Chuyên mục  


Từng có những hoài nghi, cho rằng "bom tấn" Quỳnh Búp Bê chỉ là cú ăn may cực mạnh của Thu Quỳnh. Người ta nghĩ rồi ở những phim sau, nàng kiều nữ kiểu gì cũng sẽ "chết vai" vì hình tượng "gái ngành" Thu Quỳnh diễn nó đặc sắc quá. Nhưng một năm sau, cú chuyển mình với nhân vật Huệ của Thu Quỳnh trong Về Nhà Đi Con thực sự khiến khán giả quá sốc.

Trong số ba đứa con của ông Sơn (NSƯT Trung Anh), Huệ (Thu Quỳnh) là trường hợp bị khán giả phản ứng dữ dội từ khi mới lên sóng. Ở những tập đầu, cô ấy khiến tất cả phát điên vì nhu nhược, yếu đuối và cam chịu. Rồi đến giữa phim lại mang đến cho khán giả hả hê trước những quyết định dành cho chồng. Sau cùng, lại là sự xót xa khi Huệ thấy hạnh phúc mà không dám bước tới. Thế nhưng ít ai biết rằng, người phụ nữ bạn chê không biết nghĩ ấy lại là người nghĩ nhiều và thấu đáo nhất trong dàn nhân vật của Về Nhà Đi Con.

My Sói khiến sự cáu kỉnh như ám vào mình, còn với Huệ tôi nhẹ nhàng bánh bèo hẳn ra!

Huệ yếu đuối khác hẳn với vai diễn trước của Thu Quỳnh, vì sao bạn lại nhận vai này?

Với tôi Huệ không yếu đuối, cô ấy rất lí trí, mạnh mẽ nhất trong số ba đứa con của ông Sơn. Khi phát hiện Thư có bầu, chỉ một câu của Huệ "em phải cân nhắc kĩ việc giữ lại đứa bé hay không?". Ở thời điểm ấy, Huệ là người duy nhất nghĩ đến chuyện này.

Nhưng rõ ràng Huệ rất nhập nhằng "bánh bèo" trong chuyện của ông Quốc đấy chứ?

Sau li hôn, ai cũng cần bờ vai để chia sẻ, đó là thời điểm mà người ta dễ sa ngã nhất. Huệ có cảm tình với Quốc, nhưng đã vượt qua cảm xúc cá nhân để không làm tổn thương em. Huệ là người mạnh mẽ, vì có thể dùng lí trí dứt được tình yêu để lựa chọn gia đình.

Liên tiếp có 2 vai My Sói và Huệ thành công, cuộc sống của bạn có thay đổi nhiều không?

Nhiễu loạn một chút chứ! Nhưng trong tâm lí thôi. Sẽ có vài người cười bảo diễn viên sao dễ nhập vai rồi ám ảnh đến thế? Nhiều người nhận vai này rồi vai khác, họ xả rất nhanh, nhưng với tôi chuyện ấy khó thật. Ít nhất cũng vài tháng để cân đối lại. Khi đóng My Sói, sự cáu kỉnh như ám vào mình. Còn Huệ, tôi lại bánh bèo, nhẹ nhàng hẳn ra!

Bạn tìm hiểu về Huệ như thế nào?

Tôi lo lắm vì từng thất bại kiểu "bánh bèo" này rồi. May là kịch bản Về Nhà Đi Con rất tốt, twist liên tục nên tôi phải tận dụng IQ hết mức có thể. Với Huệ, tôi phải chọn những trang phục khác người, xấu hơn cả "thời trang phụ sản". Nếu mặc áo phông, quần bò thì cô ta lại thời thượng, như người mẫu quá!

Bạn có nghĩ khán giả thương Huệ vì cô ta khóc quá nhiều không?

Tôi không chắc lắm. Trong ba chị em, chuyện của Thư rất "drama", hợp giới trẻ, Ánh Dương sôi nổi, vui nhộn. Huệ lại là nốt trầm, mệt mỏi. Nhưng nhờ cách cô ấy thể hiện bên ngoài, khán giả yêu quý. Thậm chí tôi còn nhận được những tin nhắn của khán giả nói: "Chị Huệ ơi chị làm chị em nhé".

Bạn có nghĩ biên kịch có phần hà khắc với cuộc đời Huệ?

Huệ thuộc tuýp phụ nữ điển hình trong xã hội: Không quyết đoán, nhập nhằng giữa đi hay ở, yêu hay không yêu và không dám vượt qua chính mình. Nhưng cô ấy là mảnh ghép quan trọng. Đạo diễn còn nói với biên kịch rằng: "Em phải viết làm sao không được để hỏng nhân vật Huệ của anh".

Ai cũng nghĩ đời Huệ khắc nghiệt, nhưng tôi nghĩ mọi sự không may mắn của Huệ chính là do cô ấy chọn.

Ví dụ như cô ấy chọn không đến với ông Quốc?

Mọi người cứ đẩy thuyền Huệ với Quốc. Nhưng tôi nghĩ cô ấy vừa mới bước khỏi ra khỏi hôn nhân, vẫn chưa ráo nước, làm sao đến với người đàn ông khác ngay được? Chuyện đời vốn "chim sợ cành cong", không thể nào Huệ rung động dễ dàng được. Đó là lí do vì sao đến giờ phút này, Huệ có tình cảm nhưng không dám đến với Quốc.

Người như Huệ thì sao dám liều lĩnh yêu đương được?

Ở Về Nhà Đi Con có tận ba người đàn ông si mê Huệ. Chị có nghĩ cô ấy rất đào hoa nhưng không may mắn?

Đúng, nhưng đào hoa không có nghĩa là hạnh phúc. Huệ từ bỏ Thành, đến với Khải hay từ chối Quốc đều vì gia đình. Cô ấy có cơ hội để chấm dứt cuộc hôn nhân, ngoài kia nhiều người bất hạnh đến mức không dứt sự đau khổ ấy. Như vậy chẳng phải Huệ là người may mắn sao?

Nhìn đúng ra, Thư kém may mắn hơn Huệ, cô ấy có chồng, có gia đình, có con và chưa bao giờ nhận được tình yêu cả.. Cũng xinh đẹp, sắc sảo, có những người đàn ông vây quanh, nhưng cũng chỉ là những người muốn lợi dụng cô ấy, hoàn toàn không có tình yêu.

Nhưng Huệ chỉ vui khi có ai đó bên cạnh, phải chăng hạnh phúc của Huệ phải phụ thuộc vào đàn ông?

Một người chị sống thay cả cho mẹ như Huệ sẽ không thể yên tâm mà nghĩ đến hạnh phúc cá nhân. Hạnh phúc của cô ấy là gia đình, chứ không phải ai khác. Qua nhân vật của mình, những ai đang sống như Huệ có thể khách quan về chính cuộc đời của mình.

Quốc thực sự là người rất vì gia đình mà, rất hợp với Huệ đấy chứ?

Huệ có nhiều nỗi sợ lắm! Khi rơi vào tình huống trớ trêu như vậy, người chị nào cũng sẽ đắn đo, huống hồ là người chị vì em mà dám hy sinh mọi thứ như Huệ thì sao dám liều lĩnh yêu đương được? Lựa chọn cuối cùng của Huệ vẫn là người có thể chia sẻ những nỗi lo cho gia đình.

Nghĩ cho Dương nhưng lại bị em hiểu nhầm, Huệ cảm thấy thế nào?

Nếu ngoài đời tôi đánh nó là cái chắc, với một người như Huệ thì lúc đấy sự đau đớn, tan nát trái tim sẽ nhiều hơn. Cảm giác khi một người em mình dành tất cả tình yêu thương cho dám xưng tôi với mình vô cùng đau lòng.

Chị có nghĩ khi phụ huynh dùng đến bạo lực là lúc họ đã bất lực với con?

Nhìn tổng quan, Về Nhà Đi Con có đề cập đến cách dạy dỗ con cái, anh chị em trong gia đình. Người chọn bạo lực như bố Sơn, có người chọn chửi mắng như Thư, nhưng ít người có thể chọn cách như Huệ. Khi bộ phim cùng trưng ra ba phương án, khán giả sẽ lựa chọn phương án nào là khách quan nhất, dễ chạm đến trái tim và thay đổi con người nhất

Như bố Sơn quát Ánh Dương, ông gặp phản ứng ngược từ Dương, cô bé nghĩ rằng bố ghét mình. Cách nói của Thư bốp chát, nhưng thể hiện được sự gần gũi, tức là chị em không có giới hạn như hai người bạn mắng nhau, nhưng sẽ tạo cái "tôi" cho Dương. Còn Huệ thể hiện là một người chị, cách tiếp nhận của Ánh Dương sẽ phải nhìn Huệ với sự tôn trọng với người ở trên.

Tôi vẫn đang trên con đường tìm kiếm "cái chất" của mình

Trước và sau phân cảnh bị Khải cưỡng hiếp, Thu Quỳnh đã chuẩn bị gì cho bản thân?

Đây là cảnh phát sinh do chúng tôi tự nghĩ, không có trong kịch bản, nếu chỉ là Khải đòi hỏi và Huệ từ chối thì mọi chuyện đơn giản quá. Trong khi đàn ông có tính sở hữu rất lớn, thậm chí lúc đấy đã có người thứ ba xuất hiện rồi, kể cả có đúng hay không, mặc định trong đầu anh Khải vẫn Huệ ngoại tình. Vậy bản năng sở hữu của người đàn ông phải được đẩy lên đỉnh điểm. Vì chủ động, nên tôi cảm thấy không quá khó với phân cảnh này.

Từ "cưỡng bức" dùng trong hoàn cảnh ấy có thực sự phù hợp không?

Có khá nhiều ý kiến phản đối từ "cưỡng bức" trong một mối quan hệ vợ chồng, nhưng từ đấy lại rất đúng trong hoàn cảnh của Huệ. Không phải cứ là vợ chồng thì chuyện đó lúc nào cũng được đồng thuận. Cảm giác cực hình đối với người phụ nữ, cũng chính là thứ gọi là "bi kịch của hôn nhân" xảy đến khi người phụ nữ không muốn gần gũi nhưng chồng bắt họ phải làm vậy.

Nhưng tại sao Huệ không dám đương đầu với hai chữ khó nghe ấy?

Tình huống này không phải ai cũng dám đối diện bởi đây là một chuyện vô cùng tế nhị, có những người sẽ nuốt chuyện ấy vào trong như Huệ. Đây là nhân vật có thể bóc tách được hết góc khuất khổ sở của những người phụ nữ đang sống trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc.

Thành công của Về Nhà Đi Con có khiến Thu Quỳnh bị "giới hạn" ở những vai diễn tiếp theo?

Với diễn xuất, tôi không tham lam mong có thể hiện được toàn bộ khía cạnh của phụ nữ.Tôi chỉ nhắm cho mình một hình tượng và thể hiện cho thật tốt thôi. Ví dụ như trong Quỳnh Búp Bê, My Sói là điển hình cho một người phụ nữ rất bất mãn về cuộc sống, có mắt nhìn rất tiêu cực. Còn Huệ là một người phụ nữ khép kín nhưng cực kì sắc bén, biết hi sinh và lí trí. Tôi sẽ có những gia đình mới, những người chồng màn ảnh mới, cái tên Thu Quỳnh sẽ cố gắng để khán giả thực sự được thuyết phục.

Làm tắc kè hoa thì khó định hình cái tôi cá nhân, chị không lo lắng sao?

Điều hạnh phúc nhất giờ phút này là khán giả nhớ đến tôi là một diễn viên đảm nhận được nhiều vai. Quan điểm của tôi với sự nghiệp là không bao giờ muốn đóng đinh mình trong một dạng vai nào cả. Tôi vẫn đang trên con đường tìm kiếm "cái chất" của mình, đâu là đất diễn cho mình phát triển. Nhưng cũng có thể tôi sẽ không bao giờ tìm được có khi, Thu Quỳnh rồi sẽ trở thành một người "đa sắc diễn" thì sao?

Cám ơn Thu Quỳnh đã nhận lời phỏng vấn, hi vọng sớm gặp lại chị ở những dự án truyền hình tiếp theo!

Về Nhà Đi Con lên sóng lúc 21:00 trên VTV1 các ngày thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020