Hàng năm, không biết bao nhiêu người nằm chờ trực ở bệnh viện để giành giật sự sống từ tay của "thần Chết", bởi vậy sự lựa chọn an tử ở tuổi 43 của người phụ nữ tài năng, giàu có ở Thượng Hải (Trung Quốc) gây nhiều xôn xao. Có người đồng cảm, cũng có người oán trách tại sao cô không cố gắng đến phút giây cuối cùng. Không phải lý do thất tình, cũng không phải làm ăn thua lỗ, lý do gì khiến một người phụ nữ có tất cả trong tay lại lựa chọn ra đi ở tuổi 43?
Sự ra đi của Sa Bạch - 43 tuổi gây chấn động ở Trung Quốc. Cô là người phụ nữ xinh đẹp, thông thái với thu nhập hàng triệu USD mỗi năm. Cô đã đi qua 40 quốc gia và thông thạo nhiều ngôn ngữ. Sa Bạch còn biết múa, đàn piano, vẽ, thậm chí cả đấm bốc.
Ngày 24/10, Sa Bạch đăng video cuối cùng của cuộc đời mình một cách an nhiên tại Thụy Sĩ và sau đó, tự nguyện đến cơ sở an tử để kết thúc cuộc đời giàu có nhưng đầy đau khổ của mình.
Sa Bạch - 43 tuổi (người Thượng Hải, Trung Quốc).
01. Sa Bạch là ai?
Sa Bạch sinh ra trong một gia đình trung lưu tiêu biểu của Thượng Hải. Cha cô là giáo viên dạy Toán ưu tú tại một trường trung học ở Thượng Hải, đã ra đề thi đại học nhiều năm. Gia đình họ có 5 căn nhà ở Thượng Hải - một thành phố có giá đất cực kỳ đắt đỏ. Nhìn chung, Sa Bạch sinh ra và lớn lên trong một gia đình có văn hóa, có tiền bạc và cũng có tình yêu thương. Cha mẹ cô không đặt nhiều yêu cầu cho cuộc sống của cô, chỉ mong cô hạnh phúc và vui vẻ.
Từ nhỏ Sa Bạch đã tự lập, có ý kiến riêng. Cô tự quy định mình phải hoàn thành bài tập về nhà mới được phép ra về. Cô tự sắp xếp thời gian học piano, học vẽ, sau đó thông báo cho cha mẹ tìm giáo viên. Cô học tiếng Anh một cách lưu loát, sau đó tự học tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp và tiếng Ý.
Sau đó cô đi du học và làm việc ở Mỹ và Singapore. Trở về nước, cô chuyển nghề thành giáo viên TOEFL, tự mình khởi nghiệp và mở studio. Ngay năm đầu tiên đã kiếm được 1,8 triệu nhân dân tệ (khoảng 6.2 tỷ đồng). Có thể nói, cô chính là đỉnh cao của giới tinh hoa.
02. Bệnh lupus ban đỏ
Nhưng sau ánh hào quang của sự nghiệp là sức khỏe ngày càng tụt dốc. Sa Bạch được chẩn đoán mắc bệnh lupus ban đỏ vào lúc 20 tuổi và đã phát bệnh 7 lần, mỗi lần nghiêm trọng hơn lần trước. Lupus là một bệnh tự miễn dịch mãn tính, thường tái phát và không thể chữa khỏi, nhưng y học hiện đại có thể kiểm soát và cải thiện tình trạng bệnh, cho phép bệnh nhân sống một cuộc đời bình thường. Tuy nhiên, để kiểm soát tốt, cần sự hợp tác cao độ từ phía bệnh nhân. Nhìn từ góc độ của bác sĩ, Sa Bạch là một bệnh nhân khiến người ta tức giận.
Điều trị lupus cần phải tiêm steroid, nhưng tiêm steroid sẽ làm tăng cân. Nhưng Sa Bạch rất quan tâm đến vẻ ngoài và vóc dáng của mình, "Tôi phải giảm cân, hoặc chết". Vì vậy, cô chỉ uống steroid vài ngày liền tự ý ngừng thuốc.
Cô ngừng uống thuốc khi nào là tùy thuộc vào thời điểm khuôn mặt cô bắt đầu sưng lên. Hơn nữa, bệnh nhân lupus không được phơi nắng. Nhưng cô nói rõ: "Tôi không nghe theo lời khuyên của bác sĩ, tôi vẫn đi phơi nắng".
"Nếu vì mắc bệnh lupus mà tôi không được phơi nắng suốt đời, thì đó có còn là cuộc sống không? Tôi thà sống ít hơn 40 năm, nhưng phải thực sự tận hưởng ánh nắng mặt trời, bãi biển và tận hưởng tất cả tình yêu mà cơ thể đẹp đẽ này mang lại".
Cô không thích làn da nhợt nhạt, cô thích làn da nâu sexy. Sau đó cô đi du lịch khắp nơi, tự tạo cho mình một làn da đen trên bãi biển và cảm thấy tự hào về điều đó.
Bệnh này không cho phép cô làm việc quá sức. Nhưng Sa Bạch thích đi chơi. Cô đi du lịch đến Iceland và Na Uy, "tham gia không biết bao nhiêu hoạt động thể thao mạnh mẽ, làm suy kiệt cả cơ thể".
5 năm trước, cô đã từng bộc phát bệnh lupus. Cô kiên quyết không tiêm steroid, bị bác sĩ mắng như tát nước vào mặt, nhưng vẫn không chịu tiêm. Cuối cùng bác sĩ đã cho cô tiêm Melphalan, một loại thuốc có nguy cơ nhiễm trùng, cần thận trọng khi sử dụng. Nhưng cô nhất quyết tiêm hai mũi và sau đó không phát bệnh lupus trong suốt năm năm. Tuy nhiên, các tác dụng phụ của Melphalan liên tiếp xuất hiện - nhiễm trùng phổi nghiêm trọng, nhiễm trùng da toàn thân, zona...
Tình trạng nghiêm trọng nhất là suy thận, cuối cùng phát triển thành bệnh thận độc. Cô tăng cân từ 45kg lên 65kg, "cơ thể chứa đầy nước". Cô nói, nước trong cơ thể cô thực sự "cứng". Khi ngủ vào ban đêm, lưng cô như có vài tảng đá lớn đè nén lên dây thần kinh, không thể lật người. Cô chỉ có thể đi tiểu trên giường, thậm chí không có sức lực để "nhảy lầu".
Cô mong mình chết đi thôi. Nhưng học sinh của cha cô lại lôi cô đến bệnh viện để chạy thận. Sa Bạch rất ghét quá trình chạy thận. Kim tiêm to gấp hai hoặc ba lần so với kim lấy máu, đâm vào cánh tay cô. Trong suốt hơn nửa năm, cô đã bị tiêm tổng cộng 168 cái kim.
Khi chạy thận, huyết áp của Sa Bạch biến đổi như tàu lượn siêu tốc. Lúc cao, lúc thấp. Huyết áp có thể giảm xuống chỉ còn 75, khiến cô sống không bằng chết.
Vì sức khỏe yếu, cô không thể làm việc, không thể đi du lịch khắp thế giới như trước, thậm chí đi tới Tô Châu cũng khó khăn. Cô còn chê bai rằng việc chạy thận ảnh hưởng đến "quyền yêu" của mình. Vì chạy thận cần tạo một cái lỗ trên tay để dễ dàng tiêm thuốc, thậm chí cô còn không tiện tắm, chưa nói đến việc có một cuộc sống tình dục bình thường. Một lần sau khi chạy thận bốn hoặc năm giờ, cô không chịu nổi nữa. Cô nói với y tá trong đau đớn: "Tôi cảm thấy mình như bị cưỡng hiếp tập thể".
03. Sa Bạch đã cố gắng muốn sống
Trong những tháng gần đây, điều cô mong muốn nhất là ghép thận. Cô muốn dùng nhà cửa để đổi lấy một quả thận từ cô em họ.
Ban đầu, cô em họ còn đồng ý gặp để thảo luận, nhưng cuối cùng thì biến mất không dấu vết. Không có người thân nào sẵn sàng đổi thận, cô chỉ có thể chờ đợi nguồn thận.
Điều này còn khó khăn hơn.
Mỗi năm ở Trung Quốc có 1,5 triệu người cần ghép thận, nhưng chỉ có 1% trong số họ có thể ghép và không biết phải chờ bao lâu. Hơn nữa, Sa Bạch nói rằng căn bệnh của cô không phải chỉ cần ghép thận là có thể chữa khỏi.
Lần này bệnh lupus bùng phát, cô bị tổn thương gan, tim, mật độ xương, đến mức ngang bằng với những người ở độ tuổi 50, 60, thậm chí 70 và 80. Khi các cơ quan trong cơ thể lần lượt suy kiệt, kể cả nếu cố gắng ghép thận, cũng không thể làm gì được.
Sa Bạch cảm thấy mình chỉ còn một lựa chọn cuối cùng.
Đó là đến Thụy Sĩ để an tử.
04. Con đường cuối cùng
Thực ra 20 năm trước, khi cô mới phát bệnh lupus, cô đã nghĩ đến kết cục này. Cô không sợ hãi, ngược lại, cô cảm thấy đó là một "chuyến đi tuyệt vời".
Trước khi quyết định an tử, cô đã xem xét một số vấn đề.
Thứ nhất: "Tôi nghĩ gì về cái chết?"
Sa Bạch thích đọc sách triết học, cô cũng có cái nhìn thoáng đãng về cái chết. Cô nói, cái chết là một phần của cuộc sống hoàn chỉnh.
Sự ra đời của một người đáng được chúc mừng, vì sự sống cho phép chúng ta trải nghiệm vẻ đẹp tuyệt vời của thế giới. Và cái chết cũng đáng được chúc mừng, vì cái chết cho phép chúng ta thoát khỏi đau khổ.
"Sự bất tử thậm chí còn đáng sợ hơn cái chết. Bởi vì cái chết là giải pháp duy nhất để giải quyết một số đau khổ, sự bất tử có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ thoát khỏi một số đau khổ không thể chịu đựng".
Vì vậy, cô hy vọng bạn bè và người thân cũng có thể chấp nhận cái chết của mình. Mở một chai sâm panh, hãy vui vẻ chấp nhận sự ra đi của cô khỏi thế gian này.
Thứ hai: "Tôi có điều gì hối tiếc trong cuộc đời mình không?"
Câu trả lời của Sa Bạch là: Tôi đã sống một cuộc đời tuyệt vời.
Cô nhìn lại cuộc đời ngắn ngủi của mình và cảm thấy nó rất tuyệt vời. Cô đã khám phá sự phong phú và tuyệt vời của thế giới, thu hút rất nhiều tình yêu từ đồng nghiệp, bạn bè, sếp, đàn ông, phụ nữ và cả những người lạ.
Cô luôn được nhiều người yêu thương và chăm sóc. Cô nói rằng, cô không quan tâm đến chiều dài của cuộc sống, cũng không quan tâm đến chiều rộng của nó.
Cô muốn xem từ khi sinh ra đến bây giờ, tình trạng tổng thể của mình có phải là điều cô mong muốn nhất hay không. Vậy thì cô rất tự hào khi nói rằng, nếu cô sống lại một lần nữa, cô cũng không sống tốt hơn bây giờ.
Thứ ba: "Tôi không quan tâm đến những người yêu thương tôi nữa phải không?"
Sa Bạch có mối quan hệ rất tốt với cha cô. Cha cô đã yêu thương cô từ khi cô còn nhỏ cho đến tận bây giờ.
Vì vậy, mặc dù không muốn xa con gái, nhưng ông vẫn tôn trọng quyết định chọn cái chết êm ái của con gái mình.
Và mối quan hệ giữa Sa Bạch và mẹ cô thì lại khác biệt rất nhiều. Trước đây, mối quan hệ thân thiết của họ thậm chí vượt qua rất nhiều mẹ con khác.
Nhưng kể từ khi cô bắt đầu bị bệnh, thái độ của mẹ cô thay đổi đột ngột (Không biết có phải là do tức giận vì Sa Bạch điều trị tiêu cực không). Khi cô bắt đầu uống thuốc steroid, cô trở về nhà trong tình trạng phù nề.
Lời đầu tiên mẹ cô nói khi nhìn thấy cô là: "Con có biết con mắc bệnh này đã gây ra bao nhiêu phiền phức cho mẹ không?"
Khi Sa Bạch tiểu tiện trên giường bệnh hơn 2 tháng, mẹ cô chưa bao giờ đến viện thăm cô dù chỉ 1 lần với lý do không thể bắt nổi xe taxi. Sa Bạch dần chán nản. Khi ấy, thái độ của cô với mẹ là không quan tâm nữa. Còn về cha mình, mặc dù ông không muốn con buông bỏ cố gắng nhưng ông cũng không thể làm gì được.
Tình trạng thể chất hiện tại của cô quá tệ, cô ấy không còn sức lực để nghĩ đến người khác.
Uống nhiều hơn một chai nước có thể gây đau dữ dội trong quá trình lọc máu. Trong thời tiết mùa hè 40 độ ở Thượng Hải, cô cảm thấy lạnh khắp người và đắp chăn điện khi ngủ. Cô ấy cũng bị co giật như động kinh.
Cô cảm thấy đau đớn đến nỗi một ngày dài như cả năm và cô ước mình có thể chết vào ngày mai. Cô cũng cảm thấy quyết định an tử của mình không hoàn toàn ích kỷ mà còn là nỗ lực giảm bớt gánh nặng cho cha cô.
Bố cô năm nay đã 78 tuổi, mẹ cô vẫn đang là bệnh nhân ung thư vòm họng. Rõ ràng, bố cô gặp khó khăn trong việc chăm sóc bản thân mình và mẹ. Cô cảm thấy nếu mình ra đi, cha có thể sống những năm tháng còn lại trong yên bình.
Từ việc xin an tử cho đến khi sang Thụy Sĩ, Sa Bạch đều bình tĩnh, không muốn nói quá là có chút vui vẻ. Cô thường nhìn lịch để đếm ngày: "Tôi còn mong chờ hơn cả Tết Nguyên đán".
Mặc dù bác sĩ tại viện an tử luôn nhắc nhở Sa Bạch rằng con người đều có khát vọng sống. Cũng có người nộp đơn xin trợ tử nhưng sau đó lại "quay xe", nhưng Sa Bạch không có ý định rút lại đơn từ của mình.
Cô mang theo ba thứ và quyết định ra đi: Một mặt dây chuyền của một người bạn, một cuốn sách, một chiếc khăn quàng cổ cha tặng. Trước khi an tử, cô đã quay một đoạn video cuối cùng với cha mình.
05. Lựa chọn của Sa Bạch gây ra tranh cãi thế nào?
Có người cho rằng, chúng ta phải nhìn sự lựa chọn của Sa Bạch từ nhiều góc độ: Khi cô 20 tuổi và 43 tuổi. Có lẽ chúng ta có thể thấu hiểu và tôn trọng người phụ nữ ở tuổi 43 này, nhưng chẳng mấy ai tán thành với cô nàng Sa Bạch ở độ tuổi 20 cả.
Trước tiên, hãy nói về người phụ nữ Sa Bạch ở tuổi 43. Cô bị bệnh urê huyết trầm trọng và các cơ quan trong cơ thể đang dần suy yếu. Chất lượng cuộc sống vốn đã kém và có thể thấy trước rằng nó sẽ còn tồi tệ hơn trong tương lai, cho nên cô không muốn "sống" nữa. Cô muốn đi đến cửa tử một cách bình tĩnh.
Cô cho rằng nếu cuộc đời này quá đau khổ thì thà trả lại vũ trụ còn hơn. Kiểu lạc quan về cái chết này vượt xa suy nghĩ của nhiều người bình thường. Rõ ràng, trong văn hóa của chúng ta, hiểu biết cơ bản nhất là: "Sự sống là quý giá nhất".
Có thể nói, cái chết là điểm cuối cùng của mỗi người. Đó là quy luật khắt khe nhất mà không ai có thể vi phạm. Vì không thể bất tuân nên tốt hơn hết là bạn nên bình tĩnh đối mặt. Khi cái chết đang đến gần, được bước đi một cách cởi mở và bình thản cũng là một sự thanh nhã và tự do hiếm có, có lẽ đó là cảm nhận của Sa Bạch khi cô tìm đến lựa chọn an tử.
Nhưng...
Hãy nhìn lại Sa Bạch của tuổi 20.
Thực ra, nếu lúc đó cô hợp tác tốt với bác sĩ thì tình trạng của cô đã không trở nên trầm trọng như hiện tại. Trong thời gian qua, nhiều bác sĩ lẫn cư dân mạng đều cho rằng bệnh lupus ban đỏ có thể kiểm soát được.
Nhưng Sa Bạch chỉ không muốn sống một cuộc đời hạn chế. Cô muốn vẻ đẹp, tình yêu, sự tự do và trải nghiệm sự phong phú của cuộc sống. Vì vậy, từng bước một cô đã có được như ngày nay. Tất nhiên, nếu chỉ nhìn vào bản thân thì điều này không có gì sai cả.
Có người muốn cẩn thận sống đến 80 tuổi. Có người muốn sống đến 40 tuổi. Đây đều là lựa chọn cá nhân và không ai có quyền bình luận.
Nhưng ở đây, chúng ta phải nghĩ đến một câu hỏi khác: "Con người có thể chỉ sống cho chính mình không?".
Sự lựa chọn tự do của bản thân lại khiến những người thân yêu phải gánh chịu nỗi đau vô cùng lớn. Trong câu chuyện của Sa Bạch, người đau đớn nhất thực ra là cha cô. Người đàn ông 78 tuổi này yêu thương con gái vô cùng tận và cố gắng hết sức để mang lại cho cô cuộc sống tốt đẹp nhất. "Con gái tôi là tất cả đối với tôi" - ông vẫn nói như vậy cho đến hiện tại.
Nhưng người con gái mà ông vô cùng yêu thương này lại nhất quyết muốn tự kết liễu đời mình. Ông cũng phải sang Thụy Sĩ để đồng hành cùng cô trong chuyến hành trình cuối cùng.
Người ta có thể tưởng tượng nó buồn đến mức nào. Trong những ngày cuối đời, ông nhiều lần bày tỏ tình yêu với con gái.
Ông đã nhiều lần khó khăn cố gắng giành lại con gái mình.
Nhiều khi thấy tốt hơn một chút, ông liền trầm giọng cầu xin: "Vậy chúng ta hãy kiên trì thêm một năm nữa nhé?", " Ở lại với bố thêm một năm nữa thì thế nào?".
Nhưng cô con gái đáp lại một cách nịnh nọt: "Con không muốn, con không muốn cố gắng nữa".
Ông chỉ có thể nhìn lên bầu trời, lẩm bẩm một mình: "Tôi nhớ con gái tôi, tôi yêu con gái tôi, tôi yêu con khi con ở đây và tôi yêu con khi con không ở đây. Yêu con mãi mãi".
Đưa đứa con gái yêu quý của mình đi an tử có lẽ là sự thực đau đớn nhất trên thế giới.
Sa Bạch cũng đau khổ. Nhưng cô không cảm thấy mình nợ cha mình bất cứ điều gì.
Suy nghĩ của cô tương đối Tây hóa và cô tin rằng giữa cha mẹ và con cái không có lòng hiếu thảo và lòng biết ơn: "Trong từ điển của tôi không có từ hiếu thảo. Mối quan hệ giữa cha và con gái là mối quan hệ cùng phát triển. Ông ấy không nợ tôi thứ gì, và tôi cũng không nợ ông ấy thứ gì cả".
“Có cha mẹ sinh con vì trống rỗng, cô đơn. Chịu đựng gian khổ là lựa chọn của chính mình”.
Quả thực, sinh con là sự lựa chọn của cha mẹ. Một số cha mẹ quả thực rất tệ hại. Họ không yêu thương, nuôi dưỡng hay dạy dỗ con cái. Nhưng với Sa Bạch, bố cô không như vậy. Ông ấy đã cho cô sự chiều chuộng tối đa, một cuộc sống giàu có và được nuôi dạy tốt, điều đó đã mang lại cho cô một cuộc sống giàu có và tươi đẹp.
Cô không nên biết ơn người cha như vậy sao?
Cô không nên quan tâm đến cảm xúc của ông ấy sao?
Cô có thể chọn một cuộc sống chất lượng cao và sống cuộc sống tốt nhất của cô, kết thúc trong việc an tử. Nhưng nếu tác dụng phụ tuyệt vời này gây ra nỗi đau lớn cho người cha, liệu cô có nên chọn con đường này nữa không?
Đây đều là những câu hỏi cư dân mạng chất vấn dưới những video của Sa Bạch khi cô đăng tải video tâm sự.
Điều này không liên quan gì đến lòng hiếu thảo, đây là tình cảm cơ bản nhất giữa con người với nhau. Đó là đạo lý cơ bản “Bố rất yêu con và đã cho con rất nhiều nên con đương nhiên phải quan tâm đến bố, cố gắng hết sức để là chính mình, không làm bố đau lòng”.
Có người bình luận rằng: "Nếu bạn đã cố gắng hết sức mà vẫn rơi vào tình thế tuyệt vọng thì có lẽ không còn lựa chọn nào khác. Nhưng khi mắc bệnh lupus ở tuổi 20, rõ ràng bạn có thể uống thuốc tốt và kiểm soát được bệnh. Nhưng vì “cuộc sống kiểu này không đáp ứng được kỳ vọng của tôi, tôi chỉ muốn làm đẹp”, và nhất quyết không làm theo lời khuyên của bác sĩ. Dù biết sẽ có vấn đề nhưng bạn vẫn không uống hormone, đi phơi nắng và tập luyện vất vả... Cuối cùng, cơ thể bị phá hủy hoàn toàn. Tự mình đi tìm chết và cha bạn phải chịu đau khổ trên cõi đời này. Liệu đây có phải thực sự là lựa chọn hợp lý, đúng đắn và đáng ngưỡng mộ?".
Cũng một cư dân mạng khác nói rằng: "Nếu người cha có trách nhiệm với con gái thì con gái có phải chịu trách nhiệm với cha không? Tôi không dám kết luận vội vàng. Tất cả những gì tôi có thể nói là nếu là tôi, tôi sẽ cân nhắc đến cảm xúc của bố mẹ. Tôi sẽ cố gắng hết sức để bố mẹ tôi không phải chịu nỗi đau lớn vì những lựa chọn của tôi. Nếu có mệnh đề là "Tôi sẽ chịu nỗi đau trở nên béo và xấu xí", hay "để người cha sắp chết phải chịu nỗi đau mất con gái", tôi sẽ chọn cái trước".
"Cuộc sống dù có tự do đến đâu thì cũng sẽ luôn phải gánh chịu đủ loại xiềng xích - tình bạn, lương tâm, trách nhiệm... Không ai có thể sống hoàn toàn cho chính mình. Không ai nên gác lại mọi thứ chỉ để vui vẻ và hạnh phúc. Những người hoàn toàn tự cho mình là trung tâm và có quyền tự do làm bất cứ điều gì họ muốn có vẻ tiến bộ và văn minh nhưng thực chất họ ích kỷ, không đáng được khen ngợi" - một người dùng mạng khác bày tỏ quan điểm.