NSND Nguyễn Hải là một nam diễn viên, Đại tá Công an nhân dân Việt Nam, nguyên Phó Trưởng Đoàn Kịch nói Công an Nhân dân. Anh được biết đến qua nhiều vai diễn phản diện của các bộ phim: Chuyện làng Nhô, Chạy án, Ngôi biệt thự màu tro lạnh, Quỳnh búp bê, Bão ngầm,... Năm 2019, nam nghệ sĩ về hưu nhưng vẫn hăng hái với nghệ thuật trong nhiều vai trò: Biên kịch, Giám khảo và các hoạt động xã hội.
Mới đây, NSND Nguyễn Hải có buổi trò chuyện với PV Gia đình và Xã hội, chia sẻ về cuộc sống thú vị sau nghỉ hưu.
Đại tá, NSND Nguyễn Hải.
Nghỉ hưu xong thì thu nhập cũng tăng
Nhiều nghệ sĩ - nhất là với người từng nắm vai trò lãnh đạo, sau khi nghỉ hưu thường không quen, cảm xúc bị hẫng, còn NSND Nguyễn Hải nghỉ hưu từ năm 2019 đến nay thì sao?
- Tôi cũng hẫng thật đấy, hẫng vì chuyển từ môi trường nhà nước sang tự do, đỡ áp lực. Nhưng tôi không nghĩ mình về hưu, chưa bao giờ ca thán chuyện nghỉ hưu vì bất cứ khi nào Nhà hát cần tôi vẫn có mặt hay mình cần thì vẫn nhờ Nhà hát. Nhưng thú thật là đến giờ chỉ có Nhà hát cần mình, mời mình chứ tôi cũng chưa nhờ vả gì cả; thậm chí có kịch bản tôi vẫn gửi.
Khán giả phát hiện ra rằng sau khi về hưu, anh ít đóng phim hơn mà chuyển hướng ngồi ghế nóng các cuộc thi nhan sắc, mẫu nhí...!?
- Thú thật, sau khi nghỉ hưu tôi nhiều việc gấp 5 lần khi còn công tác. Năm 2019 khi vừa nghỉ chế độ, tôi đã làm phim "Quỳnh búp bê", xong phim này thì làm "Bão ngầm", rồi còn vào TPHCM làm phim "Rắn hổ mang" (dài 86 tập) và phim ngắn cho VTC, VTV2 và một vài phim chiếu rạp cho các đạo diễn trẻ.
Tôi còn là luật sư, chuyên tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân. Năm 2019, tôi lấy thẻ hành nghề luật sư sau khi đáp ứng đầy đủ: Thời gian thực tập, số lần tranh tụng... chứ chứng chỉ luật sư thì tôi có lâu rồi.
Dù có thẻ hành nghề luật nhưng tôi không ra tranh tụng vì thầy dạy nửa đùa nửa thật rằng: 'Ông đừng ra tranh tụng vì ra đến toà mà nhìn mặt ông là người ta không muốn xử rồi'. Nên giờ tôi tư vấn pháp luật thôi, miễn phí.
Ngoài ra, tôi cũng mở một trung tâm giáo dục, thi thoảng tôi đi dạy cho các câu lạc bộ điện ảnh, một số trung tâm trải nghiệm làm phim.
Còn "ngồi ghế" nóng giám khảo thì không phải bây giờ nghỉ hưu xong tôi mới nhận đâu, tôi làm nhiều rồi mà, chỉ là bây giờ có thời gian thì nhận nhiều hơn.
Chấm thi Hoa hậu trẻ đã khó, là một diễn viên khi làm giám khảo cho cuộc thi Hoa hậu quý bà, anh cảm thấy thế nào?
- Cá nhân tôi nghĩ Ban giám khảo (BGK) và diễn viên rất gần với nhau. BGK đọc nhiều hiểu nhiều, chấm người ta; còn xét cho cùng, diễn viên cũng chính là giám khảo trong vai diễn của mình.
Còn kinh nghiệm để tôi ngồi ghế BGK? Lợi thế của tôi là xuất phát điểm học trường Mỏ, sau đó học Khoa luật ĐH KHXH&NV, học Học viện tư pháp, chưa kể còn học lớp bổ túc nghiệp vụ pháp luật ở Học viện An ninh... rồi mới quay lại trường Sân khấu điện ảnh học Thạc sĩ. Nên nói kinh nghiệm, trải nghiệm tôi đều có thừa. Tất nhiên, bất cứ vị trí vai trò nào tôi đảm nhận thì cũng đều phải tìm hiểu thêm nhằm đưa ra số điểm hay những quyết định đúng đắn nhất.
Khi chấm Hoa hậu, tôi phải đọc hồ sơ, phải tìm hiểu. Cá nhân tôi nghĩ, hầu hết thí sinh Hoa hậu quý bà đều là người thành đạt, có điều kiện nhưng hơn hết là họ tự tin, có quyết tâm. Dù có thể, các động tác chưa đạt tới độ chuyên nghiệp nhưng dưới sự dẫn dắt của những "bàn tay" chuyên nghiệp, họ đã nỗ lực làm rất tốt. Dù không được giải cũng phải dành sự động viên cho những nỗ lực đó. Tất nhiên cũng có người tự tin thái quá, liều vào cuộc thi thì tôi cũng khuyên trau dồi cho cuộc thi sau.
Anh nghĩ sao khi nhiều người cho rằng sau nghỉ hưu NSND Nguyễn Hải kiếm tiền rất tốt?
- Nghỉ hưu xong thì thu nhập cũng tăng, nhưng tăng ít nhiều thì tôi không tiện chia sẻ. Chẳng dại gì lại khai thật những điều không nên khai thật. (Cười)
Cũng dễ hiểu mà, rõ ràng thay đổi môi trường làm việc là thay đổi thu nhập. Trước đây, tôi đi làm trong biên chế nhà nước là làm công ăn lương; còn bây giờ thay đổi sau nghỉ hưu là kinh tế thị trường, không chỉ nhà nước mà các doanh nghiệp tư nhân tìm đến mình nhiều hơn, cơ hội hợp tác cũng nhiều hơn. Rõ ràng là tăng thu nhập.
Tất nhiên, ở tuổi của tôi không lấy catse làm căn bản, nghĩa là tiền không phải mục đích chính mà chủ yếu là duy trì chất lượng cuộc sống thanh thản, làm sao để não không bị chây ì, không già, không lạc hậu với cuộc sống. Tôi luôn luôn nghĩ mình phải cập nhật, giao lưu, chia sẻ làm sao để tăng đủ mọi thứ: đầu tiên là tăng sức khoẻ, tăng quan hệ, tăng thu nhập và tăng chất lượng cuộc sống. Chất lượng cuộc sống ở đây không chỉ đơn giản là ăn chơi, du lịch mà còn phải là sự hiểu biết xã hội, phát triển xã hội, mở mang kiến thức,...
3 thế hệ ở với cùng nhau, đuổi cũng không chuyển đi
Tôi có một thắc mắc là khi còn đang tuổi công tác, anh bận rộn vắng nhà quanh năm còn có thể hiểu được, nhưng nghỉ hưu rồi anh vẫn bận, vẫn đi suốt như thế mà chị nhà không phàn nàn gì sao?
- Khi còn tuổi công tác, đúng là tôi thường xuyên xa nhưng mỗi chuyến công tác tôi thường đưa bà xã đi cùng kể cả ra nước ngoài. Với tôi, vợ là "người thầy nội trợ" vì ngoài công tác chăm lo hậu phương vợ còn là người thầy, khán giả góp ý rất nhiều cho các vai diễn vì ngày xưa chúng tôi học chung diễn viên.
Có thay đổi thì là sau khi nghỉ hưu, vợ ít đi cùng hơn. Vợ cũng không phàn nàn vì tôi vẫn tổ chức một năm mấy lần cho gia đình đi chơi. Gia đình vẫn là ưu tiên số 1 của tôi. Gia đình tôi là tam đại đồng đường (ba thế hệ ở cùng nhau - PV), các con lấy vợ, lấy chồng xong ở nhà tôi hết. Tôi ở tầng 2, các con ở trên tầng 3, tầng 4.
Con trai con gái đều đã trưởng thành, đã xây dựng gia đình riêng mà vẫn ở cùng bố mẹ, anh có lo ngại bị nói bao bọc con quá không?
- Con trai lớn sinh năm 1988, du học ở Anh về, con gái út sinh năm 1994. Tôi đã lên chức ông nội, ông ngoại từ lâu. Cả gia đình tôi đang ở một ngõ nhỏ trên phố Kim Ngưu (Hà Nội), nhà thì cũng bé thôi, chỉ 41m2. Tôi chưa bao giờ giấu giếm điều này bởi bao bọc các con là đương nhiên, nó có 60-70 tuổi thì nó vẫn là con mình.
Mang tiếng bao bọc cũng có ý đúng, ở chung thì rõ ràng ông bà ôm nhiều việc hơn, trách nhiệm hơn nhưng thả ra thì cũng có nhiều nỗi lo. Quan trọng gia đình sống với nhau. Tôi có một nguyên tắc là các con, kể cả dâu, rể phải yêu thương nhau hết mực, các cháu nội, ngoại được đối xử công bằng như nhau. Các con đi làm cả ngày, 1 tuần chỉ mong cả nhà ngồi với nhau ăn bữa cơm cũng phải dàn xếp: đi giờ nào, về giờ nào, ăn giờ nào, ăn cái gì,... Nhưng đó cũng là một niềm hạnh phúc.
Bà xã của NSND Nguyễn Hải.
Liệu các con có ỷ lại vào bố mẹ không, nhất là khi bố mẹ cũng có kinh tế?
- Nói về kinh tế thì chúng nó tự giác lắm. Hàng tháng chủ động đóng phí sinh hoạt cho mẹ để mẹ chi tiêu.
Tôi đã từng cho các con đi ở riêng, thậm chí cho tiền để chúng nó thuê nhà nhưng các con luôn nói: 'Con không cần tiền. Bố mẹ đi đâu, con ở đó'. Nói thật, đất đai, nhà cửa của tôi không thiếu, tôi cũng bán bớt đi rồi nhưng các con muốn ở chung chứ không phải mình không có điều kiện. Nhà tôi tuy nhỏ nhưng ấm cúng.
Tôi đưa cả khách Tây, khách Nhật về nhà mình tiếp. Gia đình tôi coi trọng sự kính trên nhường dưới. Bố tôi nay đã 99 tuổi, vẫn ở Nam Định. Ông đang ở trong khuôn viên 4.000m2, có người giúp việc chăm sóc hàng ngày. Cứ rảnh rỗi là tôi lại về thăm ông, ngày nào không về được, tôi gọi video để xem ông thế nào.
Các con muốn đón ông lên Hà Nội ở nhưng ông không đồng ý, cứ lên chơi buổi sáng, đến chiều ông lại đòi về nên phải chiều ông.
Ở chung cùng con cháu như thế liệu có xung đột cách nuôi dạy con cháu không?
- Vợ chồng tôi không tham gia vào cách dạy con của con cái vì tham gia sẽ xung đột ngay, dù sao thì mỗi thế hệ mỗi khác. Nhưng tôi là một người bố rất nho giáo, nghiêm túc, có vài điều ứng xử cần kế thừa như: Đi về phải chào hỏi; gặp người lớn phải khoanh tay, phải biết nói cảm ơn,... Đó là văn hoá ứng xử cơ bản, còn lại chuyện nuôi dạy con là của chúng nó, tôi không tham gia.
Cảm ơn chia sẻ của NSND Nguyễn Hải!
Vợ chồng NSND Nguyễn Hải cùng con, cháu trong một chuyến đi chơi.