Người vợ bế con còn đỏ hỏn trên tay, chạy hết góc này đến góc khác trong nhà, vẫn không tránh khỏi những cái tát đến tối tăm mặt mũi từ chồng. Có lúc cô ấy mất thăng bằng ngã lăn xuống sàn vì cú ra đòn của chồng, dù tay vẫn cố ôm con thật chặt.
Người chồng sau đó, trong bài trả lời báo chí cho biết: "Tôi nóng tính nên khi vợ chửi, tôi có tát cô ấy vài cái, chứ có gì đâu mà cứ ầm ĩ lên. Tôi thừa nhận hành động như thế trước mặt con là sai. Nhưng nếu vợ bạn chửi bạn thì có tát cho mấy phát không?”.
Một người đàn ông học võ, dạy võ, ra tay đánh vợ bằng đủ đòn rất “chuyên nghiệp”, giận dữ chửi bới, ném thẳng điều khiển, sỏi đá dưới cây về phía vợ con, tung cước đá cao thẳng mặt vợ rất “đẹp”, mà khi bình tĩnh nhìn nhận lại hành vi của mình vẫn có thể điềm nhiên nói “tôi tát cô ấy vài cái chứ có gì đâu mà làm ầm ĩ lên”, “vợ bạn chửi thì bạn có cho ăn tát không”, thật đáng... giật mình.
Nó cho thấy một sự thật là có một bộ phận đàn ông trong xã hội này vẫn cho mình cái quyền đánh vợ, tát vợ, hành hung dã man vợ khi (họ cho là) cô ấy “láo”. Đó là suy nghĩ của những người đàn ông hèn hạ, là căn nguyên của bạo lực gia đình khi người chồng (phái mạnh) cho mình cái quyền được “dạy bảo” vợ bằng vũ lực, bằng nắm đấm.
Đàn ông văn minh giải quyết bất đồng, mâu thuẫn vợ chồng bằng đối thoại. Nếu tin là mình đúng, hãy dùng lời lẽ, lập luận để thuyết phục, để “khuất phục” nửa kia.
Phụ nữ vốn chân yếu tay mềm. Nếu hạnh phúc của họ là dùng bản năng yếu đuối nhưng khéo léo của mình để chăm sóc chồng con, thì hạnh phúc của đàn ông chính là được dùng sự mạnh mẽ của mình để chở che cho người phụ nữ anh ta đã chọn yêu thương suốt đời.
Đàn ông đánh vợ, vì bất cứ lý do gì cũng là không chấp nhận được. “Võ sư” dùng võ đánh vợ, thì chỉ có thể nói là hèn hạ, đi ngược lại với tinh thần thượng võ mà thôi.
Huyền Anh