Gom sạch lá khô rụng quanh chiếc ao Sau Đình rộng gần 3.000 m2, ông Nguyễn Tứ Hùng, thôn Hạnh Đàn, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, ngồi xuống ghế đá ven ao nghỉ. Phía trước, đám trẻ con 5-6 đứa thi nhau đạp xe quanh chiếc ao không một cọng rác, cười nói rộn rã. "Đi cẩn thận, đừng vứt gì xuống ao các cháu nhé!", ông Hùng gọi với. Lũ trẻ vâng một tiếng rồi nhanh chóng hòa vào trò chơi.
3 năm trước, bọn trẻ tránh xa cái ao này như "dịch hạch" vì hôi thối và đầy rác. Chó chết, gà chết, bỉm dùng rồi..., bất cứ thứ gì tiện tay là người vứt xuống. Xung quanh cỏ dại mọc cao lút đầu người, chuột bọ sinh sôi nảy nở khắp nơi.
|
Ông Nguyễn Tứ Hùng là cựu chiến binh tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Mỹ và biên giới phía Bắc. Năm 2018 ông được bầu là một trong 10 công dân thủ đô ưu tú. Ảnh: Hải Hiền. |
"Ao Sau Đình trước kia rộng rãi và trong xanh lắm. Tết đến người làng còn mang gạo và lá dong ra ao rửa", ông Hùng nhớ lại. Từ cuối những năm 90, đô thị hóa tăng nhanh tại ngôi làng vùng ven Hà Nội này, người dân thi nhau xây nhà, dồn nước thải ra ao khiến nó ô nhiễm trầm trọng.
Nhà sát ao, cứ nắng lên là mùi hôi thối sộc vào, ông Hùng chẳng dám mở cửa sổ. Hôm nào có cỗ, ông đứng xua ruồi bu đến mà không xuể.
Từ những năm 2000, ông đã ấp ủ ý muốn cải tạo ao Sau Đình để có môi trường trong lành cho mọi người. Nhưng làm nông, nuôi 5 con, ông chỉ dám ước trong đầu. Năm 2016, khi các con đều đã thành đạt, ông gọi tất cả về họp mặt.
"Cả đời bố mẹ vất vả tích góp được ít tiền, giờ mong các con đóng góp thêm, gửi xã để cải tạo cái ao. Chứ mọi người sống ô nhiễm thế này khổ quá", ông nói.
Sau ngày đó, ông Hùng nhận được tiền đóng góp của các con với lời động viên "Bố muốn làm gì có ích chúng con ủng hộ". Tổng cộng 1,8 tỷ đồng được ông chuyển cho UBND xã Tân Lập.
|
Ao Sau Đình sau khi được cải tạo giống như một công viên thu nhỏ, có đường dạo rộng 2 - 4 mét, không nhận nước thải nữa. Ảnh: Hải Hiền. |
"Đây là trường hợp đầu tiên ở xã ủng hộ số tiền lớn như vậy. Từ khi đề xuất cho đến khi bác Hùng chuyển tiền cũng rất nhanh. Bởi vậy công trình nạo vét và cải tạo ao hoàn thành chỉ trong 5 tháng", ông Trần Anh Sơn, phó chủ tịch xã Tân Lập cho hay.
Người dân Hạnh Đàn khen có, thắc mắc cũng có, "bởi không có lương hưu, sao ông không để tiền đó dưỡng già?".
"Tôi được như ngày hôm nay là nhờ ơn của rất nhiều người. Bởi vậy góp một phần công sức xây dựng quê hương khi mình có cuộc sống dư dả, đó là điều nên làm", ông cụ nông dân 74 tuổi nói đơn giản.
5 tháng đó, hàng nghìn xe công nông chở bùn đất, rác thải nạo vét được mang đi. Bờ kè, tường bao, đường dạo, cây xanh theo nhau mọc lên. Nhiều hộ dân tình nguyện mua bàn ghế đá đặt quanh. Chiếc ao giữa làng lúc này giống như một công viên thu nhỏ, nơi người già, trẻ nhỏ quây quần tập thể dục và vui chơi mỗi chiều. Tối đến, 6 cây cột đèn trắng chiếu sáng choang bờ ao, trẻ thỏa sức nô đùa. Ông Hùng tự lắp đèn, trả tiền điện mỗi tháng.
"Xã đề nghị làm tấm bia ghi công đức đặt ở bờ ao nhưng tôi từ chối. Làm việc thiện nên xuất phát từ tâm, tôi không thích sự phô trương như thế", ông cho hay.
Không xa cái ao, một con đường làng gồ ghề cũng được ông chi ra 300 triệu để đổ nhựa, cùng trong năm 2016. Cảnh cụ già, học sinh té ngã trên con đường này không còn nữa.
4 giờ chiều, nắng đã nhạt, ông Hùng cầm chổi và hót rác đi quanh ao để quét dọn, mất trọn 2 tiếng. Ngày nào cũng thế. "Quét vậy vừa làm sạch, vừa là nhắc nhở mọi người ý thức về việc đảm bảo vệ sinh, không vứt rác bừa bãi như trước", ông nói.
|
Ông Hùng ngày nào cũng đi quét sạch đường dạo ven ao. Ảnh: Hải Hiền. |
Trời sắp tối, ông Hùng đem chiếc vợt cán dài hơn 3 mét ra ao vớt mấy cái lá vừa rụng xuống. Cơn mưa to chợt trút xuống, ông vội thu đồ nghề chạy nhanh vào nhà. "Mưa lớn thế này, lá cây rụng đầy, mai lại mất cả tiếng vớt đây!", ông chép miệng, rồi giơ tay bật một công tắc trong nhà. 6 cây cột đèn quanh ao bừng sáng. "Trời tối rồi, bật đèn để bà con đi lại cho dễ", ông nói.
Hải Hiền