Mùng 3 Tết Nguyên đán 2017, thời điểm các gia đình đoàn tụ thì Joey Liaw, 34 tuổi, ngồi trong nhà hàng mong được ăn tối với bố sau khi ông tan làm lúc 17h. Cô ngồi đó ba tiếng và ra về trong thất vọng.
"Tôi chờ đến mức đau dạ dày nhưng cuối cùng ông ấy lại quên lịch hẹn", Liaw kể. Ngay cả khi về nhà, cô cũng không nhận được lời xin lỗi của bố.
Đây không phải lần đầu bố Liaw thờ ơ với cô. Nhưng đó là "giọt nước tràn ly" khiến cô quyết định cắt đứt liên lạc với ông, sau khi mẹ mất nhiều năm trước.
Joey Liaw, 34 tuổi, ở Singapore đã cắt đứt mọi mối quan hệ với bố và rời khỏi nhà vào năm 2021. Ảnh: CNA/Raj Nadarajan
Liaw là một trong nhiều người con trưởng thành rời bỏ bố mẹ - người từng ngược đãi con cái khi chúng còn nhỏ.
Hiện tượng "rời bỏ bố mẹ già" trở thành chủ đề được thảo luận nhiều trên mạng xã hội của quốc đảo sư tử. Người trẻ Singapore ngày càng thẳng thắn hơn về áp lực trong gia đình, đặt ra ranh giới và bình thường hóa việc tránh xa mối quan hệ độc hại với phụ huynh.
Trên TikTok, những hashtag #nocontactwithparent (không liên lạc với cha mẹ), #raisedbynarcisists (được nuôi lớn bởi cha mẹ ái kỷ) trở nên thịnh hành. Hay chủ đề nóng trên Reddit có tên "Estranged Adult Kids" (những đứa con bị ghẻ lạnh) có khoảng 45.000 người chia sẻ trải nghiệm tương tự.
Thực trạng này nghiêm trọng đến mức tháng 7/2023 Singapore ban hành đạo luật Phụng dưỡng cha mẹ sửa đổi để bảo vệ những đứa con bị ngược đãi khỏi việc phải chu cấp cho cha mẹ.
Trong cuộc tranh luật về sửa đổi luật, nghị sĩ quốc hội Seah Kian Peng nói cứ ba trường hợp tại Tòa án cấp dưỡng cha mẹ lại có một trường hợp từng bị bố mẹ bỏ rơi, ngược đãi hoặc thờ ơ khi còn nhỏ.
Hành động cắt đứt liên lạc với phụ huynh không phải bốc đồng. Đa số người trưởng thành như Liaw đang kiếm tìm sự bình yên. Cô đã bật khóc khi nhớ lại những tổn thương trong quá khứ. Bố Liaw không nhớ ngày sinh của cô. Ông chưa từng nói "bố yêu con" và lập tức bỏ theo người phụ nữ khác ngay khi vợ mất.
"Tôi cảm thấy bố mẹ sinh con vì trách nhiệm phải 'yên bề gia thất'. Nhưng họ chưa sẵn sàng để làm cha mẹ", Liaw nói.
Đối với nhiều người, tổn thương cuối cùng khiến họ chạy trốn khỏi bố mẹ là sự hành hạ về thể xác. Một viên chức dự án trong dịch vụ công có tên Carla nói nhiều lần bị bố đánh đến chảy máu.
"Bố sẽ chửi mắng tôi nếu quên tắt đèn hành lang hay để con chó nhà hàng xóm sủa inh ỏi khi tăng ca về muộn. Ông ta liên tục hét lớn và dọa đánh tôi mỗi ngày nếu thấy khó chịu", cô gái 27 tuổi nói.
Bị bố bạo hành cũng khiến cô Oh, 32 tuổi, dọn ra ở riêng năm 2015. Ngày bé, nữ chuyên gia nhân sự nhiều lần chứng kiến mẹ bị bố đánh đập dã man. Năm 16 tuổi, cô phải nhập viện vì vấn đề sức khỏe.
"Họ (bố mẹ) cãi nhau về việc ai sẽ trả tiền viện phí trước mặt tôi. Đó là lúc tôi cảm thấy mình hoàn toàn đơn độc", Oh nói.
Carla, nhân viên dự án trong dịch vụ công ở Singapore đã rời khỏi nhà vì bị bố bạo hành. Ảnh: CNA/ Raj Nadarajan
Theo các chuyên gia, trải nghiệm tiêu cực với bố mẹ có thể ảnh hưởng đến con trẻ lúc trưởng thành dù đã cắt đứt liên lạc. Chúng cũng khiến nhận thức của họ về các mối quan hệ thân thiết và gia đình bị lệch lạc.
Như với Liaw, mối quan hệ với bố khiến cô mất niềm tin vào đàn ông. Cô luôn nghi ngờ vào trách nhiệm của họ khi xây dựng gia đình.
Chấn thương tâm lý thời thơ ấu khiến Carla không muốn sinh con. Cô lo lắng sẽ gây tổn thương cho thế hệ sau.
"Tôi sợ mình sẽ trở thành 'bà mẹ hổ' để bù đắp quá mức cho những thứ mình không có. Tôi không muốn đứa trẻ nào bị sang chấn giống như mình", Carla nói.
Riêng những tranh cãi về lòng hiếu thảo, cô Oh nói cần được thúc đẩy từ hai chiều. Cô cho rằng đôi bên cần có sự tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau. Phụ huynh không nên sinh con chỉ vì kỳ vọng mà hãy thực sự yêu thương đứa trẻ.
Chuyên gia phục hồi chấn thương Nur Adam ở Singapore cũng nhấn mạnh lòng hiếu thảo của con với cha mẹ không phải trách nhiệm mà là "có đi có lại".
"Các mối quan hệ đòi hỏi nỗ lực từ cả hai bên. Điều quan trọng là cha mẹ phải suy ngẫm về việc hành động của họ có thể ảnh hưởng đến con cái và nhận ra sự tôn trọng phải xuất phát từ ý chí cá nhân thay vì được yêu cầu" cô nói.
Minh Phương (Theo CNA)