Chuyên mục  


Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Tâm lý Lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos.

Thực trạng

- Theo một nghiên cứu toàn cầu, khoảng 66% người dùng smartphone cảm thấy lo lắng khi không có điện thoại bên cạnh.

- Tại Việt Nam, tình trạng này cũng đang trở thành vấn đề đáng lo ngại. Một khảo sát năm 2022 cho thấy khoảng 73% thanh niên cảm thấy lo lắng khi không có điện thoại, và 61% trong số họ cho biết họ thường xuyên kiểm tra điện thoại ngay cả khi không có thông báo.

Nguyên nhân

Hội chứng nomophobia ảnh hưởng đến nhiều lứa tuổi khác nhau, bắt đầu từ trẻ em đến người trưởng thành.

- Trẻ em dưới 6 tuổi: Mặc dù nomophobia chưa phổ biến, nhưng sự tiếp xúc sớm với điện thoại có thể dẫn đến thói quen phụ thuộc, chủ yếu do trẻ bắt chước hành vi từ người lớn.

- Trẻ em tiểu học (6-12 tuổi):

  • Lứa tuổi này có thể cảm thấy lo lắng khi không có điện thoại bên cạnh, vì chúng thường sử dụng thiết bị để chơi game, xem video yêu thích, và kết nối các mối quan hệ.
  • Sự phụ thuộc này gia tăng do nhiều lý do, có thể vì sự thiếu tương tác xã hội trực tiếp, sự đáp ứng não bộ của những chương trình ngắn hạn và sự thay đổi nhanh chóng của bối cảnh xã hội, gia đình khi thiếu những phương thức tương tác phù hợp trong bối cảnh thành thị.

- Thanh thiếu niên (12-17 tuổi): Thường cảm thấy áp lực phải duy trì sự hiện diện trực tuyến và kết nối xã hội, dẫn đến việc hình thành sự phụ thuộc mạnh mẽ hơn.

- Người trưởng thành trẻ (18-30 tuổi): Sử dụng điện thoại để làm việc và giao tiếp, cảm thấy cần phải luôn sẵn sàng để quản lý các mối quan hệ và công việc.

- Người lớn 30 tuổi trở lên: Cũng có thể trải qua nomophobia, đặc biệt trong môi trường làm việc áp lực cao, khi họ cần duy trì liên lạc liên tục với gia đình và đồng nghiệp.

Bên cạnh những lý do nêu trên, nomophobia có liên quan nhiều đến cách thức tương tác liên cá nhân, nội dung số, bối cảnh văn hóa gia đình và xã hội.

Biểu hiện

Biểu hiện của hội chứng nomophobia rất đa dạng và thường xuất hiện khi người dùng không có điện thoại bên cạnh.

- Lo lắng, bồn chồn và khó chịu khi không thể tiếp cận thiết bị của mình.

- Họ có thể thường xuyên kiểm tra túi hoặc tìm kiếm điện thoại, ngay cả khi biết rằng không có nó.

- Một số người còn trải qua cảm giác hoảng loạn hoặc stress, đặc biệt trong những tình huống như quên điện thoại ở nhà hoặc khi điện thoại hết pin.

Người mắc hội chứng Nomophobia thường cảm thấy bồn chồn, lo lắng khi không thể tiếp cận thiết bị của mình. Ảnh: Pexels

Hậu quả

- Sức khỏe thể lý:

  • Việc dành quá nhiều thời gian trên điện thoại có thể dẫn đến các vấn đề như mỏi mắt, đau cổ, đau vai, đau khớp cổ tay, và các vấn đề liên quan đến tư thế.
  • Ngoài ra, việc thiếu hoạt động thể chất do ngồi lâu bên thiết bị điện tử cũng có thể làm tăng nguy cơ béo phì và các bệnh lý liên quan đến tim mạch.

- Về mặt tâm lý:

  • Những người mắc hội chứng này thường trải qua cảm giác lo âu, căng thẳng và bồn chồn khi không có điện thoại bên cạnh, dẫn đến các vấn đề về giấc ngủ và sự tập trung.
  • Sự phụ thuộc vào điện thoại có thể gây ra cảm giác cô đơn và mất kết nối với người khác, làm giảm chất lượng các mối quan hệ xã hội.

Chẩn đoán

Việc chẩn đoán hội chứng nomophobia thường dựa trên các triệu chứng và hành vi của người mắc. Các chuyên gia tâm lý sử dụng bảng hỏi hoặc công cụ đánh giá để xác định mức độ lo âu, phụ thuộc vào điện thoại.

Mặc dù chẩn đoán này không chính thức như các rối loạn tâm lý khác, nhưng nó giúp định hình các biện pháp can thiệp cần thiết.

Điều trị

- Tư vấn tâm lý.

- Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT).

- Khuyến khích thiết lập thời gian cụ thể để sử dụng điện thoại và tham gia vào các hoạt động không liên quan đến công nghệ.

- Các tiếp cận như Tâm động năng, Hệ thống có thể hỗ trợ đào sâu và "giải quyết căn nguyên" vấn đề.

- Giáo dục và nâng cao nhận thức về tác động tiêu cực của việc phụ thuộc vào điện thoại.

- Khuyến khích tham gia vào các hoạt động thể chất để giảm stress và tăng cường sức khỏe tổng thể.

Cách chế ngự nỗi sợ, sự lo lắng, bất an khi không sử dụng điện thoại

- Thiết lập thời gian sử dụng điện thoại cụ thể và tuân thủ quy tắc này sẽ giúp tạo ra thói quen tốt hơn.

- Thử các hoạt động khác như đọc sách, tập thể dục, hoặc tham gia các sở thích không liên quan đến công nghệ để giảm bớt cảm giác phụ thuộc và gia tăng kết nối với bản thân, người khác.

- Thực hành các kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga hoặc hít thở sâu.

- Kết nối với bạn bè và gia đình qua các hoạt động ngoại tuyến, như đi dạo hoặc tham gia các sự kiện xã hội, cũng rất quan trọng để xây dựng các mối quan hệ mà không cần đến điện thoại.

- Ghi chú lại những cảm xúc và suy nghĩ trong một cuốn nhật ký có thể giúp người bệnh nhận diện và hiểu rõ hơn về nỗi sợ hãi của mình, từ đó tìm ra cách đối phó hiệu quả hơn.

- Nếu nỗi sợ, sự lo lắng và bất an ảnh hưởng đến chất lượng sống và cá nhân không thể tự quản lý, người bệnh cần sự hỗ trợ chuyên môn từ bác sĩ và chuyên viên tâm lý.

Mỹ Ý

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020