Buổi gặp gỡ truyền thông cuối năm như thông lệ của Nhà hát Tuổi trẻ năm nay dường như thu hút báo chí hơn hẳn các năm, khi câu chuyện về cuộc sống riêng của lãnh đạo Nhà hát vẫn đang "gây sốt" với báo chí.
Tuy nhiên, khác với các cuộc họp báo có câu chuyện tương tự, việc phỏng vấn nhân vật chính sẽ là "chất liệu" chủ đạo để truyền tải những nội dung khác - vốn là nội dung trọng tâm của buổi họp, thế nhưng, NSƯT Chí Trung đã né tránh mọi câu hỏi về việc anh và nghệ sĩ Ngọc Huyền ly hôn để hướng báo chí chú trọng đến tình hình của Nhà hát cũng như các vở diễn sẽ được công diễn tới đây.
Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ trăn trở trong việc tìm hướng đi mới
Anh thẳng thắn: "Tôi biết, với độc giả, họ không quan tâm đến chuyện vinh danh, thành tựu của một nhà hát mà cứ phải là ngoại tình, tan vỡ thì mới gây chú ý. Hôm nay, tôi biết rất nhiều người muốn hỏi chuyện của cá nhân tôi nhưng mà xin miễn bình luận. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Sẽ có lúc tôi chia sẻ, giãi bày với truyền thông về những điều mà mọi người chưa hiểu đúng về tôi. Tôi là người đàng hoàng, không tốt không xấu hơn chồng, cha của các bạn. Đơn giản tôi là đàn ông, dám làm dám chịu".
Cùng với lời giãi bày mang tính riêng tư này, trên cương vị lãnh đạo một Nhà hát, NSƯT Chí Trung đã bày tỏ sự tâm huyết, quyết liệt trong việc tìm hướng đi mới để mang lại đời sống ổn định cho 170 con người nơi đây.
Vượt lên khó khăn của thực trạng sân khấu đìu hiu nhiều năm qua, Nhà hát Tuổi trẻ được coi là năng động nhất phía Bắc khi cho đến giờ vẫn đứng vững trên đôi chân của chính mình.
Tuy nhiên đời sống của cán bộ nhân viên, diễn viên, ca sĩ chưa thể ngay lập tức làm vơi đi nỗi trăn trở của Giám đốc Phạm Chí Trung.
Anh cho biết, sau 42 năm tồn tại, năm nay, lương của 170 con người mới nhích lên được 1 triệu đồng. Người cao nhất được 7 triệu, sau đó lần lượt là 6-5-4-3. Về thưởng Tết, có nhân viên chỉ được 1 triệu đồng tiền quà. 10 người xuất sắc nhất được khen thưởng, mỗi người 10 triệu đồng- là mức thưởng cao nhất hiện nay của Nhà hát Tuổi trẻ.
Với mức thu nhập này, nghệ sĩ Chí Trung từng nói, làm nghề diễn mà muốn giàu có thì nên chọn công việc khác. Ở Nhà hát, chỉ có khát vọng và tình yêu. Tất cả đều làm như con thiêu thân hướng về ánh sáng.
Chính vì vậy mà dù nhiều diễn viên chỉ nhận mức lương 2 triệu/tháng "nhưng họ không thấy đau khổ mà tự hào vì được làm nghề, được cống hiến", Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ khẳng định. Anh cũng tự hào vì Nhà hát vẫn là nơi sáng đèn thường xuyên, vẫn đi lưu diễn khắp cả nước cũng như ở nước ngoài.
Romeo & Juliet do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng
Trong đó, vở "Nàng Kiều" phối hợp cùng Viện Goethe Việt với 4 tác phẩm ngắn đã gây tiếng vang với khán giả, trong đó có cả những xuất bán vé và diễn cho học sinh, sinh viên tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Vở diễn thành công không chỉ vì khai thác góc nhìn mới về thân phận nàng Kiều mà còn bởi sự quy tụ của nữ đạo diễn nổi tiếng người Đức Amelie Niermeyer, NSND Hồng Vân, NSƯT Trần Lực, NSƯT Bùi Như Lai.
Vở kịch "Romeo & Juliet" do đạo diễn người Áo Beverly Blankenship dàn dựng cũng là một dự án thành công của Nhà hát Tuổi trẻ trong chiến lược chinh phục giới trẻ Việt Nam bằng những tác phẩm kinh điển của thế giới. Dưới bàn tay của một đạo diễn đã từng nổi danh khắp châu Âu, "Romeo và Juliet" đã được dựng lại với góc nhìn mới hơn và được Nhà hát mang đi biểu diễn không chỉ trong nước mà ở nước ngoài và được đánh giá cao. Trong năm 2020, đây vẫn sẽ là vở diễn "đinh" được nhà hát phục vụ khán giả.
Vở kịch "Cậu Vanya" đã mang lại giải Vàng tại Liên hoan Sân khấu Thể nghiệm Quốc tế 2019 cùng với nhiều huy chương Vàng, Bạc cá nhân, đã thực sự chinh phục được không chỉ khán giả. Vở diễn sau đó được công diễn tại Nhật Bản và nhận được sự yêu mến thán phục của giới hoạt động sân khấu tại xứ sở mặt trời mọc.
Chương trình có cả hài và nhạc
Cùng với đó, Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục thể hiện sự năng động của mình bằng chương trình Hài kịch-Ca nhạc: "Chào 2020- Lời chúc đầu xuân". Chương trình mang đậm màu sắc Tết cổ truyền, vui tươi như một món quà đầu xuân may mắn dành cho khán giả sẽ được công diễn buổi đầu tiên vào 20 giờ thứ Bảy, ngày mùng 8 Tết Canh Tý (tức 1/2/2020).
Tiểu phẩm "Ngôi nhà hoang"
Các tiểu phẩm được tuyển lựa công diễn trong dịp này gồm: Hiệp hội những người khôn, Quan lớn chia lợn, Ngôi nhà hoang, đều do Đinh Tiến Dũng biên soạn.
"Nhà hoang" với sự tham gia của Vân Dung, Bá Anh, Thanh Tú… nói về cái Tết của những mảnh đời mưu sinh nơi thành phố. Không nhà cửa, không người thân vì con cái đều đi xuất khẩu lao động… họ tự nương tựa vào nhau, an ủi và quan tâm đến nhau như những người thân. Đó cũng là điểm nhấn mà tiểu phẩm hướng đến. Vì nội dung nhẹ nhàng nên cách diễn của diễn viên cũng được tiết chế, không sa đà, quá lố để cố chọc cười khán giả.
Quan lớn chia lợn
"Quan lớn chia lợn" với các diễn viên trẻ như Chí Huy, Đức Tâm lại là câu chuyện khai thác chất liệu dân gian. Tự nhận mình là quan thanh liêm nhưng chỉ với việc chia nhau một con lợn, quan tri huyện và chánh tổng đã bộc lộ những thói hư tật xấu, tham ăn, dốt nát.
Vở diễn mang đến thông điệp, khi quan tham thì dân sẽ gian. Dù nội dung chỉ đề cập ở một góc nhỏ hẹp của nhưng vẫn hàm chứa thông điệp thời sự, khi mà các vụ trọng án về tham nhũng vẫn đang gây bức xúc trong xã hội.
Tiểu phẩm Hiệp hội những người khôn
Tiểu phẩm "Hiệp hội những người khôn" cũng đề cập đến câu chuyện quen nhưng tính nóng hổi thì chưa bao giờ cũ: Vệ sinh an toàn thực phẩm. Tất cả cũng gói trong chữ "tham", để rồi trở thành chuyện "gậy ông đập lưng ông".
Nội dung của 3 tiểu phẩm đều nhẹ nhàng, ngắn gọn, xúc tích, cho thấy sự chắt lọc của ê kíp về thoại, bố cục, không nặng về "trò nhời" như phần lớn các tiểu phẩm hài ghi hình DVD của tư nhân hiện nay.
Qua đó, những vấn đề thời sự, thông điệp cuộc sống, tình cảm giữa người với người được đan xen hợp lý, mang đến những giây phút suy ngẫm, nghẹn ngào, lắng đọng…
Tuy vậy vẫn còn một đôi chỗ cần "chỉnh lý" như, ở tiểu phẩm "Quan lớn chia lợn", tuy bối cảnh là hài dân gian nhưng phần thoại lại có cả nói về công nghệ 4.0, "điện ảnh góc máy ngang"; Hay với "Hiệp hội những người khôn", sẽ trọn vẹn hơn khi ở phần nói về những "chiêu" thoát phạt khi uống rượu lái xe, nên có lời "chốt" lại của diễn viên Thanh Dương. Thay vì nói "luật sinh ra là để lách" thì nên gói lại bằng lời khuyên thực hiện nghiêm chỉnh quy định. Nếu không, nó sẽ trở thành lời "vẽ đường", đi ngược lại với chủ trương mà Nghị định 100 đề ra.
Mặc dù vẫn dựng các tiểu phẩm hài nhưng NSUT Chí Trung khẳng định rằng chính kịch như "Nàng Kiều", "Romeo & Juliet"… và sắp tới đây là "Hai cây phong", "Captain Tí và cuộc chiến vô cực" mới tạo dựng nên diện mạo của Nhà hát chứ không phải chương trình hài kịch, kể cả nó đông khách. "Đó chỉ là những vở diễn thị trường, mang tính giải trí", Táo giao thông bày tỏ quan điểm.