Chuyên mục  


Là một trong các địa phương có dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Thái Bình coi việc chống dịch bệnh nguy hiểm này "như chống giặc".
Từ nhiều ngày nay, các đường làng trong xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đều phủ trắng vôi bột. Mỗi sáng sớm, cán bộ thú y lại đi phụ thuốc khử trùng khắp các đường làng, ngõ xóm.
Liên tục di chuyển từ ủy ban xã đến các hộ dân nuôi lợn, ông Phạm Văn Bốn, Trưởng ban Chăn nuôi thú y xã Đông Hải, cho biết: “Từ khi phát hiện lợn mắc bệnh đầu tiên tại nhà chị Nguyễn Thị Duyên vào ngày 26.2, đến nay trong xã ngày nào cũng có lợn chết. Chúng tôi liên tục phải lấy mẫu xét nghiệm rồi tiêu hủy lợn, ngày nào cũng phải đi rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng và phân công người trực 24/24”.
Đến ngày 4.3, xã Đông Hải đã tiêu hủy 87 con lợn chết do dịch tả châu Phi. Một trong những người chịu thiệt hại nhiều nhất chính là vợ chồng chị Nguyễn Thị Duyên (39 tuổi, thôn Đồng Cừ, xã Đông Hải) nơi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi đầu tiên ở huyện Quỳnh Phụ. Con đường dẫn vào khu chăn nuôi của vợ chồng chị Duyên được rắc trắng vôi bột. Chuồng trại nhà chị Duyên cũng trắng xóa màu vôi.
Chị Nguyễn Thị Duyên lo lắng khi đàn lợn cứ chết dần
Ảnh Lê Tân
Đứng tần ngần nhìn đàn lợn đã mất hơn 30 con vì dịch bệnh", chị Duyên buồn bã nói: “Từ hôm 23.2, lợn cứ chết dần. Tôi đã tiêu hủy 33 con lợn bị bệnh. Hôm nay lại có 1 con bỏ ăn nên tôi đã phải cách ly và báo cho cán bộ thú y. Gia đình chúng tôi lo lắm, lợn chết hết thì chúng tôi chắc cũng không sống nổi. Cả nhà 7 miệng ăn chỉ trông chờ vào đàn lợn”.
Chị Duyên cho biết, mấy hôm nay không còn tâm trạng để làm gì, cứ ngồi trông nhà rồi lại đi vào chuồng lợn xem có con nào bỏ ăn hay không. Đàn lợn cứ chết dần chết mòn mang theo tiền của của gia đình.
Chốt kiểm dịch được lập ở nhiều nơi để kiểm soát không cho dịch bệnh lây lan
Ảnh Lê Tân
Bên cạnh việc căng mình chống dịch, các hộ chăn nuôi cũng bày tỏ nỗi lo về sinh kế sau đại dịch. Một trong những hộ chịu thiệt hại nhất xã An Dục vì bệnh dịch tả lợn châu Phi là nhà anh Nguyễn Văn Chiến (39 tuổi, ngụ thôn Việt Thắng). Anh Thắng than thở: “Cả đàn lợn hơn 49 con (khoảng hơn 5 tấn) đã phải tiêu hủy hết rồi. Chúng không biết sẽ làm gì để sống cả. Mấy hôm nay bí quá, gia đình phải bán cả thóc để lấy tiền tiêu. Rất mong nhà nước sớm có hỗ trợ để chúng tôi có thể tái xây dựng đàn lợn khi hết dịch”. 

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020