Chuyên mục  


Với các thiết bị công nghệ hiện đại, các nhà khoa học đã tìm thấy lượng chì và nhiều chất độc khác trên tóc của nhà soạn nhạc Beethoven. Họ cho rằng, những chất độc này có thể đến từ rượu vang hoặc các nguồn khác.

Lúc 7 giờ tối, ngày 7/5/1824, Ludwig van Beethoven, khi đó 53 tuổi, bước lên sân khấu của Nhà hát Kärntnertor ở Vienna để chỉ huy Bản giao hưởng số 9 của ông, cũng là bản giao hưởng cuối cùng mà ông thực hiện. Buổi biểu diễn đó thật khó quên về nhiều mặt, nhưng có một sự cố ở đầu chương thứ hai đã tiết lộ cho khoảng 1.800 khán giả rằng nhà soạn nhạc đáng kính đã điếc nặng.

Theo ông Ted Albrecht, Giáo sư danh dự về âm nhạc học tại Đại học bang Kent ở Ohio và là tác giả của cuốn sách gần đây về Bản giao hưởng số 9, đã mô tả khung cảnh này như sau: "Chương II của Bản giao hưởng số 9 bắt đầu với tiếng trống lớn và đám đông cổ vũ cuồng nhiệt, nhưng Beethoven không hề biết đến tiếng vỗ tay nồng nhiệt từ dưới khán phòng và vẫn đứng quay lưng về phía khán giả. Đúng lúc đó, một nghệ sĩ độc tấu nắm lấy tay áo ông, xoay ông lại để đón nhận sự nồng nhiệt từ khán giả.

07beethoven-lead-hwlc-superjumbo-17151601513901218476235.jpg

Hai lọn tóc của nhà soạn nhạc Bethoven

Thực tế, Beethoven đã bắt đầu bị mất thính giác từ khi ở tuổi đôi mươi.

Nhưng tại sao ông lại bị điếc? Và tại sao ông luôn bị đau bụng, đầy hơi và tiêu chảy?

Một nhóm người hâm mộ và các chuyên gia đã tranh luận và đưa ra nhiều lý thuyết khác nhau: Đó có phải là bệnh xương Paget, bệnh ở hộp sọ có thể ảnh hưởng đến thính giác? Hội chứng ruột kích thích có gây ra vấn đề về đường tiêu hóa? Hoặc có thể ông đã mắc bệnh viêm tụy, tiểu đường hoặc bệnh thận?

Cuối cùng, ngày 7/5 vừa qua, tròn 200 năm ngày Beethoven qua đời, việc phát hiện ra chì và các chất độc hại khác trong tóc của nhà soạn nhạc đã có thể lý giải được nguyên nhân cho những căn bệnh trên của ông.

Cách đây vài năm, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng phân tích DNA đã đủ tiến bộ để phân tích một số lọn tóc của Beethoven. Khi ông hấp hối, một số người hâm mộ đau khổ đã cắt một số lọn tóc ra khỏi đầu ông. Vì vậy, William Meredith, Giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Beethoven Ira F. Brilliant tại Đại học bang San Jose, bắt đầu tìm kiếm những lọn tóc của Beethoven tại các cuộc đấu giá và trong các viện bảo tàng. Cuối cùng, ông và các đồng nghiệp đã tìm được 5 lọn tóc được phân tích DNA xác nhận là của nhà soạn nhạc.

Kevin Brown, một doanh nhân người Australia hâm mộ Beethoven, sở hữu ba lọn tóc và muốn thực hiện yêu cầu của Beethoven vào năm 1802 rằng: Khi ông qua đời, hãy cố gắng tìm ra lý do tại sao ông lại ốm nặng như vậy. Ông Brown đã gửi hai lọn tóc của nhà soạn nhạc đến một phòng thí nghiệm chuyên ngành tại Mayo Clinic, nơi có trang thiết bị và chuyên môn để kiểm tra kim loại nặng.

Paul Jannetto, giám đốc phòng thí nghiệm, cho biết kết quả thật đáng kinh ngạc: một trong những lọn tóc của Beethoven có 258 microgam chì trên mỗi gam tóc và lọn tóc còn lại có 380 microgam. Mức bình thường trong tóc là dưới 4 microgram chì/gram. Tóc của Beethoven cũng có nồng độ asen cao gấp 13 lần mức bình thường và mức thủy ngân cao gấp 4 lần mức bình thường. Nhưng đặc biệt, lượng chì cao có thể gây ra nhiều bệnh tật cho ông, Tiến sĩ Jannetto cho biết.

07beethoven-lead-02-jumbo-1715160199379906665839.jpg

Tranh vẽ nhà soạn nhạc Bethoven

Các nhà điều tra, bao gồm Tiến sĩ Jannetto, ông Brown và Tiến sĩ Meredith, mô tả những phát hiện của họ trong một bức thư đăng hôm thứ Hai trên tạp chí Hóa học lâm sàng.

David Eaton, nhà nghiên cứu chất độc và là Giáo sư danh dự tại Đại học Washington, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: Các vấn đề về đường tiêu hóa của Beethoven "hoàn toàn phù hợp với ngộ độc chì". Ông nói thêm về bệnh điếc của Beethoven: liều lượng chì cao sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh và có thể phá hủy thính giác của ông.

Không ai cho rằng nhà soạn nhạc đã bị đầu độc một cách có chủ ý. Tuy nhiên, Jerome Nriagu, một chuyên gia về ngộ độc chì trong lịch sử và là Giáo sư danh dự tại Đại học Michigan, cho biết, chì đã được sử dụng trong rượu vang, thực phẩm cũng như trong thuốc và thuốc mỡ ở châu Âu thế kỷ 19.

Các nhà khoa học cũng cho rằng, rượu rẻ tiền có thể là nguyên nhân khiến cơ thể Beethoven có hàm lượng chì cao. Chì ở dạng chì axetat, còn gọi là "đường chì", có vị ngọt. Vào thời Beethoven, nó thường được thêm vào rượu kém chất lượng để làm cho rượu ngon hơn.

Tiến sĩ Nriagu cho biết, rượu vang cũng được lên men trong ấm được hàn bằng chì, chất này sẽ rỉ ra khi rượu để lâu. Ông cho biết thêm, nút chai rượu vang đã được ngâm trước trong muối chì để bịt kín.

Beethoven uống rất nhiều rượu, khoảng một chai mỗi ngày, và sau này thậm chí còn uống nhiều hơn vì tin ông rằng nó tốt cho sức khỏe, và ông đã nghiện rượu. Trong vài ngày cuối cùng trước khi ông qua đời ở tuổi 56 vào năm 1827, bạn bè đã mời ông từng thìa rượu. Thư ký và người viết tiểu sử của ông, Anton Schindler, đã mô tả cảnh tượng trên giường bệnh: "Ông ấy vẫn uống từng thìa rượu cho đến khi qua đời." Khi ông nằm trên giường bệnh, nhà xuất bản đã tặng ông một món quà là 12 chai rượu. Lúc đó, Beethoven biết rằng ông không bao giờ có thể uống được số rượu đó nữa và đã thì thầm: "Đáng tiếc, đáng tiếc, đã quá muộn!"

Đối với một nhà soạn nhạc, điếc có lẽ là nỗi đau khổ tồi tệ nhất.

Ở tuổi 30, 26 năm trước khi qua đời, Beethoven đã viết: "Trong gần 2 năm, tôi đã không tham gia bất kỳ hoạt động xã hội nào, chỉ vì tôi thấy không thể nói với mọi người rằng: Tôi bị điếc. Nếu tôi làm nghề khác, có lẽ tôi có thể đương đầu với bệnh tật của mình, nhưng trong nghề của tôi thì đó là một bất lợi khủng khiếp".

Trong nhiều năm, Beethoven đã tham khảo ý kiến của nhiều bác sĩ, thử hết cách này đến cách khác cho những căn bệnh và chứng điếc của mình, nhưng không thấy thuyên giảm. Có thời điểm, ông đã sử dụng thuốc mỡ và uống 75 loại thuốc, nhiều loại trong số đó rất có thể có chứa chì.

Năm 1823, ông viết thư cho một người quen, cũng bị điếc, về việc ông không thể nghe được, gọi đó là một "điều bất hạnh nặng nề" và tỏ ra tuyệt vọng vì các bác sĩ không tìm được nguyên nhân.

Bản giao hưởng số 9 của Beethoven rất có thể là một cách để dung hòa nỗi đau buồn của ông với nghệ thuật. Trong những năm sau đó, Bản giao hưởng số 9 đã làm hàng triệu người xúc động sâu sắc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020