Chuyên mục  


NSƯT Thành Trí và NS Công Hậu

NSƯT Thành Trí trút hơi thở cuối cùng lúc 6 giờ ngày 8-5, hưởng thọ 82 tuổi. Ông ra đi là sự mất mát lớn đối với sân khấu Việt Nam.

NSƯT Ca Lê Hồng nhớ lại: "Hà Nội năm 1973 đã đón các nghệ sĩ được đào tạo ở Nga trở về. Anh xuất hiện như một luồng gió mới, lối diễn xuất giản dị trong động tác, cô đọng và truyền cảm bằng ngôn ngữ tượng hình, vai Kis trong vở "Hòn đảo Thần vệ nữ" của NSƯT Thành Trí trên sân khấu kịch nói Nam Bộ không chỉ biểu hiện "lời ngầm" qua giọng nói, theo "học thuyết lời ngầm" của Stanislapski, mà anh đã diễn bằng cả những động tác chuyển động, tạo hình bằng tiết tấu của cuộc sống sân khấu, tạo sự tương tác giao lưu một cách nhuần nhuyễn. Anh là một người nghệ sĩ tài hoa, trước khi học đạo diễn anh là một diễn viên giỏi biết cách khai thác tận cùng tâm lý nhân vật và hết sức chi tiết trong cách thể hiện tính cách nhân vật. Trong giảng dạy, NSƯT Thành Trí thường phân tích Tôpstônôgôp có nói: "Kịch hiện đại là loại kịch ít lời". Cha ông ta đã có nhiều "miếng trò" vốn rất tiết kiệm lời, đã thu hút cảm quan của công chúng bằng kỹ xảo diễn xuất, như lớp trò mô tả sự biến trong vở "Đào Tam Xuân". Nhân vật nghe tin chồng chết với cách diễn ước lệ, tượng trưng, nghệ sĩ hát bội đã chinh phục tâm trí người xem. Hoặc anh nói, các "miếng" Mạnh Lương bắt ngựa, Thần nữ dâng Ngũ linh kỳ,… là những tích trò kiệm lời, đi trước thời đại chỉ bằng diễn xuất mà không cần ngôn ngữ. Anh đưa những điều được học, được trải nghiệp, đưa sân khấu hiện đại châu Âu với xử lý không gian sân khấu theo lối ước lệ để áp dụng vào giảng dạy, nên ngày nay mới có một thế hệ nghệ sĩ, đạo diễn giỏi là học trò của anh như: Thành Hội, Khánh Hoàng, Hữu Luân, Đoàn Khoa, Lê Thụy…".

Đạo diễn - NSƯT Thành Trí luôn nghiên cứu cách diễn, cách dựng và cách giảng dạy, nên đối với ông nét tương đồng giữa sân khấu cổ truyền Việt Nam với sân khấu hiện đại thế giới về nghệ thuật xử lý không gian ước lệ đã là điều mà ông khám phá cực kỳ lý thú.

"Thầy tôi luôn kết hợp hai trường phái: Stanislapski và Bertolt Brecht để giảng dạy cho học trò. Từ sau ngày 15-5-1975, trở về Nam, lúc này trên cương vị Phó đoàn – chỉ đạo nghệ thuật đoàn kịch nói Cửu Long Giang – Đoàn kịch nói Nam bộ cũ, đồng thời, ông và các đồng nghiệp "tiếp quản" trường Nghệ thuật Sân khấu 2 - tiền thân của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM ngày nay, ông đã là một trong những người thầy đầu tiên truyền "bí kíp" cho lớp nghệ sĩ trẻ chúng tôi để sau này làm nghề một cách chuyên nghiệp. Có người hiện nay đã đi dạy học, là thầy của nhiều diễn viên trẻ" – NS Phương Dung xúc động nói.

Với nghệ sĩ Xuân Hương, chị nhớ hoài kỷ niệm các học trò nghèo hồi đó được thầy Thành Trí dắt vô nhà hát diễn vai quần chúng. "Thầy luôn tâm sự, kể từ ngày tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu ở Nga về nước thầy Thành Trí đã có trên 50 vai từ sân khấu đến điện ảnh, truyền hình. Có vở thầy đóng 2-3 vai một đêm như: "Đồng hồ chuông điện Kremlin". Có vai thầy giả gái, yểu điệu trang phục, hóa trang cầu kỳ. Tạo ấn tượng mạnh đó là vai mụ bán mỡ mà ít ai nhận ra là nam diễn viên giả gái, khi thì thầy duyên dáng tạo nét hài trong vai anh thợ sửa đồng hồ. Thầy luôn dạy chính nét thanh xuân mà người nghệ sĩ tạo cho vai diễn hàng đêm sẽ góp làm tăng "tuổi thọ" sáng tạo cho người nghệ sĩ" – NS Xuân Hương tâm sự.

NSƯT Thành Trí trong một bộ phim cùng đóng với các học trò

Nhận xét về các vai diễn của NSƯT Thành Trí, đạo diễn Thế Ngữ nói: "Ông ấy đã ra sân khấu thì vai nào cũng đặc sắc, ấn tượng. Ông có biệt tài khắc họa dấu ấn cho mỗi nhân vật, bất kể đó là vai chính hay vai phụ. Một thiếu tá an ninh mật vụ trong vở "Tình ca" (tác giả Nguyễn Vũ – đạo diễn cố NSƯT Bạch Lan); một Trần Trung Hiếu trong vở "Thanh gươm và bà mẹ" (tác giả (TG) Phan Vũ – đạo diễn (ĐD) cố NSND Đào Mộng Long); một đại úy Tiền trong "Người ven đô" (TG - đại tá Minh Khoa)… Khán giả cổ vũ, bạn đồng nghiệp mê đắm, còn các học trò đều phục tài nắm bắt tâm lý, diễn xuất thần của thầy Trí. Tôi còn nhớ vai phản biện như thiếu tá an ninh mật vụ ông bóc tách "hạt nhân" của nhân vật khiến bạn nghề nể phục. Vì ông nghĩ diễn cái ác đâu thể chỉ là diện mạo ghê gớm mà cái ác phải hiện hữu từ nội tâm".

Với NSƯT đạo diễn Trần Minh Ngọc, ông nhìn nhận sức thuyết phục vai diễn Huỳnh Văn Đại (tức Lê Kinh) của NSƯT Thành Trí trong vở kịch "Bông hồng trắng" (TG Lê Duy Hạnh – Văn Thành – ĐD NSƯT Thành Trí) quả là đáng nể. Gương mặt có những nếp và cơ luôn chuyển động. Ánh mắt xoáy hiểm ác như dao lê khoét vào bí mật cá nhân của "Nga Lung Linh" – nạn nhân và cũng là nô lệ của y. Những lớp diễn tự sự của nhân vật Nga – cô nữ sinh trong trắng thuở chưa sập bẫy tên C.I.A trá hình Huỳnh Văn Đại nhờ vậy mà sâu sắc, cay đắng hơn bởi ánh mắt dò xét của nhân vật Huỳnh Văn Đại. Anh còn có nhiều vai diễn hay như: Thầy Chín trong phim "Vụ án viên đạn lạc"; Thiếu tá Cự trong "Con thú tật nguyền"; Tư Kiểng trong phim "Đám cưới chạy tang"…

"Các nghệ sĩ gắn bó sân khấu hài luôn nhớ ơn đạo diễn - NSƯT Thành Trí. Ông là người luôn tạo tiếng cười hóm hỉnh, nhận thức rất rõ việc xây dựng cuộc sống mới – con người mới là phải bằng hình thức giáo dục nhẹ nhàng, vui vẻ qua các chương trình "Tiếng cười sân khấu". "Từ ý thức đó ông đã dựng nên những vở kịch vui, kéo khán giả đến với sân khấu xem các vở: "Coi mắt", "Người tình trễ xe" và "Cơn bão cuối cùng". Với đoàn kịch nói Kim Cương, hai vở "Người tình trễ xe" do tôi viết kịch bản và vở "Cơn bão cuối cùng" của tác giả Trương Quốc Khánh đều là vở "ăn khách". Tiếc thương anh, một tài năng lớn của sân khấu kịch nói" – NSND Kim Cương tâm sự.

NSƯT Thành Hội là học trò của NSƯT Thành Trí, anh vẫn tiếp tục truyền nghề cho thế hệ diễn viên trẻ, đi theo con đường của thầy mình, chăm chút chi tiết cho các tác phẩm sân khấu.

Giai đoạn từ 1975 - 1984 với cột mộc "Thành phố 10 mùa hoa", NSƯT Thành Trí đã dàn dựng khoảng 30 vở diễn đủ thể loại chính kịch – hài kịch - ngắn như: vở cải lương "Ánh lửa rừng khuya" (đoàn Sài Gòn 2); "Phụng và Hoàng" (Sài Gòn 3); "Người ven đô" (Đoàn Sài Gòn 1), "Bông hồng trắng", "Xa thành phố yêu dấu" (Đoàn kịch nói Cửu Long Giang); "Người nữ anh hùng" - tiết mục được tặng Huy hiệu Đại hội Đảng lần thứ IV (TG Thành Trí – Minh Khoa – ĐD Thành Trí) đoàn kịch Cửu Long Giang dàn dựng trên sân khấu Đài truyền hình TP HCM; "Dòng sông đầm lầy" - đoàn Văn Công TP (1982); "Gió rừng tràm" (TG chuyển thể: Thành Trí - Huỳnh Chinh) soạn theo tiểu thuyết "Rừng U Minh" – ĐD Thành Trí dựng cho Đài HTV… ông đã tạo nhiều ấu ấn đẹp trong lòng khán giả.

Nói theo lời NSND Kim Cương, hành trình nghệ thuật của người nghệ sĩ "5 trong 1": diễn viên - đạo diễn - quản lý chỉ đạo nghệ thuật, tác giả, giảng dạy đã về đến đích một cách mỹ mãn.

NS Hoàng Trinh trong vở "Bí mật vườn Lệ Chi" - cô là người đã có nhiều kỷ niệm với thầy Thành Trí trong những ngày đầu vào nghề

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020