Vài năm trước, Hallie Parker, 33 tuổi, tham gia một nhóm WhatsApp gồm những phụ nữ thuộc Gen Y (sinh năm 1980 đến 1996). Các thành viên tự gọi mình là "bà mẹ già" bởi hầu hết đều gần 40 tuổi mới sinh con đầu lòng.
Một nửa trong nhóm có hai con, bao gồm Parker. Số còn lại chỉ có một con và không có kế hoạch sinh thêm. Tuy nhiên, Parker là người duy nhất trong nhóm là con một.
"Nếu bạn có thắc mắc về con một, hãy hỏi tôi", Parker nói.
Ngay lập tức cô nhận hàng loạt câu hỏi: Bạn có cô đơn không? Bạn có muốn có anh chị em không? Bố mẹ bạn đã làm gì để bình thường hóa điều đó?
Theo các chuyên gia, sự lo lắng trong các cuộc trò chuyện trên nhóm chat của Parker cho thấy con một ở Mỹ vẫn bị coi là trường hợp bất thường về mặt nhân khẩu học. Hầu hết người Mỹ cho rằng những người không có anh chị em thường cô đơn, sống ích kỷ và khó hòa đồng.
Năm 1978, Hội đồng Quốc gia về quan hệ gia đình của Mỹ công bố một bài báo có tựa đề "Gia đình một con: Một phong cách sống mới" trong đó coi hiện tượng gia đình một con là "phản văn hóa". Thời điểm này, chỉ khoảng 11% gia đình Mỹ sinh một con. Đầu năm 2015, con số đó tăng gấp đôi lên 22%. Trong khi các gia đình đông con dần trở nên thưa thớt.
Đầu những năm 1980, 28% phụ nữ ở Mỹ sinh bốn con trở nên. Đến năm 2010, con số này chỉ còn 10%. Các gia đình sinh một con có thể là kết quả ít được mong muốn nhất khi người Mỹ hình dung về cuộc sống trong mơ. Nhưng trên thực tế, đây là cấu hình gia đình phát triển nhanh nhất ở đất nước này.
Có nhiều lý do khiến các vợ chồng chỉ sinh một con. Trong nửa thế kỷ qua, chi phí nuôi con tăng nhanh hơn so với lương trung bình. Phụ nữ Mỹ sinh con muộn hơn vì kết hôn muộn. Sự chậm trễ này thể hiện rõ rệt nhất ở nhóm có trình độ học vấn cao.
Như những phụ nữ trong nhóm trò chuyện của Parker từng muốn sinh nhiều con. Nhưng khi chịu đựng gánh nặng về kinh tế và thể chất sau khi sinh con đầu lòng khiến họ thay đổi suy nghĩ.
Trong cuộc khảo sát năm 2021, khoảng 1/4 phụ huynh nêu lý do không sinh thêm con là do eo hẹp về tài chính. Chi phí trung bình để nuôi một đứa trẻ ở Mỹ đến năm 18 tuổi là 310.000 USD năm 2022. Còn nếu tính thêm bốn năm đại học, mức phí này phải tăng gấp đôi.
Chi phí sinh hoạt tăng, kết hôn muộn khiến nhiều vợ chồng Mỹ chỉ sinh một con. Ảnh minh họa: Rebecca Zisser/BI
Nhà tâm lý học xã hội Toni Falbo sau khi xem xét 141 nghiên cứu về sự phát triển tính cách ở con một, kết luận không có khác biệt so với những đứa trẻ có anh chị em. Họ còn có thể đạt thành tích tốt hơn đáng kể so với các nhóm khác về động lực thành tích và sự điều chỉnh cá nhân.
"Con một không hề nhút nhát hay cô đơn hơn, chúng có thể tự tìm cách giải trí và giải quyết vấn đề của mình", bà Toni nói.
Bà cũng cho biết những đứa trẻ là con một cũng không ngại ăn một mình. Họ rất giỏi trong việc xây dựng tình bạn thân thiết giống như gia đình. Sự thoải mái khi ở một mình có thể giúp họ từ chối những mối quan hệ không lành mạnh.
Không chỉ có thành tích cao, nhóm này rất độc lập, có lòng tự trọng và nhiều khả năng trở thành CEO hơn những đứa trẻ khác.
Nhưng thành công của họ có thể liên quan đến gia cảnh hơn khuynh hướng tính cách. Các gia đình có con một có xu hướng được giáo dục nhiều hơn và giàu có hơn. Điều này mang lại cho trẻ em một lợi thế kép: cha mẹ có nhiều thời gian và tiền bạc để chi tiêu khi ít con cái phải chăm sóc.
Trong cuộc trò chuyện với mọi người, Parker luôn trấn an những bà mẹ lo lắng về đứa con duy nhất. Người phụ nữ 33 tuổi nói tự hào khi là con một và biết điều đó mang lại nhiều cơ hội hơn. Như việc cô được trải nghiệm bộ môn cưỡi ngựa, điều mà cha mẹ sẽ không đủ khả năng chi trả nếu có thêm con.
Trước định kiến "con một sống ích kỷ", Parker lại luôn hào hứng chia sẻ đồ ăn vặt và đồ chơi của mình với bạn bè.
Theo các chuyên gia "thời đại của con một" đã đến, dù mang theo một số điểm yếu.
Corinne Lyon là một giáo viên trường công ở Detroit, bang Michigan. Là con một trong gia đình, cô nói bản thân được nhận những đặc quyền riêng nhưng cũng phải chịu áp lực rất lớn để thành công, một phần do gánh nặng tài chính mà họ phải chịu. Không có anh chị em giúp đỡ, cô cũng phải đối mặt với viễn cảnh trở thành người chăm sóc duy nhất cho cha mẹ.
"Nếu có cơ hội và điều kiện kinh tế, tôi muốn được sinh nhiều con", người phụ nữ 36 tuổi sẽ kết hôn vào năm sau nói.
Minh Phương (Theo Insider)