Jokha Alharthi, nữ tiểu thuyết gia người Oman đầu tiên có tác phẩm được dịch sang tiếng Anh, đã chiến thắng giải thưởng trị giá 50.000 bảng Anh này nhờ vào tiểu thuyết "Celestial Bodies" (tạm dịch: "Những thiên thể").
Số tiền thưởng này được chia đều cho tác giả Jokha Alharthi và dịch giả của cuốn tiểu thuyết Marilyn Booth. Dịch giả kỳ cựu 64 tuổi này hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á và Trung Đông tại UIUC, giữ chức Chủ tịch nghiên cứu ngôn ngữ Ả Rập và Hồi giáo tại Đại học Edinburgh.
Jokha Alharthi, nữ tiểu thuyết gia người Oman nhận giải Ảnh: MAN BOOKER
Trong phần giới thiệu về tiểu thuyết "Celestial Bodies", dịch giả Marilyn Booth đã chỉ ra mã cốt của tác phẩm này chính là những xung đột suốt 3 thế hệ của một gia đình, diễn ra trong bối cảnh xã hội Oman đầy biến động.
Lấy bối cảnh chính tại ngôi làng al-Awafi của Oman. Tiểu thuyết theo chân 3 chị em gái: Mayya được gả vào một gia đình giàu có; Asma phải chấp nhận một cuộc hôn nhân sắp đặt; và Khawla kiên nhẫn đợi chờ một người đàn ông đã di cư đến Canada.
Cuốn tiểu thuyết được Jokha Alharthi viết theo cấu trúc phức tạp, đan xen nhiều ngôi kể, giữa lối kể trung tính ở ngôi thứ ba là lời tự sự của doanh nhân Abdallah - người bị ám ảnh bởi sự tàn ác của cha mình. Nhưng chưa hết, "Celestial Bodies" như tên gọi của nó là tổng hòa của "những thiên thể" - những câu chuyện rời rạc cứ trôi dạt khắp cuốn sách hình thành nên một tiểu vũ trụ là xã hội Oman.
Chủ tịch ban giám khảo, sử gia Bettany Hughes, nhận xét về tác phẩm: "Nó bắt đầu trong một căn phòng và kết thúc trong một thế giới". Cuốn sách đã hé mở về một nền văn học hay rộng ra là một thế giới đầy bí ẩn. Nó không thơ mộng mà trực diện tiếp cận những vấn đề nhạy cảm mang tính lịch sử như phân biệt giới tính, chế độ nô lệ. Nó khắc họa chân dung của hết thảy các giai tầng trong xã hội, từ những gia đình nô lệ nghèo khổ nhất đến những nhà giàu mới nổi.
Bằng tài năng của mình, Jokha Alharthi đã đem nền văn học xa lạ từ một đất nước ở vùng Vịnh bước ra ánh sáng thế giới. Bà là người phụ nữ Ả Rập đầu tiên, đồng thời là nhà văn Ả Rập đầu tiên, đoạt giải thưởng mang tầm quốc tế như Man Booker. Chiến thắng của bà đồng thời là chiến thắng của nền văn học Oman hay rộng ra là thế giới Ả Rập. Độc giả sẽ dành nhiều sự quan tâm hơn đến những nền văn học như Ai Cập, Palestine, Lebanon, Morocco...
Nhà văn sinh năm 1978 này là tác giả của 3 tập truyện ngắn, 2 tiểu thuyết và 1 truyện thiếu nhi. Các tác phẩm của bà được dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, Serbia, Hàn, Ý và Đức. Năm 2016, tiểu thuyết "Narinjah" đã giúp Jokha Alharthi giành Giải thưởng Sultan Qaboos cho văn hóa, nghệ thuật và văn học.
Dĩ nhiên, khi chọn lựa trao giải thưởng cho một tác phẩm đến từ nền văn học "thiểu số" như Oman, chắc hẳn sẽ có những ý kiến cho rằng giải thưởng đã có phần "hạ cố" và hướng đến những vị lạ hơn là thật sự tôn vinh nghệ thuật. Nhưng nhìn qua danh sách chung khảo của mùa giải năm nay, có thể thấy trừ Jokha Alharthi, các nhà văn còn lại đều đến từ những nước có nền văn học lớn: Pháp, Đức, Ba Lan và Chile - những nền văn học được ghi nhận bằng Giải thưởng Nobel Văn chương.
Jokha Alharthi đã rất may mắn khi tìm được một dịch giả có khả năng chuyển tải trọn vẹn câu chuyện sống động của mình sang Anh ngữ. Không thiếu các tác phẩm dù được công nhận là kiệt tác ở quê nhà vẫn nhận lấy sự ghẻ lạnh khi xuất bản ở nước ngoài.
Chính dịch giả là những người đóng góp rất lớn cho sự phát triển của một nền văn học. Độc giả nước ngoài sẽ nhìn nhận một nền văn học bản xứ, nhất là những nước sử dụng ngôn ngữ khu biệt hay một nền văn học còn nhiều lạ lẫm, theo cái cách mà những dịch giả chuyển ngữ và giới thiệu tác phẩm đó.
Hy vọng rằng Jokha Alharthi đến từ Oman không phải là trường hợp hiếm hoi mà là hướng gợi mở cho các dịch giả phương Tây tìm đến những tác phẩm của các nền văn học xa lạ và đầy tiềm năng trên khắp thế giới.