Chuyên mục  


* Bài tiết lộ một phần nội dung phim

trailer-chinh-cua-ngay-xua-co-mot-chuyen-tinh-1728290296.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lZamY5HN5igARfRNRbD6pg
Trailer chính của "Ngày xưa có một chuyện tình"

Trailer "Ngày xưa có một chuyện tình" - ra rạp từ ngày 25/10. Video: CJ

Lấy bối cảnh miền Trung cuối thập niên 1980 - đầu những năm 2000, phim khắc họa tình yêu, tình bạn của bộ ba nhân vật Miền (Ngọc Xuân), Vinh (Avin Lu), Phúc (Nhật Hoàng) từ thời niên thiếu đến lúc trưởng thành.

So với truyện gốc - từng là ấn phẩm ăn khách năm 2016, phim không thay đổi nhiều trong cách kể chuyện. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh giữ trình tự diễn biến đan xen giữa hiện tại và quá khứ, mở màn với cảnh Phúc trở về quê nhà sau nhiều năm tha hương. Dòng ký ức dần tua ngược về những năm tháng Phúc "đuôi tôm" và Vinh "còm" là bạn thân dưới mái trường nghèo. Họ từng bị phạt quỳ dưới trụ cờ vì đánh nhau trong trường, chịu những trận roi khi bẻ trộm ngô nướng, làm cháy một góc rẫy.

Nhưng lên cấp ba, đôi bạn cùng thích một cô gái. Vinh "còm" yêu đơn phương Miền song ánh mắt cô chỉ hướng về phía Phúc - chàng trai rắn rỏi, mạnh mẽ. Họ trải qua những cung bậc phức tạp, đứng trước lựa chọn giành lấy hạnh phúc cá nhân hay gìn giữ tình bạn chân thành, non nớt của tuổi mới lớn.

Ngọc Xuân - đóng Miền - lần đầu chạm ngõ điện ảnh với vai chính. Ảnh: Thanh Hạnh

Về tổng thể, tác phẩm có lối dẫn chuyện nhịp nhàng, thủ pháp ghi hình duy mỹ. Trịnh Đình Lê Minh gặp thách thức khi chuyển thể một cuốn truyện được kể từ góc độ của cả ba nhân vật. Đạo diễn chọn điểm nhìn từ Vinh, Phúc lẫn Miền, thỉnh thoảng để họ tự thuật lại câu chuyện. Từ đó, khán giả có cơ hội hiểu hơn về hoàn cảnh từng người, đồng cảm hoặc phản đối trước những lựa chọn của họ.

Ở hồi đầu - thời niên thiếu, phim tạo cảm giác chậm rãi, có phần dông dài khi dẫn nhập vào câu chuyện. Bước sang hồi hai, phim lôi cuốn hơn với những cảm xúc yêu đương chớm nở, giằng co nội tâm của mối tình tay ba. Ở nhiều khung hình, đạo diễn không dùng thoại, để ngôn ngữ điện ảnh cất tiếng, như cách Vinh ngẩn ngơ nhìn Miền đang say sưa đọc sách, bàn chân của Phúc và Miền khẽ chạm nhau trong làn nước suối trong veo.

Đạo diễn đưa vào phim nhiều câu văn "đinh" trong truyện gốc, như "Tình bạn là mảnh đất phù hợp nhất để tình yêu gieo xuống hạt giống của mình...". Ngoài ra, anh có những biến tấu trong kịch bản, nhấn nhá ở cách quay để tạo dấu ấn cá nhân. Câu chuyện về người cha say xỉn của Miền được giản lược để khắc họa rõ hơn hành trình trưởng thành về tâm lý. Nghề nghiệp, hoàn cảnh một số nhân vật được thay đổi, phù hợp với diễn biến.

Hai cảnh "nóng" trong tác phẩm cũng là thử nghiệm táo bạo của Trịnh Đình Lê Minh. Trong truyện, Nguyễn Nhật Ánh lần đầu miêu tả cảnh nam nữ gần gũi, đồng thời đi vào các tình tiết nhạy cảm hơn nhiều cuốn trước đó. Lên màn ảnh, đạo diễn chọn lối quay giàu ẩn ý. Nếu cảnh giữa Phúc và Miền diễn ra trong đêm mưa bão, dự báo tương lai bất trắc, phân đoạn của Vinh và Miền lại nhẹ nhàng, vỗ về, xoa dịu nỗi đau cho nhau.

Khâu cảnh trí, mỹ thuật của phim được chăm chút. Dự án quay phần lớn ở Phú Yên, với hình ảnh nhóm nhân vật đạp xe bên ruộng lúa chín, dưới ánh hoàng hôn, trao nụ hôn đầu giữa rừng suối. Ngôi làng Phô Thị trong truyện hiện lên thanh bình qua dãy tường vàng, ngói phủ rêu. Nhà sản xuất trồng 3.600 cây ngô để phục vụ các góc đại cảnh bằng fly-cam. Nhiều chi tiết cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng, như tủ sách cũ, ố vàng ở nhà ông giáo Dưỡng (nghệ sĩ Tấn Thi) - ông nội của Phúc, poster phim nhựa Vị đắng tình yêu nổi tiếng một thời.

boi-canh-thap-nien-1990-cua-ngay-xua-co-mot-chuyen-tinh-1725031266.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=__imwDFucZT-duLT9oYtDg
Bối cảnh thập niên 1990 của 'Ngày xưa có một chuyện tình'

Bối cảnh thập niên 1990 của phim. Video: CJ

Dàn gương mặt chính diễn tự nhiên, tạo hình gần gũi. Avin Lu gợi hình dung về một Vinh "còm" si tình, ánh mắt luôn đau đáu vì người thương, khiến nhiều khán giả liên tưởng đến Ngạn của Trần Nghĩa trong Mắt biếc (2019). Ngược lại, Phúc của Đỗ Nhật Hoàng gây ấn tượng bởi vẻ nam tính, lanh lợi, có phần trải đời. Lần đầu đóng điện ảnh, Ngọc Xuân chiếm cảm tình người xem với nét đẹp trong trẻo, lối diễn đào sâu nội tâm. Ngoại hình các diễn viên ban đầu khá đứng tuổi khi đóng học sinh phổ thông, nhưng dần hợp vai hơn trong giai đoạn trưởng thành.

Xem suất chiếu sớm, đạo diễn Lý Minh Thắng cho biết thích cảm giác chậm rãi, từ tốn mà phim mang lại. Luân Nguyễn - tác giả sách về điện ảnh - đánh giá cao Trịnh Đình Lê Minh ở cách xây dựng nhân vật và kết nối họ với khán giả, sự ăn ý của dàn diễn viên.

Âm nhạc đôi lúc vang lên thay nỗi lòng, trở thành người dẫn chuyện. Số lượng ca khúc không nhiều nhưng được sắp xếp một cách ngụ ý. Tình tính tang - Avin Lu sáng tác, trình bày - là khúc tình si Vinh giữ kín trong lòng. Chất giọng của ca sĩ indie Tùng trong Xa (Chờ đến mùa gió)gợi màu sắc hoài niệm.Có một chuyện tình (Phan Mạnh Quỳnh) gói gọn niềm vui, nỗi đau của Vinh, Phúc, Miền từ lúc ấu thơ đến khi làm cha, mẹ.

phan-manh-quynh-ra-mv-phim-ngay-xua-co-mot-chuyen-tinh-1728710980.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hU52KA3Pe2_-_q3CNXD_2Q
Phan Mạnh Quỳnh ra MV phim 'Ngày xưa có một chuyện tình'

MV lyric "Có một chuyện tình". Video: CJ

Ở đoạn kết, trước khi các nhân vật đưa ra một quyết định then chốt, đạo diễn để họ độc thoại nội tâm. Nhiều khán giả cho rằng thủ pháp này khiến phim mất đi tính điện ảnh - vốn chú trọng kỹ thuật "show, don't tell" (chỉ thể hiện, không kể lể). Trịnh Đình Lê Minh cho biết các đoạn tâm sự này cũng xuất hiện trong truyện gốc, do đó anh muốn để bộ ba tự nói lên nỗi lòng. "Tôi hy vọng cách họ bộc bạch về việc ra đi hay ở lại, kết hợp hiệu ứng hình ảnh lẫn âm nhạc, đem đến cảm xúc cho người xem", anh nói.

Mai Nhật

Tin mới

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020