"Nếu tôi khiến cô ấy cảm thấy bất cứ điều gì khác ngoài sự tôn trọng, tôi thực sự xin lỗi", MC Ryan Seacrest tuyên bố khi bị khởi kiện quấy rối tình dục stylist riêng vào năm 2018.
"Không ai trong số họ buộc tội tôi vì bất kỳ điều gì khác, có lẽ, họ chỉ không thích những trò đùa của tôi", doanh nhân, chính trị gia Michael Bloomberg nói về những "bình luận thô thiển, phân biệt giới tính" đối với nhân viên nữ.
"Tôi trưởng thành vào những năm 60-70, khi tất cả quy tắc về ứng xử và nơi làm việc đều rất khác. Đó là văn hóa thời đó", nhà sản xuất phim, tội phạm hiếp dâm bị kết án Harvey Weinstein lên tiếng vào năm 2017 khi rất nhiều nhân viên nữ, ngôi sao tố cáo ông tấn công tình dục.
Trong tiểu luận mang tên Sorry (Not Sorry): Decoding #MeToo Defenses, tác giả Charlotte Alexander, phó giáo sư Luật và Phân tích, Đại học bang Georgia, đã tập hợp hơn 200 tuyên bố công khai như trên để nghiên cứu xem những người bị buộc tội, tố cáo tấn công, quấy rối tình dục nói gì và họ đã nói điều đó như thế nào.
Kết quả cho thấy chỉ 1/3 số câu nói chứa lời xin lỗi, còn lại là sự phủ nhận, bào chữa, đổ lỗi dưới nhiều hình thức. Ngay cả khi những kẻ quấy rối, tấn công tình dục đưa ra lời xin lỗi thì đó cũng không phải sự hối lỗi thực sự.
Kẻ quấy rối thường nói gì?
Phong trào #MeToo bắt đầu từ tháng 10/2017 với dòng tweet của nữ diễn viên Alyssa Milano: "Nếu bạn bị quấy rối hoặc tấn công tình dục, hãy viết 'me too' để trả lời dòng tweet này".
Khi phong trào thu thập được nhiều tweet và sự chú ý của công chúng hơn, The New York Times lưu ý rằng "rất nhiều người đàn ông quyền lực đã chứng kiến sự nghiệp của họ tan rã với tốc độ đáng kinh ngạc". Tờ báo ước tính 920 người tố cáo đã nhằm vào 201 "người đàn ông quyền lực" vào năm 2017-2018. Vox xác định được 262 người bị cáo buộc có hành vi sai trái chỉ trong 7 tháng vào năm 2017–2018. Bloomberg đã đếm được 429 vụ trong một năm.
Nghiên cứu của Charlotte Alexander đã tập hợp danh sách trên The New York Times, Vox và Bloomberg, sau đó giải mã 219 tuyên bố, phản hồi công khai của những người bị cáo buộc. 99% trong số này là nam giới.
Nghiên cứu định lượng cho thấy các từ phủ định như "never" (không bao giờ), "not" (không), "can not", "can’t" (không thể) xuất hiện với tần số dày đặc. Các từ như "false" (sai), "deny" (phủ nhận) cũng thường được nhắc đến. Ngược lại, "sorry" (xin lỗi) rất hiếm khi hiện diện.
"Điều này bộc lộ xu hướng thiên về ngôn ngữ liên quan đến phủ nhận và bào chữa hơn là ngôn ngữ liên quan đến lời xin lỗi và trách nhiệm", Alexander cho biết.
Các cụm từ phổ biến khác cho thấy những cách bào chữa, biện hộ phổ biến của người bị cáo buộc: "chỉ đùa thôi" nhằm giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của hành vi, "tán tỉnh lẫn nhau" đề cập đến sự đồng ý hoặc sự chào đón và làm mất uy tín của người tố cáo, "nhiều năm" liên quan đến nỗ lực củng cố uy tín của bản thân bằng cách đề cập những thành tựu nghề nghiệp hoặc cá nhân.
"Tôi xin lỗi nếu..."
Khi nghiên cứu định tính về các tuyên bố có chứa từ "sorry" của người bị cáo buộc, Alexander phát hiện có hai kiểu xin lỗi: xin lỗi đầy đủ và xin lỗi có điều kiện.
Các học giả pháp lý, tâm lý học và triết học Lesley Wexler, Jennifer Robbennolt và Colleen Murphy giải thích "những lời xin lỗi có điều kiện chỉ đề cập chung đến 'hành động' hoặc 'hành vi', không thừa nhận hành vi có hại hoặc thể hiện sự hiểu biết về tính sai trái hoặc tác động của hành vi đó". Hơn nữa, một lời xin lỗi có điều kiện "dường như đổ lỗi cho nạn nhân vì đã hiểu sai hoặc quá nhạy cảm".
Nói tóm lại, xin lỗi có điều kiện thực chất là cách chối bỏ trách nhiệm và tìm cách đổ lỗi cho nạn nhân, không thể hiện sự hối lỗi.
Ngược lại, lời xin lỗi đầy đủ là hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của người nói và tác động của nó mà không cần điều kiện.
Trong nghiên cứu của mình, Alexander nhận thấy 56% lời xin lỗi là đầy đủ, 44% là có điều kiện. Những lời xin lỗi đầy đủ đến từ tuyên bố của doanh nhân Dave McClure và người dẫn chương trình Chris Savino, những người lần lượt tuyên bố: "Hành vi của tôi là không thể tha thứ và sai trái... Tôi muốn chân thành xin lỗi", "Tôi vô cùng xin lỗi và xấu hổ".
Ngược lại, ví dụ về lời xin lỗi có điều kiện xuất hiện trong các phát biểu của nhân vật phát thanh, truyền hình Ryan Seacrest ("Nếu tôi khiến cô ấy cảm thấy bất cứ điều gì khác ngoài sự tôn trọng, tôi thực sự xin lỗi"); chính trị gia Dean Westlake ("Tôi chân thành xin lỗi nếu cuộc gặp gỡ với tôi khiến bất cứ ai khó chịu").
"Tôi thấy", "tôi nghĩ"
Một trong những phát hiện đáng chú ý khác của nghiên cứu là sự xuất hiện dày đặc của "I" và các đại từ chỉ ngôi thứ nhất khác (chiếm 3/4 trong các câu).
Những người bị tố cáo có hành vi quấy rối, tấn công tình dục người khác thường đề cấp đến những cái như "tôi nghĩ", "tôi cảm thấy", "tôi cho rằng". Điều này thể hiện rằng người bị cáo buộc thường coi nhận thức chủ quan của bản thân về hành vi của mình là lành tính hoặc vô hại, mà không thừa nhận khả năng có cách giải thích khác.
"Tôi không có chủ ý quấy rối tình dục cô ấy", "Tôi đến từ một nền văn hóa khác", "Tôi chỉ hôn cô ấy vì tôi nghĩ đó là một nghi thức quyến rũ đồng thuận"... là cách nhiều người giải thích về hành vi quấy rối của mình.
Tuy nhiên, những ý định, suy nghĩ hoặc niềm tin mà người bị cáo buộc đề cập chỉ là ngoại vi theo luật về quấy rối tình dục ở nhiều nước. Mặc dù quy định pháp luật được giải thích ở mỗi nơi một khác, các vụ quấy rối tình dục không được xác định dựa trên việc kẻ quấy rối có nghĩ rằng hành vi của mình là một trò đùa, sự quan tâm được chấp nhận về mặt đạo đức hay theo nghi lễ văn hóa hay không. Trọng tâm của vấn đề phải nằm ở cảm giác, quan điểm của người bị quấy rối.
Sự tập trung không ngừng vào ngôi thứ nhất của các tuyên bố cũng cho thấy mức độ chênh lệch quyền lực, trong đó nhấn mạnh quyền kiểm soát của người bị cáo buộc.
Sách chữa lành tại Việt Nam
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.