Anh chuyên gia kỹ thuật người Nhật của một nhà máy may ở Bình Thuận không ngờ định mệnh đã buộc hai người lại với nhau, bất chấp họ tìm cách để rời xa.
"Lần đầu gặp cô ấy, tôi đặc biệt ấn tượng với chiếc váy đầy chất nữ tính nổi bật trong một môi trường toàn quần áo công nhân", Suzuki, 47 tuổi, kể. Ấn tượng của anh với cô phiên dịch Hoàng Viết Tuyên càng sâu đậm hơn khi nghe cô phát biểu và đối chất với khách hàng về xây dựng hệ thống quản lý chất lượng của nhà máy.
Chưa đầy một tháng Suzuki nhận công tác, chị Tuyên được điều động làm phiên dịch riêng cho anh. Ngày đầu thấy cô gái Việt ngồi cạnh, mắt Suzuki sáng lên nhưng người đàn ông quê Tokyo nhanh chóng thể hiện mình là một người khắt khe và nghiêm túc với công việc.
Chị Tuyên thì ấn tượng với Suzuki bởi "anh đòi hỏi mọi việc phải chính xác đến tuyệt đối đến mức khó thở". "Tôi gửi hàng vào TP HCM đúng hôm trong đó ngập nên đến muộn. Anh bảo tôi phải dự tính trong đầu những thứ đó để gửi sớm đi. Trong khi thời tiết thì ai mà dự chính xác được", chị kể. Anh hay la lối và nói nhiều đến nỗi Tuyên bảo với đồng nghiệp "Sau ai lấy ông này khéo ung thư lỗ tai".
Làm việc với Suzuki, chị Tuyên nhận ra anh là người có trái tim ấm áp, luôn tìm cách giúp đỡ công nhân khó khăn trong nhà máy. Kiến thức về ngành may mặc của chị cũng ngày một dày lên nhờ được anh chỉ bảo cặn kẽ.
Anh chuyên gia Nhật cũng ngày một thương cô phiên dịch Việt. Hàng ngày, được làm việc với Tuyên khiến cuộc sống độc thân, khô khan của anh bỗng dễ chịu hơn. Anh nhận ra mình thích đến công ty mỗi ngày vì được nhìn thấy cô gái Việt ngồi bàn bên cạnh. Dẫu vậy, khi mọi người hỏi "anh thích cô Tuyên hả", Suzuki đáp dứt khoát "Tôi không muốn yêu phụ nữ đơn thân. Cô có hai con sao tôi nuôi nổi". Là đàn ông chưa từng lập gia đình, anh không muốn kết hôn với phụ nữ có con. "Trong lòng tôi là một cuộc đấu tranh mệt mỏi giữa cảm xúc và lý trí", anh nhớ lại.
Dịp sinh nhật con út của chị Tuyên, Suzuki cùng đồng nghiệp đến nhà chị chơi. Khi khách về hết, anh vẫn ở lại đến muộn mới chịu rời đi. Hôm sau, khi vô tình gặp nhau ở cổng nhà máy, Suzuki gọi với chị Tuyên bảo: "Tôi thích cô lắm, mà lấy nhau, làm sao tôi nuôi được hai đứa con của cô đây?".
Vợ chồng chị Tuyên bên con trai thứ hai, trong ngày lễ tốt nghiệp của trẻ em Nhật Bản, tháng 3/2020. Ảnh: Tuyen Chan
Kể từ đó, cứ cuối tuần, Suzuki lại đến nhà chị Tuyên chơi. Anh thấy nhà bẩn liền cầm chổi quét, thấy đồ đạc lộn xộn là xắn tay dọn, chơi cùng các con để mẹ nấu ăn. "Tôi nhận ra cô ấy không chỉ là một nhân viên có năng lực mà còn là mẹ tốt. Các con của Tuyên cũng đáng yêu", anh nói.
Nhưng khi Suzuki tỏ tình, chị Tuyên lập tức từ chối. Chia tay chồng khi con đầu hai tuổi, con thứ hai ba tháng, vết thương lòng khiến chị không còn thiết tha gì với cuộc sống gia đình. "Tôi chẳng có tâm trạng nghĩ đến yêu đương. Yêu trai tân thì càng không", chị nói.
Thấy anh chàng người Nhật kiên trì muốn tiến đến, chị nói thẳng: "Tôi già, xấu, lại có hai con, làm sao chúng ta có thể thành một đôi". Suzuki nhìn chị rồi mỉm cười: "Điều đó chỉ chứng minh một điều em đã rất vất vả để có được hai thiên thần". Sau hôm đó, họ thành đôi.
Biết con có bạn trai, mẹ chị giục "để cháu cho bà nuôi rồi lấy chồng", nhưng chị quyết không rời xa con dù bất cứ lý do gì. Tuyên xác định ở bên bạn trai để khỏa lấp cô đơn, xoa dịu nỗi đau sau đổ vỡ. Chị luôn yêu trong tâm thế rồi một ngày bạn trai sẽ rời đi.
Nhưng biến cố đời Tuyên không dừng lại ở đó. Năm 2016, mẹ chị bị u não. Trước phút vào phòng mổ, bà mới cho con gái biết bị lừa nên mang một khoản nợ lớn. Rời phòng mổ, mẹ chị biến thành đứa trẻ ba tuổi, gia sản tiêu tan, lương hàng tháng của chị cũng dồn trả nợ. Từ con nhà khá giá, Tuyên phải đưa cha mẹ già và hai con ra ở trọ. Ngày ngày, chủ nợ kéo đến đập cửa phòng. Chị phải tăng ca, cuối tuần ra cảng cá mua về bán cho khách TP HCM. Cứ có chút thời gian rảnh, chị làm chả cá, bánh tét, phơi cá khô, chà bông... để bán.
Những ngày khó khăn ấy, ngoài động viên tinh thần, Suzuki còn đến nhà chăm con để chị đi làm. Biết bạn gái khó khăn, mỗi tuần, anh tự ra chợ mua đồ ăn để kín tủ lạnh.
"Anh càng tốt tôi lại càng áy náy. Khi yêu anh rồi, tôi lại muốn chia tay", chị Tuyên hồi tưởng.
Sau ba năm bên nhau, bà mẹ đơn thân vì tự ti mà liên tục kiếm cớ rời xa bạn trai. Suzuki chuyển công tác đến Bình Định nửa năm để quên người yêu cũ, rồi quyết về nước. Trước ngày rời Việt Nam, anh hẹn chị gặp mặt lần cuối.
Nhưng khi chạm mặt nhau, lý trí không thể thắng nổi trái tim. Ba tháng kể từ lần gặp ấy, Tuyên phát hiện có thai. Họ đăng ký kết hôn, biết chẳng còn lý do để rời xa nhau.
Anh Suzuki bên ba con trong dịp Giáng sinh, năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Năm 2019, mẹ chị mất mà không kịp nhìn mặt đứa cháu ngoại thứ ba. Khoản nợ Tuyên gồng gánh trả cũng vừa hết. Cả gia đình năm người chuyển về Nhật.
Ngày ra mắt mẹ chồng, cả Tuyên và Suzuki đều lo lắng, sợ bà không chấp nhận cô con dâu chưa có việc làm, lại có hai con riêng.Nhưng hôm đó, mẹ chồng Nhật gọi riêng nàng dâu Việt, dặn: "Con không được có tư tưởng hai bé đầu là con riêng của con, không được phép để chồng có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào với bọn trẻ, không được để chúng tổn thương. Ba mẹ đã nói rất rõ với Suzuki, nó lấy con thì phải coi hai con của con như con ruột. Khó khăn gì hãy cứ gọi cho mẹ".
Mẹ chồng chị Tuyên thường đi tàu vài tiếng đồng hồ đến nấu ăn, dọn nhà cho con dâu đi làm, tối lại lên tàu về. Bà cũng mua mỹ phẩm cho chị và nhắc nhở "phải yêu chiều bản thân". "Mẹ thường nói với vợ chồng tôi, nhìn người phụ nữ vui vẻ, hạnh phúc chứng tỏ cô ấy có người chồng tốt", chị kể.
Suzuki vào bếp nấu ăn, chia sẻ việc nhà với vợ. Ảnh: Tuyen Chan
Suzuki cũng làm đúng như những gì mẹ anh căn dặn. Anh thường chọn cho hai con lớn những bộ đồ đồ đẹp, đắt tiền. Anh bảo vợ, con là người ngoại quốc, mới hòa nhập, không rành tiếng thì phải ăn mặc đẹp để bạn bè không dò xét.
Chị Ngô Hiền, 39 tuổi, bạn thân của chị Tuyên cho biết, từ khi kết hôn với Suzuki, Tuyên như trở thành con người khác, vui vẻ và hạnh phúc hơn. "Ban đầu, tôi lo cho Tuyên, nhưng khi gặp Suzuki, nhìn anh chơi đùa cùng hai con riêng của bạn, cõng chúng trên vai, tắm rửa, cho ăn, tôi tin anh ấy là người tốt", chị Hiền nói.
Hiện tại, vợ chồng anh đều làm quản lý đơn hàng sản xuất quần áo ở Tokyo. Kinh tế để nuôi con không đáng sợ như anh chồng Nhật tưởng tượng. Suzuki hàng ngày nấu ăn cùng vợ, dậy sớm khâu chiếc mũ sứt chỉ cho các con trước giờ đến lớp, tự tay gội đầu, sấy tóc cho các con.
"Anh như nàng Tấm, cứ vợ con đi chơi về là nhà cửa, cơm nước tinh tươm. Chồng là sự bù đắp cho những bất hạnh tôi từng trải qua trong đời", chị Tuyên nói.
Phạm Nga