Làm hợp đồng chuyển nhượng/tặng cho quyền sử dụng đất hoặc lập di chúc là các cách phổ biến để cha mẹ chuyển quyền sử dụng đất cho con. Hai cách này có một số điểm khác biệt. Trước khi thực hiện, người dân cần tìm hiểu một số điều về việc này.
Lập di chúc
Di chúc thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho một người khác sau khi mất. Di chúc có thể được thể hiện bằng văn bản hoặc di chúc bằng miệng.
Trong đó, di chúc bằng miệng là loại được lập trong trường hợp tính mạng của cá nhân bị đe dọa và không thể thực hiện việc lập di chúc bằng văn bản. Sau 3 tháng tính từ thời điểm lập di chúc bằng miệng, nếu người lập di chúc vẫn còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc này sẽ bị hủy bỏ.
Di chúc bằng văn bản có thể được viết tay hoặc đánh máy và cần có xác nhận bằng chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc.
Việc lập di chúc bằng văn bản còn được chia thành trường hợp có hoặc không có người làm chứng/công chứng, chứng thực.
Di chúc không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp khi đáp ứng đủ 2 điều kiện sau:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.
- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Di chúc bằng văn bản có thể được công chính tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tại tổ chức hành nghề công chứng.
Cha mẹ muốn sang tên cho con theo hình thức lập di chúc bằng văn bản cần lưu ý rằng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ được thực hiện sau khi cha mẹ đã mất.
Khi muốn chuyển nhượng/tặng cho quyền sử dụng đất cho con, cha mẹ có thể lựa chọn hình thức lập di chúc hoặc làm hợp đồng chuyển nhượng/tặng cho.
Làm hợp đồng chuyển nhượng/ tặng cho quyền sử dụng đất
Theo Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này.
Phải thực hiện công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự đối với văn bản thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Cha mẹ làm hợp đồng huyển nhượng/tặng cho quyền sử dụng đất cho con cái và phải có công chứng, chứng thực. Sau đó, người nhận có thể đăng ký sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua hợp đồng chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất sẽ có hiệu lực ngay sau khi lập hợp đồng.
Tùy vào từng trường hợp, cha mẹ có thể cân nhắc lựa chọn hình thức phù hợp. Nếu muốn để lại tài sản cho con sau khi qua đời, có thể chọn hình thức lập di chúc. Nếu muốn tặng cho, chuyển quyền sở hữu tài sản cho con khi mình còn sống, cha mẹ có thể lựa chọn hình thức lập hợp đồng tặng cho.