- Nhân vật Trí của anh khiến nhiều khán giả ức chế. Anh đón nhận những phản ứng về vai diễn thế nào?
- Tôi là người rất thích đọc những bình luận của khán giả về vai diễn, nhân vật. Vì thế, sau mỗi tập phim, tôi thường đăng lên trang cá nhân những hình ảnh liên quan để mọi người vào nhận xét. Thế nhưng nhiều khán giả không phân biệt rạch ròi diễn viên và nhân vật, vào Facebook chửi bới, xúc phạm tôi.
Với những bình luận khiếm nhã, tôi thường chặn họ để không phải bận tâm nhiều. Quỳnh Kool (đóng vai Ngọc) trong phim cũng là người thuộc tuyến nhân vật bị ghét giống tôi. Hai anh em hay tâm sự với nhau. Là con gái, Quỳnh nhạy cảm, dễ tổn thương hơn. Tôi thường khuyên Quỳnh cố gắng lờ đi để tập trung công việc. Tôi nghĩ khán giả xem phim có quyền thể hiện cảm xúc, nhưng cần sự tôn trọng nhất định với nghệ sĩ.
Trí không cho mẹ dây dưa với chị gái trong phim. Video: TVAD.
- Bản thân anh nghĩ gì về nhân vật của mình?
- Nếu tôi là một người xem bình thường, tôi cũng sẽ ghét Trí. Tuy nhiên, khi hóa thân nhân vật, tôi nghiên cứu, đồng cảm với nỗi đau của anh ta. Trí lớn lên ở vùng quê nghèo, không có bố, từ bé được chị song sinh chăm sóc. Một ngày, anh ta vỡ òa vì mẹ tiết lộ hai chị em là con ông chủ tập đoàn lớn. Thế nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang", bố họ thời gian sau qua đời vì tai nạn. Trí được ông nội đón về để thừa kế nhưng sau đó lại phát hiện mình không thuộc dòng họ, là chị em sinh đôi cùng mẹ khác cha với Minh. Trong khi đó, Minh vẫn được ở lại tập đoàn. Trí giống như một đứa trẻ được đưa cho chiếc kẹo nhưng hết lần này đến lần khác bị đòi lại. Vì thế, anh ta nảy sinh tâm lý ích kỷ.
Đình Tú sinh năm 1992, tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh. Ngoài đóng phim, anh hiện thử sức làm MC bản tin "Cà phê sáng" phiên bản mới, phát sóng từ ngày 12/4 trên VTV3. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
- Cảnh quay nào làm khó anh?
- Tôi nhớ cảnh tranh cãi với bà Bạch Cúc (nghệ sĩ Thu Hà) trong phim. Bà Bạch Cúc là vợ của ông Đạt - người Trí từng nhầm là bố đẻ anh. Sống trong nhà bà Cúc, Trí bị vợ, con của bố chèn ép. Trong một phân cảnh, bà Bạch Cúc thẳng tay tát anh ta. Tôi quay khoảng 10 lần để đủ các cảnh toàn, trung, cận. Tôi nói với cô Thu Hà: "Cô cứ tát thật cho cháu có cảm xúc diễn", vậy nên cái tát nào của cô cũng đau điếng. Sau cảnh phim, tôi sưng vù một bên mặt.
- Anh ấn tượng thế nào về các bạn diễn trong Hướng dương ngược nắng?
- Tôi tương tác nhiều với nghệ sĩ Vân Dung, chị Lương Thu Trang - vai mẹ, chị của Trí và Quỳnh Kool - vai Ngọc. Tôi từng đóng chung với chị Vân Dung phim Ghét thì yêu thôi và Yêu thì ghét thôi. Là nghệ sĩ "gạo cội", chị Dung nhập vai và điều tiết cảm xúc tốt, ăn ý với các diễn viên trẻ. Chị Lương Thu Trang (vai Minh) có lối diễn điềm tĩnh, tự nhiên. Chị diễn tốt các cảnh Trí vùng vằng đuổi chị gái đi, khiến nhân vật của tôi càng thêm đáng ghét. Quỳnh Kool có nhiều lợi thế so với dàn diễn viên mới, đặc biệt là ngoại hình đẹp. Tuy nhiên, những diễn viên trẻ như tôi và Quỳnh vẫn cần rèn giũa nhiều về diễn xuất.
Vân Dung đóng cùng Đình Tú, Lương Thu Trang, Quỳnh Kool ở phần đầu phim. Video: VFC.
- Anh nghĩ lý do gì khiến mình thường được chọn vào vai ngu ngơ trong các phim "Đi qua mùa hạ", "Cô gái nhà người ta", "Ghét thì yêu thôi" và hiện tại là "Hướng dương ngược nắng"?
- So với dàn diễn viên truyền hình phía Bắc, tuổi đời của tôi còn khá trẻ, tương đương với típ nhân vật này trong phim. Họ là những thanh niên mới bước vào đời, loay hoay lập nghiệp, gặp nhiều biến cố, vấp ngã rồi trưởng thành. Ngoài đời, sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh, tôi cũng từng thử kinh doanh hai lần nhưng đều thất bại. Vì thế, tôi dễ dàng nhập vai hơn. Tôi nghĩ mình phần nào thể hiện các nhân vật nhờ nét hồn nhiên, trẻ con ngoài đời. Trong tương lai, tôi muốn hóa thân những người đàn ông lịch lãm, thành đạt, là hình mẫu lý tưởng của phụ nữ - dạng vai gắn với các anh Hồng Đăng, Mạnh Trường. Tôi hay đùa: "Vài năm nữa, các anh phải chuyển sang đóng những vai trung niên rồi, đến lượt em đóng soái ca".
Hà Thu