Chuyên mục  


Nhắc đến những bộ phim bất hủ dịp 30/4, khán giả sẽ không thể quên bộ phim tài liệu "Tháng Năm – Những gương mặt" của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Bộ phim đạt Giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần VI và là giải thưởng đầu đời của vị đạo diễn tài ba.

Theo nam đạo diễn kể lại, tháng 4/1975, khi cả nước đang lắng nghe "nhất cử nhất động" từ miền Nam thì tại Xưởng phim truyện Việt Nam (Hà Nội), đội ngũ các nhà làm phim - trong đó có đạo diễn Đặng Nhật Minh, khi ấy mới 37 tuổi - đã nhận lệnh cấp trên để lập tức tiến vào miền Nam, làm nên những bộ phim tài liệu lịch sử.

"Tháng Năm – Những gương mặt" thuộc nhóm những bộ phim tài liệu sớm nhất tại Việt Nam ghi lại chân thực cuộc sống của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh ngày đầu sau giải phóng, trở thành khối tư liệu lịch sử quý giá cho các lớp thế hệ sau này.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhớ lại vào thời điểm tối muộn ngày 30/4/1975, trong số các xe của xưởng phim, xe chở đoàn quay phim của ông đã đến và tiến vào trong Dinh Độc lập đầu tiên. Khi đó, hai cánh cổng đã bị húc đổ từ trưa, trên nóc Dinh có hai lá cờ của Quân Giải phóng – một to, một nhỏ.

screen-shot-2024-04-30-at-151026-1714464684077124217367.pngscreen-shot-2024-04-30-at-151046-17144646840981721753804.png
screen-shot-2024-04-30-at-151056-1714464684130956745311.pngscreen-shot-2024-04-30-at-151107-1714464684144265077915.png

Hình ảnh cắt từ phim "Tháng Năm - Những gương mặt" 

Một giờ sáng ngày 1/5 ấy, đạo diễn Đặng Nhật Minh yêu cầu đoàn phim của mình làm việc ngay lập tức, thu lại những hình ảnh đầu tiên cho "Tháng Năm - Những gương mặt". Những ngày sau đó, sáng nào đoàn của ông cũng cùng nhiều đoàn khác đi quay. Dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Đặng Nhật Minh, bộ phim được quay theo hai chủ đề chính: Sự hân hoan của người dân Sài Gòn sau giải phóng và tàn dư của một xã hội thực dân kiểu mới.

Nói đến sự hân hoan, đó là hình ảnh của các đoàn sinh viên, thanh niên tuần hành trên đường phố, "một biển cờ, biển biểu ngữ, biển nụ cười, biển tình thương." Ở thái cực trái ngược lại, hình ảnh những người ăn mày trên vỉa hè, đường phố, các ổ gái mại dâm, hút chích, nhiều trẻ nhỏ bơ vơ... trên các vỉa hè chính là hiện thân của một chế độ cũ cần loại bỏ.

"Thôi, vĩnh biệt những đêm dài lo âu thao thức trong ánh đèn mù. Thôi, từ nay giấc ngủ con cái chúng ta sẽ không còn bị khuấy động bởi tiếng bom đạn gầm rú," đạo diễn Đặng Nhật Minh đọc lời bình trong phim.

“Trong những ngày ở Sài Gòn, tôi được gặp khá nhiều anh chị em văn nghệ sĩ ở đây, đặc biệt là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một người khi còn ở Hà Nội chúng tôi đều biết tiếng và hâm mộ. Nhưng người đầu tiên trong giới văn nghệ sĩ mà tôi gặp lại là nữ diễn viên điện ảnh Thẩm Thúy Hằng. Những ngày chiến sự vừa qua chị cùng chồng là ông Nguyễn Xuân Oánh chuyển đến ở tại khách sạn Caravelle. Không biết ai trong đoàn phim nói cho ông Oánh biết tôi là con trai của bác sĩ Đặng Văn Ngữ, nên mấy hôm sau ông đem đến cho tôi xem những bức ảnh cũ chụp trong thời gian ông du học tại Nhật Bản...

Sau ba tháng, đoàn chúng tôi trở ra Hà Nội. Khi ra tới Huế, vừa tới đầu cầu Tràng Tiền tôi đã nghe tiếng loa phóng thanh ầm ĩ, và một tốp người rất đông đang đứng tập thể dục. Tôi biết rằng nếp sống mới đã đến với quê hương tôi. Bộ phim tài liệu Tháng 5 - những gương mặt đã ra đời sau chuyến đi ấy”, vị đạo diễn hồi tưởng.

edit-screen-shot-2024-04-30-at-145247-17144648006402115809062.pngedit-1-17144648925241056706717.jpeg

Những gương mặt thiếu nhi hồn nhiên kết phim "Tháng Năm - Những gương mặt". Ảnh bên phải là tấm thiệp chúc mừng của Viện phim Fukuoka Nhật Bản. Trên thiệp là hình cô bé được trích từ hình ảnh cuối cùng trong bộ phim tài liệu bất hủ này

nsnd-dang-nhat-minh-24-14-54-13-17144648980241877184638.jpegimagedaidoanketvn-images-upload-linhdh-10072023-dang-nhat-minh-anh-nho-bai-chinh-17144648980351771552216.jpg

Đạo diễn Đặng Nhật Minh mong muốn vào những dịp đặc biệt như 30/4, các bộ phim lịch sử sẽ được chiếu rộng rãi tới khán giả cả nước

Bộ phim kết thúc một cách tươi sáng, gửi gắm nhiều niềm tin, hy vọng bằng những hình ảnh bầu trời và non nước Việt Nam, cùng với những gương mặt tươi cười của người lính, những nụ cười trong trẻo và hồn nhiên của các thiếu nhi.

"Gương mặt xinh tươi rạng rỡ thiếu nhi ở cuối phim là một trong những hình ảnh ngây thơ, tươi sáng, tự nhiên nhất mà tôi bắt gặp giữa những ngày tháng 5 năm 1975. Bộ phim kết thúc một cách tươi sáng, gửi gắm nhiều niềm tin, hy vọng bằng những hình ảnh bầu trời và non nước Việt Nam, cùng với những gương mặt tươi cười của người lính, những nụ cười trong trẻo và hồn nhiên của các thiếu nhi”, nam đạo diễn khẳng định.

Sau 49 năm sau giây phút lịch sử, đạo diễn Đặng Nhật Minh tự hào chia sẻ tấm thiệp chúc mừng của Viện phim Fukuoka Nhật Bản. Trên thiệp là hình cô bé được trích từ hình ảnh cuối cùng trong bộ phim tài liệu "Tháng 5 - Những gương mặt". Ông cũng bày tỏ trăn trở: "Phim hay dịp 30/4 có rất nhiều, có nhiều phim của Điện ảnh Quân đội, Xưởng phim tài liệu,... rất ý nghĩa. Tôi có một đề nghị rằng, làm về sự kiện lịch sử thì Cục điện ảnh nên chiếu rộng rãi những bộ phim này để khán giả có thể nhìn lại từng khoảnh khắc lịch sử. Như thế chẳng hay hơn là để một đạo diễn như tôi cứ nói đi nói lại mãi về phim", nam đạo diễn bộc bạch.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020