Chuyên mục  


Xã Yên Thọ (huyện Yên Định, Thanh Hóa) có 7 thôn thì hiện có tới 6 thôn, với 922 hộ dân bỗng dưng bị mất nước sinh hoạt. Người dân tại đây cho biết, hiện tượng giếng khơi cạn nước, trơ đáy, giếng khoan cũng chỗ có chỗ không diễn ra từ đầu tháng 1 đến nay. Ban đầu, hiện tượng trên xuất hiện ở các giếng nước của những hộ dân sống sát mép sông Mã, sau đó lan rộng vào các hộ nằm sâu bên trong, cách mép sông gần 1 km.
Gia đình bà Hà Thị Cẩm (59 tuổi, ngụ tại thôn Tu Mục 2, xã Yên Thọ) 2 tháng qua cuộc sống bị đảo lộn vì thiếu nước sinh hoạt. Theo bà Cẩm, từ xưa đến nay, gia đình bà sử dụng nước giếng khơi để sinh hoạt. Từ đầu tháng 1, giếng bỗng mất nước, cạn trơ đáy.
"Gia đình tôi phải thuê thợ khoan giếng sâu chừng 13 m để lấy nước. Nhưng khi bơm thì lúc có nước lúc không, nước bơm lên có mùi tanh, đóng váng, nổi màu vàng khè không thể ăn được. Gia đình tôi phải mua 2 bình lọc nước, cứ lọc từ bình này lại đổ vào bình kia lọc tiếp. Nước dùng thì tiết kiệm, rửa rau xong thì giữ lại để rửa bát. Rất khổ cực”, bà Cẩm nói.
Hàng loạt giếng bống dưng mất nước khiến người dân hoang mang
ẢNH MINH HẢI
Cám cảnh hơn gia đình bà Cẩm, gia đình ông Trần Văn Nghĩa (61 tuổi, ngụ tại thôn Tu Mục 2, xã Yên Thọ) trong 2 tháng qua đã phải bỏ ra gần 10 triệu đồng khoan đến 4 cái giếng ở những vị trí khác nhau, nhưng vẫn trong tình cảnh thiếu nước sinh hoạt.
“Tôi nhớ là từ ngày 15.1, giếng khơi của nhà tôi cạn kiệt nước. Tưởng giếng dùng lâu năm bị cát bồi lắng, nhưng khi đào thêm xuống vài mét vẫn không có nước. Không còn cách nào khác, tôi mượn thợ đến khoan giếng máy, nhưng khoan liên tục đến 4 cái cũng không đủ nước sinh hoạt. Giờ mỗi ngày may ra bơm được vài lần có nước, mỗi lần chỉ được khoảng 1 khối nước. Nước bơm lên chỉ cần cho 1 chén nước chè khô vào là trở màu đen ngòm. Biết là nước có nhiều tạp chất, nhưng không còn cách nào khác, gia đình tôi cũng đành lọc qua để lấy nước sinh hoạt”, ông Nghĩa nói.
Từ đầu tháng 1 đến nay, 922 giếng nước của người dân bỗng cạn trơ đáy
ẢNH MINH HẢI
Ông Vũ Văn Thạch (51 tuổi, cùng ngụ thôn Tu Mục 2, xã Yên Thọ) thì quả quyết cho rằng, nguyên nhân hàng trăm giếng bị mất nước là do mực nước sông Mã xuống thấp hơn bình thường.
“Đây là hiện tượng bất thường. Dân chúng tôi sống ven bờ sông Mã bao đời nay, chưa bao giờ thấy có hiện tượng giếng mất nước như bây giờ. Năm nay, không hiểu sao mực nước sông Mã xuống thấp hơn so với thời điểm này ở các năm trước tới gần 2 m, nên dẫn tới các giếng bị mất nước”, ông Thạch nói.
Nhiều gia đình khoan giếng xong bơm nước lên không thể dùng được vì tanh hôi và vàng khè
ẢNH MINH HẢI
Theo báo cáo của UBND xã Yên Thọ, hiện tượng giếng nước của người dân bị mất nước diễn ra từ đầu tháng 1 và ngày càng lan rộng. Ngày 25.1, UBND xã Yên Thọ thống kế có 450 hộ có giếng bị mất nước, đến ngày 4.3 số lượng giếng mất nước đã tăng lên 922 giếng.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Hồ Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Yên Thọ, xác nhận thời điểm này so với các năm, mực nước sông Mã xuống thấp gần 2 m. Theo ông Bình, có thể đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giếng của người dân bị mất nước.
Một số hộ dân phải bắc đường ống lấy nước từ kênh tưới cho đồng ruộng để có nước sinh hoạt
ẢNH MINH HẢI
Cũng theo ông Bình, ngay sau khi có hiện tượng giếng bị mất nước, chính quyền địa phương đã tổng hợp và báo cáo với huyện. Ngày 13.2, đoàn công tác của UBND huyện Yên Định và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Thanh Hóa về kiểm tra nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp gì.
"Ở đây, bình thường người dân khoan giếng sâu từ 9 -11 m để lấy tầng nước mặt sinh hoạt, nếu xuống sâu quá nước sẽ rất tanh hôi không ăn được. Mặc dù người dân đã tìm vị trí khoan giếng, nhưng không phải chỗ nào cũng có nước, vì vậy hiện nhiều hộ đang phải đi xin nước từ nơi khác về sinh hoạt. Chúng tôi cũng đã thực hiện biện pháp tháo nước vào đồng ruộng để nước thẩm thấu xuống, mong các giếng có nước trở lại nhưng không có kết quả”, ông Bình nói.
Người dân cho rằng mực nước sông Mã xuống thấp bất thường là nguyên nhân giếng bị cạn nước
ẢNH MINH HẢI
Trong khi các cơ quan chức năng chưa tìm ra nguyên nhân và có giải pháp thì hơn 900 hộ dân xã Yên Thọ vẫn đang sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt, cuộc sống bị đảo lộn.
Trước đó, cuối năm 2015, tại khu vực ven sông Mã, đoạn qua xã Yên Thọ cũng đã xảy ra tình trạng sụt lún đất tạo thành nhiều hố sâu trong nhà và vườn nhà của nhiều hộ gia đình. Sau khi mỏ cát trên địa bàn xã này bị thu hồi và thực hiện kè bờ sông Mã thì hiện tượng sụt lún không còn tiếp diễn.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020