Được biết tới với vai diễn cô bé Dorothy trong trẻo ngây thơ, nhảy múa cùng những người bạn trong vương quốc thần tiên ở Phù thủy xứ Oz (1939), cuộc đời Judy Garland lại chẳng mấy êm đềm, vui vẻ. Bà buộc phải sử dụng nhiều loại thuốc từ khi còn nhỏ để đáp ứng với cường độ làm việc không tưởng của một ngôi sao nhí.
Nỗi đau ấy khiến Judy Garland đã trở thành ví dụ điển hình mỗi khi người ta nói về việc lạm dụng chất cấm ở Hollywood
Tấn bi kịch quen thuộc
Sinh năm 1922, từ khi 2 tuổi, Judy Garland đã biểu diễn trong những chương trình tạp kỹ của gia đình với nghệ danh Baby Gumm, đặt theo tên thật của bà, Frances Ethel Gumm. Nổi tiếng qua những tour diễn trên khắp nước Mỹ cùng hai người chị ruột, bà sau đó lấy nghệ danh dễ nhớ và “hợp mốt” hơn - Judy Garland.
Nhờ tài năng hát múa ấn tượng, Garland sớm ký hợp đồng với MGM, một trong những hãng phim lớn nhất thế giới khi bà mới 13 tuổi. Với lối biểu diễn sống động, giọng ca mạnh mẽ và hình ảnh trẻ trung, Judy Garland là gương mặt hoàn hảo cho dòng nhạc Swing thịnh hành lúc bấy giờ. Nữ diễn viên nhanh chóng xuất hiện bên các ngôi sao trẻ khác trong nhiều phim như Every sunday (1936), Broadway melody of 1938 (1937), Love finds Andy Hardy (1938),...
Với chiều cao khiêm tốn 151 cm và ngoại hình giản dị, dễ mến, Garland thường bị chê bai dù còn nhỏ tuổi, vì bà không có vẻ đẹp quyến rũ cổ điển tiêu biểu cho Hollywood lúc bấy giờ. Người trong ngành gọi bà là “con gù nhỏ”. Đáng nói, từ lúc mới chỉ là cô bé mới lớn, khác với bạn bè cùng trang lứa, Garland phải tuân thủ chế độ ăn nghiêm ngặt gồm cà phê, súp gà và một số loại rau quả.
Nghiêm trọng hơn, bà phải sử dụng nhiều loại thuốc gây hại, trong đó có ma túy. “Họ bắt chúng tôi làm việc ngày đêm không nghỉ. Họ cho chúng tôi thuốc để chúng tôi tiếp tục làm việc khi đã kiệt sức. Thế rồi họ sẽ đưa chúng tôi đến bệnh viện riêng của hãng phim và cho chúng tôi uống thuốc ngủ” - Garland từng chia sẻ.
Trong những năm tuổi teen, nhiều lúc Garland phải làm việc liên tục 72 giờ liền. Chính mẹ của nữ diễn viên cũng khuyến khích bà dùng thuốc để đảm bảo cường độ làm việc. Trong những loại thuốc Garland từng phải dùng, có các loại ma túy như amphetamin, thuốc giảm đau thuộc họ thuốc phiện morphin, thuốc an thần barbiturat. Nữ diễn viên trẻ dần lệ thuộc vào thuốc, bà phải dùng chất kích thích để thức dậy làm việc và uống thuốc ngủ để chợp mắt mỗi đêm.
Năm 1939, nữ minh tinh vụt sáng trên bầu trời Hollywood với vai cô bé tỉnh lẻ Dorothy trong Phù thủy xứ Oz. Nhờ ca khúc huyền thoại Over the rainbow, khán giả biết tới giọng ca tha thiết đầy nội lực của của Garland, nữ diễn viên mang về giải Oscar đặc biệt dành cho sao nhí khi mới 16 tuổi.
Cũng nhờ Phù thủy xứ Oz, tên tuổi của Judy Garland trở nên quen thuộc với khán giả khắp thế giới, và Dorothy trở thành vai diễn đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của bà. Từ đây, bà liên tục tham gia các phim nhạc kịch, trở thành bà hoàng phòng vé của thập niên 1940 với hơn 21 bộ phim, nổi bật trong đó có The Harvey girls (1946) và Easter Parade (1948).
Ở thời hoàng kim trong sự nghiệp với hơn 10 năm gắn bó cùng MGM, Garland liên tục làm việc và liên tục phải dùng thuốc, dù bà có muốn hay không. Trái ngược với sự nghiệp phim nhạc kịch đầy tiếng cười và hình ảnh Dorothy ngọt ngào trong mắt khán giả, trong đời tư, Garland liên tục phải tranh đấu với chứng nghiện ma túy.
Từng là ngôi sao được săn đón nhất Hollywood trong 10 năm liên tục, sau nhiều scandal thiếu chuyên nghiệp, bỏ quay phim do sức khỏe không cho phép, Judy Garland trở thành gánh nặng của hãng phim. Sau thất bại phòng vé của phim The Pirate (1948), lần đầu tiên bà cố gắng tự tử. MGM hủy hợp đồng với bà chỉ hai năm sau đó.
Năm 2020, tại lễ trao giải Oscars lần thứ 92 giá nhất, tượng vàng dành cho Nữ chính xuất sắc đã thuộc về Renée Zellweger trong bộ phim Judy. Đây là bộ phim tiểu sử về những năm tháng cuối đời của Judy Garland, trong đó Renée Zellweger đã vào vai ngôi sao hồng nhan bạc phận này.
|
Giấc mơ Oscar tới cuối đời
Sau đỉnh cao sự nghiệp mà Phù thủy xứ Oz mang lại, trong thập niên 1950, Judy Garland gần như phải xây dựng lại tiếng tăm trên những sân khấu nhạc kịch của Broadway. Một lần nữa, với nghị lực hiếm có và tài năng xuất chúng, bà giành giải Tony đặc biệt cho những đóng góp vào thể loại kịch vui vaudeville vào năm 1952. Sau đó, bà nhiều lần quay lại sân khấu kịch cho đến năm 1967, chỉ hai năm trước khi bà qua đời.
Năm 1962, Judy Garland trở thành người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Album của năm tại giải Grammy với Judy at Carnegie Hall. Album không chỉ giúp bà lập nhiều kỷ lục mà còn đóng góp vào chiến thắng của bà tại Giải thưởng Cecil B. DeMille thuộc lễ trao giải Quả cầu vàng. Garland cũng được xướng tên ba lần trong mục đề cử của giải Emmy, một lần trong hạng mục Nữ ca sĩ xuất sắc nhất (1956) và hai lần cho loạt chương trình âm nhạc The Judy Garland Show (1962 và 1964).
Tuy vậy, môn nghệ thuật thứ bảy, bệ phóng cho sự nghiệp của Garland lúc thiếu thời đã không mỉm cười với bà. Đêm trao giải Oscar năm 1955, đài NBC túc trực ngay bên phòng bệnh của Judy Garland sau khi bà hạ sinh con trai út, Joe. Như rất nhiều phóng viên giàu kinh nghiệm khác của Hollywood, các nhân viên vài NBC tin chắc Garland sẽ đem về giải Oscar danh giá dành cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Màn biểu diễn thấm đẫm cảm xúc trong A star is born (1955) là minh chứng cho tài năng phong phú, ít ai bì kịp của bà.