Chuyên mục  


* Bài tiết lộ một phần nội dung phim

trailer-phim-chi-dau-1734486261.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IivNvb5OShcbf4e5XU_ekw
Trailer phim Chị dâu

Trailer phim "Chị dâu" - dán nhãn 16+ (không dành cho khán giả dưới 16 tuổi). Video: Đoàn phim cung cấp

Tác phẩm khai thác chủ đề mâu thuẫn liên thế hệ trong gia đình với dàn diễn viên chính toàn nữ, xoáy vào mối quan hệ của một chị dâu (Việt Hương) và bốn em chồng (Hồng Đào, Đinh Y Nhung, Lê Khánh, Ngọc Trinh). Mỗi người một tính cách, số phận, song đều đang mắc kẹt trong bi kịch chính mình.

Phim dành 15 phút đầu đặc tả tính cách, hoàn cảnh năm nhân vật. Một người là dâu cả, làm chủ một tiệm vàng, chịu trách nhiệm tiếp quản nhà từ đường - bộ mặt của gia tộc. Dưới chị là bốn cô em chồng, làm nhiều nghề, như giám đốc bệnh viện thẩm mỹ, kế toán viên, hoặc buôn bán, lao động tự do. Họ tề tựu trong tiệc giỗ lớn của gia đình, gặp gỡ bà con hàng xóm. Tranh cãi nổ ra khi năm người bàn về việc sửa chữa nhà cổ đã xuống cấp, với khoản tiền lên đến hàng tỷ đồng. Từ đây, những bí mật, ẩn ức của mỗi người bị phơi bày.

Việt Hương đóng Hai Nhị - người quán xuyến nhà từ đường của dòng họ. Ảnh: CJ

Phần lớn câu chuyện của Chị dâu diễn ra trong thời gian ngắn - từ sáng sớm đến tối, tương tự Tiệc trăng máu, Đêm tối rực rỡ. Môtíp này đòi hỏi ở đạo diễn cách kể chuyện chắc tay, cấu trúc kịch bản vững chãi với nhiều tình tiết cao trào để níu chân người xem. Khương Ngọc chia phim theo dạng chương hồi, đặt tên cho từng phần. Từ đầu, anh tạo ra một không gian bức bối, hỗn loạn ở tiệc giỗ để đẩy kịch tính câu chuyện. Giữa ngày quan trọng của gia đình, những ngọn lửa mâu thuẫn bắt đầu được châm ngòi, như việc Năm Thu (Lê Khánh) bị họ hàng tọc mạch với loạt câu hỏi về đời tư.

Tuy nhiên, mầm mống rạn nứt thực sự xuất phát từ sự đố kỵ, giả tạo bên trong từng người. Mượn cớ mệt mỏi vì tổ chức đám tiệc, họ bắt đầu bộc bạch những thành kiến xấu xí về nhau. Ba Kỳ (Hồng Đào) cho rằng Hai Nhị (Việt Hương) làm tiệc lớn vì tính khoe mẽ, phô trương, Út Như (Ngọc Trinh) chỉ xem chị dâu như "máy ATM" để giúp cô trang trải nợ nần. Hay chi li, tính toán, Năm Thu luôn tị nạnh với từng thành viên, còn Tư Ánh (Đinh Y Nhung) ôm mối mặc cảm là người túng quẫn, thiếu tiếng nói nhất trong nhà.

Ở nửa sau phim, đạo diễn chọn góc nhìn giàu đồng cảm hơn với hoàn cảnh mỗi người, đi sâu vào việc lý giải câu chuyện. Tác phẩm ít diễn viên nam, song gốc rễ bi kịch của các nhân vật đều xuất phát từ phái mạnh. Đằng sau thói so đo, Năm Thu chịu nỗi buồn có người chồng thờ ơ, cùng tâm lý tự ti vì chứng hiếm muộn. Khi vứt bỏ vỏ bọc sang trọng, thành đạt, Ba Kỳ chỉ còn lại nỗi niềm cay đắng của một phụ nữ thất bại trong hôn nhân, không tìm được tiếng nói chung với con cái.

Hồi cuối, đạo diễn giải quyết mâu thuẫn bằng cách lồng ghép một biến cố khác. Cơn bão trong phim là hình ảnh ẩn dụ cho "bão lòng" của những người phụ nữ khi buông lời thóa mạ, mạt sát lẫn nhau. Giữa đống hoang tàn, đổ nát, họ nhặt nhạnh từng mảnh vỡ đồ đạc trong nhà, ngồi cạnh và sưởi ấm cho nhau bằng ngọn đèn dầu leo lét.

Tạo hình diễn viên Việt Hương (trái) và Ngọc Trinh trong phim "Chị dâu". Ảnh: CJ

Diễn xuất dày dạn của các gương mặt chính tạo sức hút cho phim. Sau vai người mẹ làm nghề vớt xác trong Ma da, Việt Hương ghi dấu ấn với nhân vật chị dâu cả. Hai Nhị gồng mình vì trọng trách với dòng họ, trói bản thân trong cô độc và bệnh tật. Hai dự án gần đây cho thấy diễn viên 48 tuổi bắt đầu đào sâu nội tâm, thay vì lối diễn thiên về hài thoại như các phim trước. Nếu Việt Hương đảm nhận nhiều cảnh nặng về tâm lý, Lê Khánh có nhiều câu thoại giúp nhịp phim thư giãn trong các tình huống căng thẳng.

Trở lại màn ảnh sau hai năm, Ngọc Trinh hóa thân tự nhiên với vai người em bồng bột, lấy nhầm gã chồng mê cờ bạc. Hồng Đào gây chú ý với cảnh bộc lộ ẩn ức trong hôn nhân, cách đối thoại khi bị cho áp đặt con cái. So với bốn người còn lại, câu chuyện của Tư Ánh chưa được khai thác sâu, chỉ dừng lại ở vai trò một mảnh ghép trong bức tranh gia đình.

Góc máy, bối cảnh thể hiện sự tiến bộ của Khương Ngọc so với Live: Phát trực tiếp (2023) - tác phẩm anh lần đầu đạo diễn. Anh có nhiều cảnh quay giàu tính hình tượng, như đám mối đục khoét gỗ trong từ đường, hoặc ngôi nhà vàng mã bị cháy trụi, chỉ còn khung gỗ, ngụ ý tình cảm chị em trước bờ vực rạn nứt. Êkíp dùng nhiều khung hình cận trong các phân đoạn về tiệc giỗ, nhấn vào biểu cảm của diễn viên quần chúng để đặc tả không khí chốn miệt vườn.

Hồng Đào có vai trắc trở trong hôn nhân, đóng cùng một diễn viên khách mời bí mật. Ảnh: CJ

Tác phẩm vấp phải một số "sạn" về tạo hình, cách xây dựng nhân vật. Chẳng hạn, bốn người em vốn khác trang lứa, cách nhau hàng chục tuổi. Tuy nhiên, ở trong một phân cảnh hồi tưởng quá khứ, bốn gương mặt nhí đóng thời thơ ấu của nhân vật lại đồng đều về độ tuổi. Khương Ngọc thừa nhận mắc lỗi, cho biết gặp khó khăn trong việc chọn diễn viên ở phân đoạn này. Nhiều ý kiến cho rằng ở cái kết, nhân vật Hai Nhị được tô hồng quá mức, đề cao sự hy sinh của chị dâu. Đạo diễn cho biết lấy cảm hứng về nhân vật từ một người thân đã qua đời của anh. "Tôi không cố vẽ nên hình ảnh hoàn hảo về nhân vật này, mà muốn xây dựng một người chị dâu dựa trên góc nhìn đồng cảm của các em", anh nói.

Mai Nhật

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020