Thậm chí, một số người dự đoán rằng loại linh kiện này có thể dẫn tới sự sụp đổ của dòng ôtô động cơ đốt trong. Có nghĩa ôtô điện có thể chiếm ưu thế trước sự bất lợi của đối thủ.
Thực tế, việc cung ứng linh kiện ôtô đã bị nghẽn lại do xung đột Ukraine - quốc gia vốn đóng vai trò quan trọng trong ngành sản xuất trên toàn thế giới, và các loại đầu nối xuất đi từ đây được dùng cho hàng trăm nghìn ôtô mới mỗi năm.
Loại linh kiện công nghệ thấp và ít lãi - được làm từ dây kim loại, nhựa và cao su với mức nhân công chi phí thấp - có thể không tạo ra danh tiếng cho những thứ liên quan, nhưng ôtô lại không thể được sản xuất nếu thiếu chúng.
Tình huống này có thể khiến đẩy nhanh tốc độ đối với những kế hoạch chuyển dịch sang xe điện của một số hãng ôtô. Họ sẽ muốn hoặc bị ép sang hướng sản xuất các mẫu xe điện với những loại đầu nối và dây dẫn thế hệ mới nhẹ hơn, và do máy móc làm ra thay vì con người.
Các công nhân tại một hãng sản xuất và lắp ráp đầu nối và dây dẫn ở Mexico để xuất khẩu sang Mỹ, ngày 27/4/2017. Ảnh: Reuters
Lúc này, ôtô động cơ đốt trong vẫn chiếm phần lớn doanh số xe mới toàn cầu. Xe điện đã tăng gấp đôi doanh số vào 2021, đạt 4 triệu chiếc, nhưng vẫn chỉ chiếm 6% tổng doanh số, theo JATO Dynamics.
Makoto Uchida, giám đốc điều hành Nissan, nói rằng sự đứt gãy chuỗi cung ứng, như cuộc khủng hoảng Ukraine, đã khiến hãng phải thảo luận với các nhà cung ứng về việc từ bỏ loại đầu nối giá rẻ.
Nhưng về trung hạn, các hãng ôtô cùng các nhà cung ứng sẽ phải chuyển việc sản xuất đầu nối sang những quốc gia khác có chi phí thấp hơn.
Mercedes từng phải dùng máy bay chở đầu nối từ Mexico. Còn một số nhà cung ứng Nhật Bản phải tăng sản lượng ở Morocco, trong khi những hãng khác phải tìm kiếm các dây chuyền sản xuất mới ở những quốc gia như Tunisia, Ba Lan, Serbia và Romania.
Các đầu nối cho ôtô dùng nhiên liệu hóa thạch sẽ nhóm các đường dây với nhau và hệ thống dây có thể dài trung bình tới 5 km mỗi xe. Hệ thống dây kết nối mọi thứ với nhau, từ bộ sưởi ghế tới cửa kính. Đó là lĩnh vực thâm dụng lao động, và gần như mỗi mẫu xe đều có những đặc trưng, nên việc chuyển dịch sản xuất rất khó diễn ra nhanh chóng.
Những đứt gãy cung ứng ở Ukraine chính là sự đánh thức sỗ sàng đối với ngành công nghiệp ôtô. Các hãng ôtô và nhà cung ứng có nói, các nhà máy vẫn mở cửa chỉ nhờ sự kiên định của công nhân ở đó, những người giữ được dòng chảy nhỏ về linh kiện giữa những lần mất điện, những đợt báo động phòng không và lệnh giới nghiêm.
Adrian Hallmark, giám đốc điều hành Bentley, nói rằng hãng siêu sang Anh từng sợ mất đi 30-40% sản lượng năm 2022 do thiếu đầu nối. Tìm kiếm các nguồn sản xuất thay thế là rất phức tạp bởi thực tế, những đầu nối thông thường đã có 10 linh kiện khác nhau từ 10 nhà cung ứng khác nhau ở Ukraine.
Hallmark thêm rằng những vấn đề về cung ứng đã giúp sự tập trung của hãng trở nên sắc bén và đầu tư vào việc phát triển đầu nối đơn giản cho xe điện - thứ sẽ hoạt động bằng một máy tính trung tâm. Hãng xe Anh - một chi nhánh của tập đoàn Volkswagen - có kế hoạch về một dòng xe thuần điện đến hết 2030.
"Mô hình của Tesla - một khái niệm hoàn toàn khác biệt về việc đi dây - là thứ mà chúng tôi không thể thay đổi theo chỉ sau một đêm", Hallmark thêm. "Đó là sự thay đổi về nền tảng theo cách mà chúng ta thiết kế ôtô", vị CEO nhận xét.
Đầu nối thế hệ mới, được sử dụng bởi các hãng xe điện bẩm sinh, như Tesla, có thể được làm ra ở những khu vực thuộc dây chuyền sản xuất tự động và sẽ nhẹ hơn - một yếu tố quan trọng bởi giảm trọng lượng xe điện là yêu cầu hàng đầu để tăng quãng đường đi được.
Nhiều lãnh đạo và chuyên gia được phỏng vấn nói rằng ôtô dùng nhiên liệu hóa thạch - dòng xe đối mặt với những lệnh cấm ngày càng nhiều ở châu Âu và Trung Quốc - có thể không tồn tại đủ lâu để chỉnh lại thiết kế giúp chúng sử dụng được loại đầu nối thế hệ mới. Sandy Munro, một nhà tư vấn ôtô ở Michigan, Mỹ, ước tính xe điện sẽ chiếm một nửa tổng doanh số toàn cầu đến hết 2028.
Walter Glück, người đứng đầu Leoni - hãng chuyên hệ thống dây dẫn ở Ukraine - nói rằng nhà cung ứng này đang làm việc với các hãng ôtô để đưa ra những giải pháp mới và tự động cho đầu nối trên xe điện.
Leoni đang tập trung vào các đầu nối mô-đun hoặc chia theo khu vực - thứ có thể chia thành 6-8 linh kiện, đủ ngắn cho việc tự động hóa trong lắp ráp và giảm độ phức tạp.
Trong số các hãng xe, BMW cũng đang hướng tới việc sử dụng loại đầu nối dạng mô-đun, cần ít chip cũng như ít dây dẫn hơn. Nhờ đó, có thể tiết kiệm được không gian sử dụng cũng như làm ôtô nhẹ hơn. Loại đầu nối mới có thể giúp việc nâng cấp không dây đối với chiếc xe trở nên dễ dàng hơn - lĩnh vực mà Tesla đang thống trị.
Một phần hệ thống dây dẫn trên xe điện Tesla. Ảnh: Inside EVs
Trên mẫu Tesla Model S, tổng chiều dài của hệ thống dây dẫn chỉ khoảng 3 km, tức ít hơn hẳn so với mức trung bình 5 km đã nêu, và Model 3 chỉ là 1,5 km nhờ cách thiết kế linh kiện tích hợp nhằm giảm lượng dây dẫn phải sử dụng. Thậm chí, hãng xe Mỹ đặt mục tiêu chỉ cần dùng 100 m dây dẫn trên xe điện.
CelLink - startup ở California - đã phát triển một kiểu "đầu nối mềm" tự động, phẳng và dễ lắp đặt, và họ đã gọi được khoản đầu tư 250 triệu USD hồi đầu năm nay từ các hãng gồm BMW cũng như các nhà cung ứng ôtô như Lear Corp và Robert Bosch.
Giám đốc điều hành Kevin Coakley không nêu đích danh các khách hàng, nhưng nói rằng loại đầu nối của CelLink đã được lắp đặt cho gần một triệu xe điện. Thực tế, chỉ Tesla mới có số lượng xe điện lớn ở mức này, nhưng hãng Mỹ không đưa ra bình luận.
Coakley nói rằng nhà máy mới 125 triệu USD của CelLink đang được xây dựng ở Texas với 25 dây chuyền sản xuất tự động có khả năng chuyển đổi các thiết kế khác nhau trong khoảng 10 phút vì linh kiện được sản xuất từ dữ liệu kỹ thuật số.
Hãng đang làm việc về xe điện với một số hãng ôtô và tính việc xây dựng một nhà máy khác ở châu Âu.
Trong khi thời gian sản xuất đối với việc thay đổi một đầu nối thông thường có thể tới 26 tuần, Coakley nói hãng của mình có thể giao các sản phẩm đã thiết kế lại chỉ trong hai tuần.
Tốc độ như thế là thứ mà các hãng xe truyền thống đang tìm kiếm khi tham gia thị trường xe điện, theo Dan Ratliff, một chuyên gia tại Fontinalis Partners có trụ sở tại Detroit.
Suốt những thập kỷ qua, ngành công nghiệp ôtô không cảm thấy phải vội vã để suy nghĩ lại về một phần của ngành, như đầu nối. Nhưng Tesla đã làm thay đổi điều đó, Ratliff nhận xét.
Mỹ Anh (theo Reuters)