Ông Vinh bất ngờ khi được biết, video do người quen quay cảnh ông lái xe hơn một tuần trước lại được nhiều người chia sẻ. "Tôi có thâm niên lái xe 11 năm. Bây giờ thấy sức khỏe tốt, mắt sáng và luật không cấm nên vẫn tiếp tục", ông Vinh chia sẻ.
Trên thế giới, việc những người 80-90 tuổi vẫn lái xe là chuyện bình thường, bởi sức khỏe tốt cũng như văn hóa sử dụng ôtô từ lâu. Nhưng tại Việt Nam, hầu hết những người ở độ tuổi này có sức khỏe yếu và không được tiếp cận với ôtô. Vì vậy, những người như ông Vinh là số hiếm.
Ông Vinh điều khiển xe tại thị trấn Lạt. Video: Văn Mão
Từng tham gia quân đội rồi phục viên, ông Vinh lập gia đình và có bốn người con đều đã trưởng thành. 11 năm trước, ông Vinh thuyết phục vợ và các con cho đi học bằng lái ôtô và được chấp nhận.
Người đàn ông 71 tuổi khăn gói gần 80 km xuống thành phố Vinh đăng ký hồ sơ, kết quả khám sức khỏe đạt. Hàng ngày ông Vinh chăm chỉ học thực hành và lý thuyết. Do có chút lo lắng vì tuổi cao hơn các học viên khác nên ông thuê thêm thầy giáo tăng thời gian thực hành để vững tay lái. Vài tháng sau, học viên ngoài 70 tuổi làm chủ, điều khiển xe thành thạo khiến thầy giáo ngạc nhiên.
"Hôm thi tôi bình tĩnh và đạt 90 điểm thực hành. Còn lý thuyết thì không làm khó được tôi", cụ Vinh nói và cho biết lúc đó một số thầy dạy lái còn hứa đài thọ một chuyến du lịch miễn phí vì "ngưỡng mộ thí sinh cao tuổi", song không nhận lời.
Có bằng, vợ chồng cụ ông mua một xe Vios hơn 700 triệu đồng. Lúc rỗi ông Vinh chở người thân đi du lịch, công việc. Thi thoảng có người ở khối xóm, hay bạn bè thuê chạy dịch vụ đi Vinh hay các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh ông đều nhận lời để kiếm thêm thu nhập.
Tháng 2 vừa qua, ông để lại xe cũ cho con trai, rồi mua một xe khác vẫn là Vios. "Dù vẫn có thể điều khiển xe liên tục vài trăm cây số, những năm gần đây tôi không chạy dịch vụ nữa. Chủ yếu hàng ngày một mình đi chợ và thăm thú bạn bè, người thân trong thị trấn", cụ ông 82 tuổi nói.
Hơn chục năm lái xe, ông Vinh nhận thấy nhiều vụ tai nạn bắt nguồn từ việc cho xe lấn làn, ngược chiều, vượt đèn đỏ, không nhường đường ưu tiên. Do đó, cụ ông thường tăng tần xuất sử dụng còi để nhắc nhở người tham gia giao thông.
Ông Vinh chăm sóc đàn ong tại vườn nhà. Ảnh: Yên Thành
"Lúc xe chạy thì tay phải đặt sát còi để thao tác thuận tiện. Đồng thời tuân thủ tốc độ cho phép và mật độ giao thông thực tế để tăng giảm phù hợp", ông Vinh nói về kinh nghiêm và khẳng định bản thân không gặp khó khăn gì trong các thao tác điều khiển xe.
Tuy vậy, sử dụng còi lại là thứ không được khuyến khích trong văn hóa lái xe ở hầu hết các nước trên thế giới và cả Việt Nam bởi ô nhiễm tiếng ồn, gây khó chịu cho người khác. Hãng xe Ford từng chạy khá nhiều chiến dịch để thay đổi thói quen sử dụng còi của người Việt.
Người đàn ông ngoài 80 tuổi tiết lộ thêm, bản thân không uống rượu bia, hút thuốc. Thời gian trước mỗi khi chạy xe đường dài, ông Vinh chỉ uống một chai nước tăng lực khi nghỉ giải lao. Ông chia sẻ rằng, sẽ tiếp tục sử dụng ôtô đến lúc cảm thấy sức khỏe không đảm bảo.
Ông Nguyễn Tiến Long, Bí thư, kiêm khối trưởng khối 1 (thị trấn Lạt), cho hay ngoài việc lái ôtô, hàng ngày ông Trần Đình Vinh còn làm vườn, nuôi chục đàn ong mật, tham gia nhiều sinh hoạt tại khối.
"Người có sức khỏe tốt và minh mẫn như cụ Vinh thì ở địa phương rất hiếm", ông Long nói.
Luật Giao thông đường bộ quy định người đủ 18 tuổi trở lên được lái ôtô tải, máy kéo có người trọng tải dưới 3.500 kg trở lên, ôtô chở người đến 9 chỗ. Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe.
Nguyễn Hải