập phim của The Diplomat liên tục đặt người xem ở hoàn cảnh lửng lơ như vậy khi chen ngang vào mối quan hệ phức tạp của vợ chồng Wyler.
Chia sẻ trên tờ Vanity Fair, Kari Amelung - cựu quan chức CIA và cố vấn cho loạt phim The Diplomat - cho rằng tình trạng cơm không lành canh không ngọt giữa những cặp vợ chồng công tác ngoại giao ở nước ngoài rất thường xảy ra.
Tuy nhiên, họ thường gắng gượng cho qua chuyện, bởi để tiến hành thủ tục ly hôn thì cả hai phải về nước để ra tòa giải quyết và ngưng nhiệm vụ quốc tế.
Vợ chồng nhà Wyler cũng vậy, hôn nhân của họ đã đến đoạn kết. Mới tháng trước cả hai còn chuẩn bị cho cuộc ly hôn, nay họ phải đồng hành trên con đường xây dựng vây cánh chính trị và đối mặt kẻ thù. Đừng tưởng đây là câu chuyện tình nên thơ hoặc là một khoảng nghỉ để hồi phục mối quan hệ thắm thiết.
Cảnh phim The Diplomat
Kate đấm vào mặt chồng mình giữa mọi người khi phát hiện anh là một gã khốn đã đẩy cô vào tình cảnh oái oăm. Hal cũng chẳng vừa, anh thao túng vợ để phục vụ cho tham vọng chính trị cá nhân. Họ giúp đỡ, lợi dụng nhau, yêu đấy mà cũng gầm ghè đấy.
Nếu nhân vật chính của bộ phim là Hal, một người đàn ông, thì đã khác. Các bộ phim về chính trị vốn thích phủ phục dưới chân những gã đàn ông thủ đoạn và các nhân vật nữ chỉ để trang hoàng thêm cho thứ sức mạnh ấy, như một phần thưởng.
The Diplomat, dưới bàn tay của nữ biên kịch và sản xuất Debora Cahn, đã tìm một lối tiếp cận khác. Hal là một gã chính trị gia lão luyện và khó bị sai khiển. Thế nhưng, phim lại tập trung vào Kate Wyler, sức mạnh của cô là có thể ghì cương ông chồng bất kham.
Bộ phim vờn người xem bằng cả những mưu mô khó lường lẫn tình cảm ẩm ương của đôi vợ chồng. Họ ngủ ở hai phòng riêng và sẵn sàng "giúp đỡ" người kia giải tỏa cơn khát tình dục, Hal vẫn kiểm tra mùi nách của vợ trước khi Kate bước ra ngoài dù vẫn lăm le lấn át cô...
Mối quan hệ kỳ dị của họ tạo nên bức rèm tăm tối trong thế giới hôn nhân của những cặp đôi cùng có chung con đường sự nghiệp và đương nhiên sẽ chẳng lãng mạn như tựa đề bài bình phim trên tờ The New York Times đã viết: "Cứu vãn hôn nhân, cứu lấy thế giới".
Tàn bạo, máu lạnh - những thứ các nhà làm phim đem lại khi xây dựng House of Cards - Ảnh: IMDb
Giải nhiệt cho dòng phim chính trị
House of Cards đã mở ra đường biên mới cho những mưu mô quyền lực và tạo nên Frank Underwood - một kẻ máu lạnh đã dùng gương mặt ái quốc để trà trộn vào hàng ngũ lãnh đạo.
Chừng 5 năm trở lại đây, khó có thể tìm thấy loạt phim nào có thể phác họa thế giới chính trị tàn khốc đến vậy kể từ phần phim cuối cùng của House of Cards (2018).
Game of Thrones với những cuộc binh biến toan tính cũng đã kết thúc vào năm 2019. Phần tiền truyện của loạt phim này mang tên House of Dragon mới phát hành năm 2022 vẫn chưa mang lại nhiều bất ngờ. Loạt phim Vikings: Valhalla chỉ mới đáp ứng phần bạo lực, còn các chiến lược lại bị xem nhẹ.
Cảnh phim The Diplomat
Sự đầu tư của Netflix vào The Diplomat có thể xem là một cuộc đánh cược vào một bộ phim mới về dòng phim chính trị. House of Cards vốn từng là "đứa con cưng" của Netflix, nhưng hãng đã quyết đoạn tuyệt với Kevin Spacey (người mang lại thành công cho vai diễn Frank Underwood) sau khi ông bị cáo buộc tấn công tình dục trong quá khứ.
Cuộc rời đi nhục nhã của Kevin Spacey cũng dẫn đến sự thoái trào không thể cứu vãn của loạt phim. Phần cuối cùng của House of Cards, đặt trong bối cảnh vợ của Frank Underwood chiếm lấy vũ đài chính trị thay chồng mình, cũng là phần phim thất bại nhất của loạt phim đình đám.
Có thể xem việc The Diplomat dùng Kate Wyler để ghìm sức mạnh của nhân vật Hal xuống là một "thủ thuật" để tránh lặp lại sai lầm năm xưa bởi đã trao quá nhiều sân diễn chính trị vào một nhân vật nam và thu hút người xem bằng sự bá quyền.
Cảnh phim The Diplomat
Phong cách Machiavelli (ám chỉ những xảo thuật chính trị thao túng người dân) có thể thu hút lượt xem nhưng cũng tạo nên sự kinh khiếp cho khán giả và khiến họ mất niềm tin vào xã hội. Vì vậy, The Diplomat đã tiếp cận công chúng bằng một cách thức nhẹ nhàng hơn, nhấn mạnh vào yếu tố gia đình và đặt giá trị đạo đức con người lên trên những lợi ích phe phái.
Bộ phim The Diplomat còn thu hút người xem bằng bối cảnh chính trị mới. Những vấn đề như xung đột Nga - Ukraine, Brexit, mâu thuẫn Mỹ - Iran, mối quan hệ đồng minh "ngoài nóng, trong lạnh" giữa Mỹ và Anh... đều xuất hiện trong phim và cho thấy cách những sự kiện này định hình lại thế giới mà chúng ta đang sống.
Với thành công của mùa 1, dự kiến phần 2 của loạt phim sẽ được trình chiếu vào năm sau.