01
Trước đây từng có một cuộc khảo sát với những người cao tuổi, câu hỏi đưa ra là "Điều mà bạn hối hận nhất cuộc đời này là gì. Trong đó hơn một nửa số người tham gia chọn đáp án "Hối hận nhất cuộc đời này là khi còn trẻ đã không chăm chỉ, cố gắng, dẫn đến sau này làm gì cũng thất bại, một chuyện cũng không thành".
Mới đầu nhìn thấy câu nói trên, lúc đó vẫn chưa đến tuổi trung niên, nên tôi chưa hiểu ý nghĩa cho lắm. Đến bây giờ, nhìn lại bản thân và những ngươi xung quanh, mới thấm hậu quả của việc tuổi trẻ lười biếng.
Hôm dọn nhà tổng kết cuối năm, có thuê một người đến lau cửa kính, nhìn qua thì anh này cũng ngoài 30 rồi, vì trước khi qua nhà tôi đã dọn giúp vài nhà khác nên nhìn mặt tái mét, có vẻ đã thấm mệt. Đôi tay do ngâm lâu trong nước lạnh nên đã nứt nẻ. Được cái anh này nhanh mồm miệng, giới thiệu bản thân năm nay đã 35 tuổi, lăn lộn hơn 10 năm trên thành phố, bởi vì đến giờ trong tay chẳng có gì nên cũng không dám nghĩ đến chuyện kết hôn.
Tôi hỏi vì sao lại ở đây mà không về quê, chàng thanh niên trầm xuống một lúc rồi bắt đầu kể câu chuyện của mình. Anh ta đến từ một huyện nhỏ vùng cao, những năm tiểu học, rồi lên cấp hai thành tích học tập không hề tệ, khiến cả gia đình mát mày nở mặt và đặt kỳ vọng cả vào đứa con trai này. Với thành tích đó thì không khó để anh thi vào trường cấp ba có tiếng ở huyện, nhưng thế giới nhiều màu sắc này chẳng biết từ lúc nào đã thu hút cậu bé đấy.
Dần dần, chểnh mảng học tập, ngày ngày cũng nhóm bạn cá biệt trong lớp trốn học đi chơi điện tử. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, vì học kém nên không thi lên đại học mà lang bạt trên thành phố kiếm sống. Hiển nhiên, một cậu trai không học hành, không có nghề nghiệp, cũng chẳng giỏi một cái gì, có thể làm gì trên thành phố. Anh ta từng đi khuôn vác gạch ở xưởng, làm công nhân trong xưởng lắp ráp, rồi phục vụ bàn, rồi shipper, có ai gọi là anh ta làm, lăn lộn 10 năm mới tích góp được một ít.
Những người bạn học cùng lớp, giờ người làm luật sư, người chuẩn bị ra nước ngoài học lên tiến sĩ, giáo sư, chi có bản thân nhìn lại, đã tuổi trung niên rồi mà chẳng có nghề nghiệp ổn định. Nói đến đây, người đàn ông đấy chợt ngấn lệ: "Nhưng hối hận thì cũng có tác dụng gì chứ, giờ có cố gắng mấy đi nữa, nhưng cũng chẳng đuổi kịp người ta nữa"
Nghe xong câu chuyện của anh ta, tôi không khỏi chút bùi ngùi. Xung quanh tôi chẳng thiếu những người giống như người đàn ông ấy, lúc được đến trường đi học thì lười biếng không chuyên tâm, rồi đi làm cũng chẳng khá khẩm là bao, khi sáng cắp ô đi chiều cắp ô về, hài lòng với những gì đang có, đắc ý vì cho rằng mình đã hơn khối người.
Kết quả vài năm sau, ngoái nhìn những người trước đây đầu tắt mặt tối, chịu thương chịu khó dần đã trở thành ông nọ bà kia, hoặc chí ít cũng nhàn hạ dư dả để du lịch nay đây mai đó, còn bản thân sớm đã bị bỏ xa từ lâu rồi.
Có một câu nói như này "Thất bại lớn nhất của đời người, không phải là tôi không làm được, mà là tôi vốn có thể". Tôi vốn có thể học hành, tôi vốn có thể thi vào một trường tốp đầu, vốn có thể có một công việc tốt, vốn có thể có một mức lương cao... Đúng, bạn vốn có thể làm được nhưng bạn lại từ bỏ, và giờ hối hận đã không còn kịp nữa.
02
Mấy hôm trước về nhà, đúng lúc đấy chị dâu với cô cháu gái cãi nhau vì con bé không chịu đến lớp phụ đạo, tôi vừa phải xoa dịu ngọn lửa đang cháy bừng bừng trong hai mắt chị dâu, vừa kéo cô cháu gái vào phòng hỏi nó, rốt cuộc vì sao nó không muốn đến lớp phụ đạo.
Con bé ấm ức "Cháu không muốn đến lớp phụ đạo, cũng không muốn học hành gì hết, nghĩ đến học mà cháu mệt hết cả người". Tôi cười xoa đầu nó "Đợi cháu lớn rồi sẽ biết so với áp lực, mệt mỏi trong cuộc sống này, áp lực học tập không đáng nhắc đến".
Thuở bé, cuộc sống đơn giản chỉ là đến trường, tan học lại về nhà làm bài tập, cho rằng vậy đã là chuyện khổ cực và mệt mỏi nhất. Nhưng lớn lên mới phát hiện, vấn đề cơm áo gạo tiền đặt trên vai, rồi những áp lực trong công việc, còn chưa kể là gặp những khách hàng tai quái... thì áp lực học hành có đáng là bao.
Khi bạn có điều kiện đi học, nhất định phải cố gắng học tập. Những khó khăn của việc học là con đường để dẫn đến thành công mai này. Càng quan trọng hơn là, nếu bạn lười biếng khi còn trẻ, không chỉ ảnh hưởng đến chính bạn mà còn ảnh hưởng đến cả thế hệ sau.
03
Tôi có anh bạn kể lại câu chuyện Anh ấy có một người em họ, hồi trẻ làm cho một xưởng sản xuất giấy, đãi ngộ ở đó rất cao, về sau công ty cắt giảm nhân lực, anh lại quay về cảnh thất nghiệp, không giống như những người đồng nghiệp tiếp tục đi tìm kế sinh nhai khác, anh ta chẳng những không chịu tìm việc mà còn tham gia vào đường dây đa cấp.
Ảnh hưởng từ người bố, đứa con trai anh ta cũng trở nên ngỗ ngược, không sợ trời không sợ đất, ngày ngày lêu lổng với lũ bạn xấu, đánh nhau, chơi điện tử. Nhà trường đành miễn cưỡng cho tốt nghiệp, bởi vì học lực thấp, lười biếng và bốc đồng nên chẳng tìm nổi một công việc ra hồn.
Còn anh bạn của tôi vốn chăm chỉ hiền lành nên đứa con trai cũng rất ngoan ngoãn, lại học giỏi, nghe kể ngày trước thi vào một trường đại học nổi tiếng của nước, sau khi tốt nghiệp thì giành học bổng và giờ đang học cao học ở Mỹ. Câu chuyện về hai anh em nhà họ, không khỏi khiến người ta suy nghĩ. Những người không cố gắng, không chăm chỉ, không chỉ biến mình thành kẻ thất bại, mà còn vô tình biến con cái mình trở thành những người không thể ngẩng đầu với xã hội.
Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái, nếu ngay cả cha mẹ đã là những người lười biếng, không chịu cố gắng, con cái họ cũng sẽ "mô phỏng" cái tư tưởng đó, không chịu cầu tiến. Ngược lại, cha mẹ là những người chăm chỉ, sống tích cực, có cách nuôi dạy con cái tốt, thì đứa trẻ tự nhiên "mưa dầm thấm lâu" và trở thành những người có ích cho xã hội.
Trên mạng xuất hiện một chủ đề khá hot "Có điều gì làm bạn hối tiếc, nhưng lại không sớm nhận ra". Có một bình luận như vậy "Cuộc đời bạn, nếu ngày trước lười học, lười làm thì cuộc sống sau này sẽ càng trở nên khó khăn"
Cho nên nếu ngay từ ngày còn cắp sách đến trường, bạn đã lười biếng thì đó sẽ là một cái tát cho bạn của mai sau. Tuy nhiên chưa bao giờ là muộn để chúng ta bắt đầu. Đáng sợ nhất trên đời này, là người thì ngày ngày cố gắng tìm ra con đường riêng cho mình, người thì vẫn ì ạch một chỗ trong cái vỏ bọc an toàn.