Chuyên mục  


Mới đây, tại chương trình Dấu ấn huyền thoại, NSND Bạch Tuyết đã chia sẻ về sự nghiệp của mình thưở ban đầu.

Ba tôi nói: "Ba dạy con không tốt nên mới đòi theo xướng ca vô loài"

Tôi còn nhớ hồi mẹ tôi mất, tôi còn nhỏ và rất muốn bỏ nhà đi giang hồ, nhưng không biết đi đâu. Tôi sợ khổ. Tôi đọc tiểu thuyết thấy bảo ra ngoài sẽ bị dụ dỗ, đánh đập nên không dám đi.  

Bỗng nhiên ở Kiên Giang có một đại gia lập ra một đoàn hát. Cô đào chính đoàn đó chuẩn bị lên diễn thì bỏ sang đoàn khác vì được trả nhiều tiền hơn nên họ gọi tôi.

Tôi về nhà xin ba nhưng ba không cho đi. Ba nói: "Ba dạy con không tốt nên mới đòi theo xướng ca vô loài". Ba không muốn tôi theo nghề hát vì sợ ảnh hưởng đến thanh danh gia đình.

Tôi nghe vậy mới bảo ba cứ cho tôi đi, không cho thì tôi vẫn đi vì tôi không chịu ở nhà. Tôi đi, nếu làm đàng hoàng thì con về. Nếu hư hỏng, bê bối thì tôi tự tử chết luôn chứ không về nhà. Năm đó tôi mới 16 tuổi.

Tôi phải khai gian thêm 2 tuổi là 18 tuổi để làm giấy tờ, mới được vào đoàn hát. Vào đó, tôi được tập tuồng trong 15 ngày rồi bước lên sân khấu thay thế cô đào kia.

Nếu ai trong số các anh chị đó mà còn sống thì hãy cho tôi nói một lời biết ơn

Tôi chơi với các vũ công, người múa kiếm và thấy họ được trả lương nên nghĩ chắc họ phải múa giỏi lắm mới được trả như thế.

Thế là lúc tập tuồng xong, tôi ở lại tập múa, đấu kiếm. Mấy chị vũ công thấy tôi là đào chính mà chịu khó, lại thân thiện nên hết lòng dạy tôi. Bởi vậy nên tôi chỉ mất 15 ngày là học được.

Bây giờ, nếu ai trong số các anh chị đó mà còn sống, có xem tôi múa kiếm trên sân khấu thì hãy cho tôi nói một lời biết ơn.

Trước ngày diễn, tôi đi đường thấy hình mình bất ngờ được treo trên rạp hát nên xúc động, hạnh phúc vô cùng, đến phát khóc, nước mắt chảy rần rần.

Tôi cầm tiền trên tay mà hoảng hốt

Tôi còn nhớ, khi ấy tôi nhỏ quá, có thể chưa phát triển đầy đủ, còn phải chạy ra chợ mua áo ngực về độn vải vào cho đầy đặn lên. Trước giờ hát, tôi run lẩy bẩy tay chân, không dám ra sân khấu. Bầu đoàn phải đẩy mạnh một cái tôi mới lao ra sân khấu, suýt ngã.

Đứng trên đó, tôi hát một mạch từ đầu đến cuối, trơn tru. Hát xong khán giả vỗ tay quá trời.

Hát xong, tôi được lãnh lương. Trời ơi, đó là một số tiền quá lớn với một đứa nhỏ như tôi. Chỗ lương của tôi phải cách biệt lương của những diễn viên phụ khác đến mấy chục cây số.

Tôi cầm tiền trên tay mà hoảng hốt, chạy tới bầu đoàn hỏi: "Chú, sao chú đưa cháu nhiều tiền thế?". Tôi lo lắng, không biết ngày mai người ta có cho mình hát nữa không.

Nhưng tôi thấy như thế bất công với mọi người trong đoàn quá, cuộc sống phải công bằng, không thể cách biệt quá được.

Tôi nhìn vào những người khác trong đoàn, nghĩ họ cũng có cha mẹ, con cái mà lại phải nhận một mức lương thấp quá như thế thì sống sao.

Thế là tôi bảo bầu đoàn rằng nếu hát 3 ngày thì cho tôi nhận lương 2 ngày thôi, tiền lương 1 ngày còn lại chia đều cho mọi người trong đoàn.

Thực ra lúc đó tôi còn nhỏ, chưa biết phải trái gì đâu, chỉ nghĩ mình cần phải làm như thế. Sau này lớn lên mới biết làm như vậy là phải đạo. Đến tận bây giờ đi diễn, tôi vẫn chia cho các nhân viên hậu đài. 

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020