GĐXH - Dù mới khởi chiếu nhưng "Đất rừng phương Nam" đã vướng nhiều tranh cãi về nội dung khiến Cục Điện ảnh yêu cầu thẩm định lại phim, nhà sản xuất cũng đề xuất chỉnh sửa một số lời thoại gây hiểu lầm.
Phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đang khiến dư luận xôn xao bàn cãi suốt những ngày qua. Nhiều người cho rằng phim được giới thiệu lấy cảm hứng từ tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi nhưng thực tế phim ra rạp lại khác xa nguyên tác; thậm chí vai trò của bé An (nhân vật chính) còn bị lu mờ so với tuyến phụ.
Đặc biệt nhiều ý kiến trái chiều về nội dung, cho rằng nhiều tình tiết trong phim đã xuyên tạc lịch sử khi đề cao vị thế Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn, hạ thấp vai trò Việt Minh...
Khác với phản ứng trái chiều từ khán giả, giới chuyên môn cũng đã có những ý kiến đánh giá về bộ phim. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bày tỏ quan điểm "làm ơn đừng xem phim bằng cái nhìn cực đoan".
Theo vị đạo diễn "Tro tàn rực rỡ", một bộ phim truyện luôn luôn được định nghĩa là hư cấu, tưởng tượng, dù cho có được chuyển thể, phóng tác, lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật. Do đó để có những bộ phim hay, người tác giả cần phải để cho trí tưởng tượng của mình bay bổng và đi xa hết mức có thể, thậm chí thoát ly hoàn toàn cái thực tế mà bộ phim dựa vào. Giống như các loại hình nghệ thuật khác, một bộ phim truyện làm ra để khán giả khám phá cái thể giới tưởng tượng của tác giả. Một bộ phim truyện hư cấu tuyệt đối không phải là bằng chứng lịch sử hay là căn cứ thực tế cho bất cứ một luận điểm nào, chủ thuyết nào.
"Tất nhiên khán giả hoàn toàn có quyền đánh giá một bộ phim về tất cả những gì mà bộ phim thể hiện. Cái giày này không đúng thực tế thời kỳ đó ở vùng đó, người dân ở đấy không mặc cái áo đó, người ta không bắn súng như thế... Nhưng phán quyết cuối cùng của khán giả đưa ra một cách văn minh là bộ phim này hay hoặc dở, tôi thích hay không thích, thế thôi.
Nếu phán quyết của khán giả chuyển sang cái nhìn đúng sai, ví dụ như làm hiểu sai vai trò của cách mạng hoặc làm sai lệch sự thật lịch sử hoặc góp phần làm tăng số lượng tội phạm... từ đó dẫn đến việc đòi cắt xén bộ phim, thậm chí là đòi cấm chiếu bộ phim thì thực sự những khán giả đó đang không công bằng với bộ phim", Bùi Thạc Chuyên bày tỏ.
Cũng theo nam đạo diễn: "Có một thời ấu trĩ mà nghệ thuật phải gánh nhiệm vụ giáo dục và tuyên truyền vô hình trung đã đặt trí tưởng tượng của người nghệ sỹ vào trong một cái lồng. Khi trí tưởng tượng không được bay bổng nữa thì nghệ thuật sẽ chết.
Sự tranh cãi là cần thiết và tích cực nhưng xin đừng cực đoan. Nghệ sỹ yếu ớt và nhạy cảm, họ không muốn cãi và không thể cãi lại được với những "lý luận sắc bén, những lập luận chặt chẽ, những bằng chứng xác đáng không thể bác bỏ" của những khán giả cực đoan. Họ chỉ có thể ngừng tưởng tượng. Chắc không khán giả nào mong muốn người nghệ sỹ sẽ ngừng tưởng tượng, kể cả những khán giả cực đoan nhất. Vì như thế sẽ chẳng còn phim hay để mà xem nữa".
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho rằng, nếu phán quyết của khán giả chuyển sang cái nhìn đúng sai, ví dụ như làm hiểu sai vai trò của cách mạng hoặc làm sai lệch sự thật lịch sử... từ đó dẫn đến việc đòi cắt xén bộ phim, thậm chí là đòi cấm chiếu bộ phim thì thực sự những khán giả đó đang không công bằng với bộ phim.
Dưới góc nhìn của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, đây là bộ phim chỉn chu: "Xem phim mà mỗi khung hình đều làm mình rung động, vì mình thấy được anh em đoàn phim đã phải dụng công thế nào. Thị trường phim của Việt Nam mình không cho phép các nhà làm phim có thể làm phim với kinh phí quá lớn, vì vậy mà khi thấy mỗi bộ phim hoành tráng được ra rạp, thì mình lại mong phim sẽ thành công để mở đường cho những bộ phim lớn khác sau đó sẽ được đầu tư. Nếu không, các nhà đầu tư sẽ chỉ muốn làm các phim kinh phí thấp.
"Đất rừng phương Nam" là bộ phim quan trọng của nhà HKFilm, một phim "màu cờ sắc áo". Với mình, đây có lẽ là phim đánh dấu cột mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp phim ảnh của anh Nguyễn Quang Dũng và các anh em khác trong đoàn".
Đạo diễn "Em và Trịnh" cũng nêu quan điểm khi được hỏi về Trấn Thành (vai bác Ba Phi) và Mai Tài Phến (vai Võ Tòng). Theo đó, Phan Gia Nhật Linh bày tỏ cảm nhận khi ra rạp rằng "Võ Tòng" Mai Tài Phến chưa cất tiếng mà ba lần xuất hiện là khán giả trong rạp vỗ tay; còn "bác Ba Phi" Trấn Thành có thể không mang đến tiếng cười nhưng có thể mang đến cho mình lâng lâng cảm xúc về lòng yêu nước.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đánh giá cao diễn xuất của dàn diễn viên "Đất rừng phương Nam"
Nam đạo diễn cũng đánh giá cao dàn diễn viên của "Đất rừng phương Nam" từ Tiến Luật hay Tuấn Trần cuốn hút tới mức dù biến mất từ giữa phim đến gần cuối mà nhiều người vẫn bảo "phim này làm như Út Lục Lâm vai chính". "Bất ngờ với Băng Di, đây là lần đầu mình để ý tên bạn này và biết về bạn, nhưng vai diễn Tư Mắm quá xuất sắc đến mức cái kết của nhân vật khiến khán giả vỗ tay rần rần. Và cuối cùng, bất ngờ với bé Hạo Khang, linh hồn của bộ phim, và bé Bảo Ngọc, trái tim của bộ phim. Khang và Ngọc - An và Xinh - quá trong trẻo tinh khiết với sự hồn nhiên chân thật trong vắt làm mình yêu quá yêu thêm bộ phim.
Phim đem đến tiếng cười, nước mắt, và cả sự rung động về lòng tự hào dân tộc, về khí chất của con người miền Nam, và con người Việt Nam. Xem phim thấy yêu quê hương mình hơn, và yêu cái nghề của mình hơn", Phan Gia Nhật Linh đánh giá.
Với một đạo diễn truyền hình như Trịnh Lê Văn, anh hài hước chia sẻ: "Già rồi nên chả còn hơi sức cãi cọ với các "thánh". Ngắn gọn là phim nào cũng vậy, có chỗ hay, có chỗ chưa được như mong muốn, phim có người thích có người không thích là bình thường. Đạo diễn tài mấy cũng có lúc không tránh khỏi sơ xuất.
Nhưng những ý kiến gọi là "trái chiều" đối với "Đất rừng Phương Nam", vừa qua, có vẻ muốn tìm cách đưa số đông vào sự bán tín bán nghi là bộ phim đã bóp méo, làm sai lệch lịch sử...theo tôi là chủ quan và ác ý. Ở Việt Nam, cố gắng làm ra bộ phim tử tế sao nhọc nhằn đến vậy, người làm phim đã mệt,nhưng gồng mình cảnh giác với thị phi rình rập còn mệt gấp mười. Thật là người đi cày dưới ruộng thì ít, mà cường hào lý trưởng đứng trên bờ lại quá đông".
Những cảnh quay đẹp của Đất rừng phương Nam
Còn góc nhìn của biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng: "Bộ phim cuốn hút đến nỗi quên cả chụp hình, đặc biệt những toàn cảnh tuyệt đẹp và những đại cảnh "rối tinh rối mù" mà vẫn không mất nhân vật.
Đây là một phim rất nhiều đại cảnh, với số lượng nhân vật quần chúng không thể đếm xuể. Mà phần lớn là cảnh đánh nhau. Những cảnh này nhằm cho khán giả lãnh hội được tính chất anh hùng ca đầy khí phách của người dân Nam bộ, đương nhiên. Họ hy sinh nhiều đến nỗi những đại cảnh ấy đã chớm đến ngưỡng của những vụ thảm sát. Nhưng lạ thay, nó không hề gợi lên cảm giác bi lụy, kinh sợ... Có thể nói những hy sinh của người dân Nam bộ chỉ làm rõ thêm cái ý nghĩa của định đề "Miền Nam đi trước về sau". Tính cách hào sảng, nghĩa hiệp, không chịu sống quỳ của người Nam bộ đã khiến họ hành động ngay cả khi các tổ chức của họ mới chỉ manh nha và không/ chưa có người đứng đầu đúng nghĩa".
Cũng theo nữ biên kịch, "Đất rừng phương Nam" được kể dưới góc nhìn và cảm xúc của cậu bé An 10 tuổi. Và vì thế mà phim gợi được cảm giác về một sự đối nghịch giữa sự trong trẻo ngây thơ trên một cái nền chết chóc và bất an liên miên. Tuy nhiên, bà Trịnh Thanh Nhã cũng bày tỏ hơi tiếc một chút cho vai bé An khi chưa có được diễn xuất sinh động hơn. Nhưng ngược lại, khí vị của một bộ phim lịch sử mang đậm màu cổ tích khiến không ít lần người xem có thể rơi nước mắt. Những nhân vật như anh Út, chú Tiều, bác Ba Phi, và ngay cả cô Tư, người đàn bà giảo hoạt và phản bội... mỗi người một nét riêng làm cho bộ phim sinh động và đáng tin. Ba đứa trẻ làm nên điểm nhấn đáng kể là một lựa chọn khôn ngoan của kịch bản và đạo diễn. Và Võ Tòng xuất hiện trong những khoảnh khắc ngắn làm sâu đậm cái khí vị cổ tích đáng yêu.
"Nói gọn lại, "Đất rừng phương Nam" đã thoát ra khỏi cái bóng quá lớn của bộ phim truyền hình "Đất phương Nam" đã ra đời trước đây 20 năm có lẻ, khi cùng lấy cảm hứng từ nguyên tác của cố nhà văn Đoàn Giỏi. Thật vui mừng vì bộ phim lịch sử kỳ thú sẽ mang đến cảm xúc đẹp cho khán giả mọi lứa tuổi. Chúc mừng HK Film, chúc mừng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và cả ê-kíp để điện ảnh Việt có thêm một tác phẩm đáng tôn vinh", bà Trịnh Thanh Nhã bày tỏ.
Theo biên kịch Trịnh Thanh Nhã, "Đất rừng phương Nam" đã thoát ra khỏi cái bóng quá lớn của bộ phim truyền hình "Đất phương Nam" (1997)