Ảnh minh họa
Sự chịu đựng không có hồi kết
Mới đây, trong một nhóm kín trên mạng xã hội, một người vợ trẻ tên là HA cho biết, cô mới lấy chồng chưa được 3 năm nhưng cảm thấy hết sức mệt mỏi với cuộc hôn nhân của mình. HA chưa một ngày cảm thấy hạnh phúc. Từ lúc về nhà chồng, HA chịu rất nhiều áp lực từ mẹ chồng. HA làm gì bà cũng không hài lòng. Không chỉ chịu áp lực từ mẹ chồng mà HA phải chịu cảnh một người chồng vô trách nhiệm, say sưa suốt ngày. Chồng HA không chỉ hay rượu chè mà còn thêm tật gái gú. Ngay cả khi HA bị động thai phải nhập viện mà chồng cô cũng không chịu trực ở bệnh viện chăm vợ mà gọi mẹ vợ lên chăm, còn mình tranh thủ đi nhậu nhẹt và hẹn hò.
Lúc biết chuyện, HA trao đổi thẳng với chồng là không chấp nhận những kiểu quan hệ đó nhưng chồng HA dường như không thèm để ý quan tâm đến thái độ của vợ. Anh ta vẫn tiếp tục hẹn hò, thậm chí còn công khai hẹn hò trước mặt HA như để trêu tức cô. "Sống với người chồng phụ bạc, nhiều lúc mình cứ nghĩ quẩn nhưng nghĩ đến con nên dừng lại. Cũng có lúc mình muốn giết chết những con người phụ bạc nhưng đó chỉ là ý nghĩ thoáng qua đầu rồi thôi. Thực sự mình thấy chán nản, cuộc hôn nhân này kinh khủng nhưng không biết phải làm gì. Hiện nay công việc, thu nhập của mình không thể nuôi sống được hai đứa con còn quá nhỏ. Nếu ly dị mình sợ rằng sẽ phải xa đứa con lớn, không đành lòng", HA tâm sự.
Cùng chung nỗi lòng như HA, chị T.T ở quận Đống Đa, Hà Nội đã trải lòng về cuộc hôn nhân của mình: "Từ ngày lấy chồng đến nay hơn 20 năm nhưng mình chưa một ngày được hạnh phúc. Nguyên nhân là bởi vợ chồng mình không hợp nhau, kiểu "đồng sàng nhưng dị mộng". Vợ chồng mình dường như không bao giờ nói chuyện được với nhau một cách bình thường.
Chồng mình khi giao tiếp với người ngoài thì rất tuyệt vời, khéo léo và dễ gần. Ngược lại khi nói chuyện với vợ, chồng mình lại như biến đổi thành một con người khác, nóng nảy và hung hãn. Anh ta quan tâm cả thế giới nhưng lại hoàn toàn vô tâm với vợ con. Anh ta có thể bỏ hàng chục triệu ra để chi một bữa ăn với bạn bè nhưng luôn để vợ con phải sống trong cảnh túng thiếu. Vợ chồng mình sống trong một nhà nhưng như hai kẻ xa lạ. Mình không biết gia đình sẽ như thế nào, sẽ đi đâu về đâu!".
Mặc dù chán nản, bế tắc và bàng quan với cuộc hôn nhân của mình nhưng từ sự chia sẻ của chị HA và chị TT, đều xem hôn nhân như một sự mặc định không thể thay đổi. Chưa bao giờ họ nghĩ đến việc phải thay đổi bản thân hay xa hơn là thay đổi hoặc chấm dứt cuộc hôn nhân đã và đang mang lại đau khổ cho cuộc đời họ. Và kỳ lạ là số những người như HA và chị TT lại không hề hiếm trong đời sống.
Nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích sống
Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội tâm lý giáo dục Việt Nam, trên thực tế có không ít chị em đã cam chịu một người chồng đối xử tệ bạc với mình như vậy suốt cả một đời. Không phải họ bằng lòng với cuộc hôn nhân khốn khổ đó, cũng không phải vì họ quá yêu chồng hay thương con mà là vì họ không dám thay đổi, thậm chí là không bao giờ nghĩ đến việc thay đổi. Những người phụ nữ đó sống cam chịu và thường phản ứng bằng cách là phàn nàn hoặc đi phàn nàn với những người xung quanh. Có những người vì quá đau khổ, họ thường nghĩ đến cái chết, thậm chí nguy hiểm đến mức là họ có ý nghĩ giết người như trường hợp nêu trên.
Cũng theo TS Nguyễn Thị Kim Quý, đối với những cuộc hôn nhân bất hạnh và vô phương cứu chữa, tức là người trong cuộc đã làm mọi cách thay đổi nhưng không thể thay đổi được thì ly hôn là giải pháp đúng cho cả hai người. Việc một người chấp nhận hay cam chịu một cuộc hôn nhân khốn khổ như vậy thường có nhiều lý do nhưng quan trọng nhất đó là do họ không xác định được mục đích sống của mình.
Mục đích sống ở mỗi người là khác nhau nhưng tựu trung là hướng đến những giá trị như: Hạnh phúc, tự do, cống hiến, thương yêu… Điều đáng nói là rất nhiều người thường nhầm lẫn mục đích sống và phương tiện sống. Ví dụ, công việc là một dạng phương tiện sống. Vợ chồng cũng vậy, đó là một dạng phương tiện của cuộc sống. Mỗi người chúng ta kết hôn, tạo lập hôn nhân là để sử dụng phương tiện hôn nhân đó nhằm đạt tới mục đích được sống hạnh phúc của mình.
TS Nguyễn Thị Kim Quý nói, có những cặp vợ chồng sống với nhau rất vui vẻ. Bởi họ biết quan tâm đến nhau, trân trọng nhau, yêu thương nhau và cùng nhau xây đắp gia đình, nuôi dạy con cái. Chúng ta có thể hình dung những cặp vợ chồng như vậy chính là thứ phương tiện tốt để mình đi tới hạnh phúc. Nhưng ngược lại, có những cặp vợ chồng cả đời đối xử với nhau như kẻ thù, luôn chửi bới làm khổ nhau, thiếu tôn trọng nhau… thì kiểu vợ chồng đó có thể xem như một thứ phương tiện tồi, là một loại phương tiện không tốt. Khi ta sử dụng một phương tiện không tốt thì lẽ đương nhiên chúng ta sẽ rất khó đến được nơi mình đến, đó là hạnh phúc, là mục đích của hôn nhân.
Tuy nhiên, do sự nhầm lẫn giữa mục đích và phương tiện trong cuộc sống nên không ít chị em đã vô hình chung xem hôn nhân như một điểm đến. Họ không biết rằng, cũng như công việc, hôn nhân thực chất chỉ là một loại phương tiện cho mình sử dụng để đạt được mục đích trong đời sống của mình. Đã là phương tiện thì khi thấy nó là phương tiện tốt thì mình xài, còn nếu đó là phương tiện không tốt thì mình nên thay đổi. Việc giữ khư khư lấy cuộc hôn nhân vô phương cứu chữa và chấp nhận cam chịu chung sống với nó là một cách tự chôn vùi cuộc đời mình.
Ngân Khánh