Chuyên mục  


Hôm 28/5 tại Tokyo, ba lãnh đạo cấp cao nhất của 3 hãng ngồi lại với nhau trong tọa đàm "Tiếp cận đa chiều" trực tuyến cùng đưa ra định hướng chung về tầm nhìn trung hòa carbon trong tương lai.

Ông Atsushi Osaki (ngoài cùng bên trái) - Chủ tịch, CEO Subaru; ông Koji Sato (thứ ba từ trái qua) - Chủ tịch, CEO Toyota; ông Masahiro Moro (thứ hai từ phải qua) – Chủ tịch, CEO Mazda cùng các quan chức trong buổi tọa đàm "Tiếp cận đa chiều" tại Tokyo, Nhật Bản hôm 28/5. Ảnh: TMC

Theo đó, ba vị lãnh đạo của Toyota, Mazda và Subaru cùng đưa ra cam kết nghiên cứu, phát triển động cơ đốt trong (IEC) thế hệ mới, với đặc điểm nhỏ gọn hơn, hiệu suất tốt hơn và tiết kiệm nhiên liệu. Đồng thời, thế hệ động cơ mới của ba hãng này sẽ tương thích nguồn năng lượng mới, có khả năng giảm phát thải CO2 tùy mức độ.

Đặc trưng thiết kế, trang bị và động cơ tạo nên những cá tính khác nhau của các hãng xe trong ngành công nghiệp ôtô. Toyota, Mazda và Subaru cũng vậy, khi mỗi hãng sở hữu tập khách hàng riêng, những người dành cảm tình cho thương hiệu theo các cách khác nhau.

Subaru quan tâm đến việc tạo ra động cơ hybrid mới và thử nghiệm trên mẫu Crosstrek. Động cơ này gồm máy Boxer dung tích 2.0, mô tơ điện 12,3 kW kèm bộ pin lithium-ion nhỏ gọn. Mazda sẽ nghiên cứu tập trung vào loại động cơ rotor đơn và kép, đóng vai trò như máy phát điện nạp năng lượng cho pin. Năng lượng từ pin sẽ dẫn động trực tiếp.

Ông Koji Sato, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Toyota chia sẻ tại workshop. Ảnh: TMC

Toyota đang phát triển thế hệ động cơ 4 xi-lanh, dung tích 1.5 nạp khí tự nhiên hoặc tăng áp và loại 2.0 tăng áp cho công suất cao nhưng tiết kiệm nhiên liệu hơn so với các dòng động cơ hiện tại.

Các lãnh đạo 3 hãng xe đều cho rằng động cơ đóng vai trò quan trọng để hướng tới trung hòa carbon, việc giảm CO2 qua phát triển động cơ được tối ưu cho điện khí hóa, thúc đẩy sự phát triển của ngành và khuyến khích các bên liên quan đưa ra hành động. "Đó là một thế hệ động cơ được tái sinh", ông Koji Sato, Chủ tịch kiêm CEO Toyota nói và thêm rằng đó là cách các nhà sản xuất Nhật Bản tạo ra "một vòng quay tương lai" trên động cơ đốt trong truyền thống.

Định hướng tiếp cận đa chiều

Theo nghiên cứu chung của Toyota, Mazda và Subaru, gần 70% động cơ ICE vẫn sẽ được duy trì tính đến 2030 trên thị trường ôtô toàn cầu. Vì thế báo cáo cho rằng, điều cần thiết là duy trì đa dạng các giải pháp khác nhau để cắt giảm khí thải, trong đó có xe ICE.

"Bởi hiện tại, nếu chỉ tập trung vào xe thuần điện (EV) - loại phương tiện có mức độ phổ cập chậm bởi những hạn chế về giá và hạ tầng trạm sạc, mục tiêu trung hòa carbon bị kéo lùi", báo cáo chung có đoạn.

Toyota Corolla Cross sử dụng động cơ hybrid ra mắt hôm 6/5 tại Việt Nam. Ảnh: Toyata Việt Nam

Toyota, cũng như hai hãng Mazda và Subaru đang tận dụng mọi giải pháp hiện có để thực hiện mục tiêu cắt giảm carbon mà không chờ đến khi công nghệ chế tạo xe EV đạt đến "độ chín". Một trong số này là việc nghiên cứu thế hệ động cơ mới đáp ứng được nhiều loại nhiên liệu thân thiện với môi trường hơn hoặc loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu diesel.

Cam kết của bộ ba hãng xe Nhật về thế hệ động cơ ICE cũng cho thấy tham vọng phát triển bền vững ngành công nghiệp ôtô nước này. "Với hơn 5,5 triệu nhân sự hoạt động trong ngành ô tô tại Nhật, việc phát triển các động cơ ICE mới giúp tận dụng nguồn lực con người cũng như kinh nghiệm sản xuất đã tồn tại hàng thập kỷ", lãnh đạo Toyota lưu ý.

Theo các chuyên gia trong ngành, nếu xác định khí thải carbon là "kẻ thù chung" của các nhà sản xuất ôtô, thì động cơ ICE không được coi là "cần loại bỏ ngay lập tức". Toyota, Mazda và Subaru cho rằng điều cần thiết là cung cấp dải sản phẩm xe điện hóa đa dạng (bao gồm EV), dựa trên tình hình thực tế của nguồn cung năng lượng, môi trường xã hội và nhu cầu khách hàng.

Cung cấp xe hybrid, nghiên cứu các giải pháp khác bao gồm cả EV và ICE công nghệ mới giảm phát thải là cách Toyota hay một số hãng Nhật gần đây đương đầu với thách thức từ môi trường. Hãng cho rằng không có một phương pháp cố định nào để đạt trung hòa carbon, bởi như một ngọn núi, sẽ có nhiều lối đi để lên đỉnh.

Với Toyota, định hướng tiếp cận đa chiều cho phép hãng này thích ứng linh hoạt với từng giai đoạn phát triển của thị trường ôtô, ở từng quốc gia nhất định. Các dòng hybrid (HEV), hybrid cắm sạc ngoài (PHEV), thuần điện (BEV) hay xe dùng pin nhiên liệu hydro, nhiên liệu sinh học... đều có vai trò riêng ở mỗi thời kỳ khác nhau.

Toyota hiện là hãng theo đuổi dòng xe hybrid quyết liệt nhất, coi đây là giải pháp phù hợp nhất ở thời điểm hiện tại. Hãng xe lớn nhất thế giới này bán 3,4 triệu chiếc hybrid năm ngoái, tăng gần 1 triệu chiếc so với 2022, đóng góp vào mức lợi nhuận kỷ lục khoảng 33 tỷ USD của công ty.

Tại Việt Nam, Toyota cũng tiên phong phân phối xe hybrid chính hãng sớm nhất so với các đối thủ. Dải sản phẩm hybrid của hãng Nhật cũng đa dạng bậc nhất thị trường với 6 mẫu, gồm: Corolla Altis, Camry, Yaris Cross, Corolla Cross, Innova Cross và Alphard. Doanh số cộng dồn xe Toyota hybrid tại Việt Nam đến hết tháng 5 vừa qua đạt hơn 9.000 chiếc, nhiều hơn bất kỳ thương hiệu nào trên thị trường.

Tuấn Vũ

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020